5 năm qua, huyện U Minh có nhiều đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông với hàng trăm ki-lô-mét lộ được xây dựng. Hệ thống giao thông trong huyện đấu nối hầu hết các xóm, ấp, khu dân cư bên ngoài lâm phần và đang triển khai xây dựng hàng chục công trình trên khu vực lâm phần. Đây là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
5 năm qua, huyện U Minh có nhiều đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông với hàng trăm ki-lô-mét lộ được xây dựng. Hệ thống giao thông trong huyện đấu nối hầu hết các xóm, ấp, khu dân cư bên ngoài lâm phần và đang triển khai xây dựng hàng chục công trình trên khu vực lâm phần. Đây là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Những tuyến đường nhựa, bê-tông chạy dài, thông suốt tạo cho U Minh diện mạo mới. Nhiệm kỳ qua, ngoài việc nâng cấp mở rộng tuyến đường chính U Minh - Tắc Thủ tăng lên gấp đôi so với trước đây, huyện U Minh còn xây dựng thêm hàng chục công trình lộ nông thôn theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng đồng bộ ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Xã ven biển như Khánh Tiến, Khánh Hội được đầu tư từ 5-10 công trình lộ/xã. Bên cạnh đó, nhiều tuyến lộ bê-tông cũng được triển khai xây dựng trên khu vực lâm phần rừng tràm - nơi có kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống người dân còn khó khăn nhưng người dân rất đồng lòng góp vốn đối ứng.
Lộ kinh Ba Thước, xã Khánh Tiến góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. |
Tuyến lộ kinh Ba Thước, thuộc ấp 6, xã Khánh Tiến vừa được xây dựng có chiều dài 4.800 m, mặt lộ rộng 2,5 m, nguồn vốn hơn 4 tỷ đồng. Ðây là công trình có quy mô lớn và là một trong những công trình trọng điểm mà Khánh Tiến thực hiện trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công trình này đấu nối liên thông từ xã Khánh Tiến đến xã Khánh Lâm và Khánh Hoà, thoả lòng mong ước của người dân.
Ông Lư Phước Vuôl, cán bộ hưu trí, phấn khởi: “Ngày xưa, vào mùa mưa, dân ở đây muốn đi đâu thì chỉ có xuồng máy là phương tiện chính, vừa chậm lại vừa tốn kém. Bây giờ thì khoẻ rồi, từ đây lên huyện chỉ mất vài chục phút”.
Ông Châu Minh Chí, Trưởng Ban Nhân dân ấp 6, xã Khánh Tiến, thông tin: “Khi vận động Nhân dân thực hiện công trình này, chúng tôi nhận được sự đồng tình cao, vốn đối ứng được bà con đóng đầy đủ. Mỗi hộ chịu trách nhiệm giám sát chất lượng thi công trên phần đất của mình”.
Từ khi có con đường mới, nhiều hộ dân chăm chút cảnh quan trước sân nhà mình hơn. Bà con trồng nhiều cây cảnh, làm hàng rào cây xanh rất đẹp. Vui nhất vẫn là các cháu học sinh ngày ngày được bon bon trên xe đạp đến trường.
Tuyến đường bê-tông cốt thép kinh 35, thuộc ấp 13, xã Nguyễn Phích nằm trên khu vực lâm phần U Minh Hạ cũng vừa được đưa vào sử dụng cách nay không lâu. Tuyến đường này có chiều dài 3.400 m, vốn đầu tư xây dựng trên 3 tỷ đồng, trong đó có phần vốn đối ứng của người dân nơi tuyến đường đi qua.
Trưởng Công an ấp 13, xã Nguyễn Phích Phạm Văn Bình cho biết, ngày khởi công cũng như ngày khánh thành đưa vào sử dụng con đường này, bà con đến dự rất đông.
“Chúng tôi thật sự cảm kích trước sự quan tâm của chính quyền khi đầu tư xây dựng tuyến đường này. Từ khi đưa vào sử dụng, bà con rất có ý thức bảo vệ con đường, cũng như giữ gìn an ninh trật tự trong xóm”, anh Bình nói.
Ðến thời điểm này, có trên 150 km đường ô-tô đạt chuẩn cấp 4, cấp 5 đồng bằng, đầu năm 2014, huyện U Minh hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đường ô-tô về trung tâm xã. Ngoài ra, toàn huyện hiện có gần 400 km lộ nông thôn, 300 cây cầu đấu nối từ trung tâm huyện đến các xã, từ các xã đến hầu hết các khóm, ấp và liên ấp.
Trung bình mỗi năm huyện có thêm từ 30-50 km lộ nông thôn được xây dựng mới. Các tuyến lộ đều có chiều ngang từ 2-2,5 m, đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều công trình được đầu tư ở ven biển, trên khu vực lâm phần rừng tràm, với mong muốn thúc đẩy kinh tế khu vực này phát triển. Hiện nay, du khách đến U Minh có thể ngồi trên xe 4 bánh đi tới các cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội), Hương Mai (xã Khánh Tiến) hoặc đến tham quan rừng tràm và thưởng thức các món ăn đặc sản ở một số điểm du lịch sinh thái.
