Những năm qua, thương mại, dịch vụ, du lịch đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện U Minh.
Năm 2010, U Minh là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân, 5 năm qua, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên.
Đồng chí Lê Thanh Triều, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, có thể nói, nhiệm kỳ qua là nhiệm kỳ mà Ðảng bộ huyện U Minh đã gặt hái được rất nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong nhiệm kỳ có 17/20 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với nghị quyết.
Nguồn thu từ thuỷ sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước của huyện U Minh. Ảnh: KHÁNH VY |
Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nông - ngư - lâm nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng nhanh; thu nhập bình quân đầu người từ 750 USD năm 2010 tăng lên 1.300 USD vào năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá. Toàn huyện có gần 160 km đường ô-tô và 375 km đường giao thông nông thôn, cùng với hơn 300 cây cầu bê-tông, đảm bảo 100% xã có đường ô-tô về đến trung tâm; xoá 5 ấp trắng về điện và phát triển lưới điện hạ thế, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện từ 85% năm 2010 lên 95% năm 2015; 100% xã có trung tâm văn hoá - thể thao.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển, đặc biệt đến nay huyện có 47,8% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; trong nhiệm kỳ đã xây dựng và sửa chữa 2.496 căn nhà cho các đối tượng chính sách; giải quyết việc làm hằng năm cho trên 3.600 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,23% năm 2010 xuống còn 8,26% năm 2015. Ðời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
- Bên cạnh những kết quả tích cực thì huyện U Minh còn những vấn đề gì trăn trở, cần có sự tập trung chỉ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh hơn và bền vững hơn trong nhiệm kỳ tới, thưa đồng chí?
* Đồng chí Lê Thanh Triều: Những kết quả đạt được của Ðảng bộ huyện ở nhiệm kỳ qua là rất lớn, song, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế nhất định, đó là: Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đời sống còn khá chậm. Công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện còn hạn chế, chưa thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hoá còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao. Ðó là những vấn đề đang tồn tại, Ðảng bộ cần tập trung để có giải pháp tích cực hơn và giải quyết tốt hơn trong thời gian tới.
- Ðể đạt được những mục tiêu quan trọng, cốt lõi nhất của nhiệm kỳ tới thì U Minh cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?
* Đồng chí Lê Thanh Triều: Về giải pháp thực hiện các mục tiêu cho nhiệm kỳ tới, dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đã xác định rất cụ thể cho từng nhóm ngành, lĩnh vực, trong đó trọng tâm là:
Ðối với lĩnh vực kinh tế, tiếp tục xác định nông - ngư - lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện sẽ xúc tiến triển khai thực hiện Ðề án Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa dạng, mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế và hộ dân cùng tham gia, đầu tư phát triển rừng theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục sắp xếp dân cư khu vực rừng tràm; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao thay cho cây tràm ở những nơi năng suất thấp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 181/2004/NÐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định số 43) và giải quyết tốt các vấn đề khó khăn trong quản lý đất rừng, tạo điều kiện cho Nhân dân ổn định và phát triển sản xuất.
Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản theo hướng gắn với quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu. Ðầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm tăng giá trị bảo quản, chế biến sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tranh thủ vốn đầu tư phát triển lưới điện, phấn đấu đến năm 2020 số hộ dân sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 99%.
Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống; triển khai nghiên cứu các dự án, đề án ứng dụng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, nhất là những sản phẩm, hàng hoá chủ lực.
Những năm qua, thương mại, dịch vụ, du lịch đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện U Minh. Ảnh: PHONG PHÚ |
Phát triển mạng lưới dịch vụ du lịch và thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái rừng tràm, du lịch miệt vườn… có chính sách thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, đa dạng hoá các loại hình và sản phẩm phục vụ du lịch mang thương hiệu đặc trưng U Minh.
Ðối với lĩnh vực văn hoá - xã hội, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% trường học trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Ðẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hoạt động khuyến học, khuyến tài, quan tâm hỗ trợ chính sách đào tạo cho con em đồng bào dân tộc Khmer.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hoá các trang thiết bị y tế từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; duy trì mức sinh hợp lý. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền, vận động Nhân dân rèn luyện nâng cao sức khoẻ, phòng, chống dịch bệnh; phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Một số chỉ tiêu quan trọng của Đảng bộ huyện U Minh phấn đấu đến năm 2020: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý: nông - ngư - lâm nghiệp 43%; công nghiệp - xây dựng 25%; dịch vụ 32%. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt 2.500 tỷ đồng trở lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 2.300 USD trở lên. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%. Phấn đấu xây dựng huyện U Minh đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 25,5% trở lên. Giải quyết việc làm mới hằng năm từ 3.800-4.000 lao động. Giảm hộ nghèo còn dưới 3,26%. Có 18 giường bệnh và 8 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch trên 95%. |
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đa dạng hoá các loại hình văn hoá văn nghệ; đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hoá... Bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch. Khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hoá truyền thống.
Thực hiện đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,26%, trong đó đặc biệt quan tâm giảm nghèo trên các khu vực lâm phần, ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số. Ðẩy mạnh chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Tăng cường phòng, chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc về an sinh xã hội.
- Xin cảm ơn đồng chí!./.
Nguyễn Danh thực hiện