Một cách làm sáng tạo của Ðảng bộ huyện U Minh trong nhiệm kỳ qua là xây dựng lộ nông thôn đạt tiêu chí lộ nông thôn mới theo thiết kế mẫu. Cách làm này đã rút giảm chi phí khoảng 40% so với cách xây dựng lộ trước đây. Theo Bí thư Huyện uỷ U Minh Nguyễn Kiên Cường, việc xây dựng lộ theo thiết kế mẫu đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Do giảm bớt chi phí xây dựng nên người dân không phải góp vốn đối ứng mà chỉ đóng góp bằng cách hiến đất tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, ngày công lao động và trực tiếp giám sát chất lượng công trình theo thiết kế.
Việc đấu nối các tuyến đường góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng bộ và Nhân dân U Minh quyết tâm hoàn thành tiêu chí lộ nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo kế hoạch./.
Bài và ảnh: Lê Hữu Lợi
Bên thềm đại hội
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện U Minh Nguyễn Hải Hưng, đại biểu cao tuổi nhất, Đoàn Đại biểu Đảng bộ cơ quan Đảng - Đoàn thể: Đời sống người dân trên lâm phần rừng tràm đã nâng lên đáng kể
So với những năm trước, đời sống của người dân ngày càng được ổn định, phát triển, nhất là người dân đang sống trên lâm phần rừng tràm. Trước đây, phần đông hộ gia đình phải lo từng bữa ăn thì nay cuộc sống, sinh hoạt của họ có phần đầy đủ hơn, nhà ở khang trang nhờ có thu hoạch từ cá đồng, cây chuối, rau màu. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình còn có thu nhập từ các sản vật dưới tán rừng hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ðiều phấn khởi nhất là khi thực hiện Nghị định 181 của Chính phủ, nhiều hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo nhiều thuận lợi cho họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiện nay, huyện U Minh đã được chủ trương của tỉnh cho phép khai thác rừng thường xuyên, chỉ cần tới chu kỳ là khai thác, không giới hạn về thời gian; nhờ thế người dân trong lâm phần tăng thêm nguồn thu nhập từ cây tràm, đây là tín hiệu hết sức phấn khởi. Trong tương lai không xa, chắc chắn cuộc sống của người dân trong lâm phần rừng tràm sẽ tiếp tục phát triển bền vững.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ xã Khánh Lâm Lâm Thị Tuyết Huệ, đại biểu trẻ tuổi nhất, Đoàn Đại biểu Đảng bộ xã Khánh Lâm: Sẽ lựa chọn những người có tâm, có tầm để bầu vào cấp uỷ khoá mới
Lần đầu tiên tôi là thành viên của Ðảng bộ xã Khánh Lâm dự Ðại hội Ðảng bộ huyện U Minh, đây vừa là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề đối với bản thân. Tôi sẽ thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, mang theo trí tuệ, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của cán bộ và Nhân dân xã Khánh Lâm đến với đại hội. Bản thân tôi sẽ tập trung nghiên cứu và tham gia ý kiến vào các văn bản của đại hội. Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tham gia bầu cử Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện khoá mới. Tôi sẽ chọn lựa những đồng chí thật sự có tâm và có tầm nhìn, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước Ðảng, trước Nhân dân về việc mình làm để bầu vào Ban Chấp hành, lãnh đạo huyện thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm đưa cuộc sống Nhân dân huyện nhà ngày càng phát triển hơn.
Bí thư Huyện đoàn U Minh Đỗ Minh Hiển, Đoàn Đại biểu Đảng bộ cơ quan Đảng - Đoàn thể: Tạo việc làm tại chỗ để thu hút thanh niên nông thôn vào đoàn
Thực tế hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ thanh niên nông thôn bỏ địa phương đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương… gây ảnh hưởng đến công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Một số thanh niên còn lại đa phần đã có gia đình, mãi lo làm kinh tế, ít có thời gian tham gia các hoạt động Ðoàn. Hơn nữa, hiện nay hoạt động Ðoàn ở cơ sở không có cơ chế hỗ trợ khuyến khích nên không thu hút được đoàn viên, thanh niên tham gia. Muốn có lực lượng, cần giữ chân đoàn viên sinh sống và làm việc tại địa phương.
Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Ðoàn, rất cần sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và xã hội đối với thanh niên, hỗ trợ thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sự trợ giúp ấy cần những việc làm cụ thể như: quan tâm giải quyết cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế, phối hợp với ngành chức năng xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, quan tâm lắng nghe ý kiến và thấu hiểu những khó khăn của thanh niên trong cuộc sống để có hướng hỗ trợ kịp thời. Các cấp uỷ, chính quyền cũng cần tin tưởng, mạnh dạn giao việc cho thanh niên để vừa thử thách năng lực, vừa phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục tham mưu với Huyện uỷ, UBND và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án thanh niên làm kinh tế gia đình với các mô hình như: lúa - tôm, vườn - ao - chuồng - biogas, mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích. Ngoài ra, Ðoàn Thanh niên sẽ xin chủ trương cấp uỷ đứng ra đảm nhận các phần đất trống trên các lâm phần để trồng chuối, keo lai… giúp thanh niên tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên, đồng thời mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thanh niên trên địa bàn./.
Khánh Vy lược ghi