Trong bối cảnh vật giá và chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, nhiều con em gia đình ở nông thôn ra thành phố học tập, công tác đang phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì cuộc sống. Hiện nay, mức lương cơ sở khởi điểm cho công chức, viên chức mới tuyển dụng (A1) có trình độ từ đại học trở lên chỉ khoảng 5.476.000 đồng/tháng, không tính lương của lực lượng vũ trang. Mức lương này khó đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của cá nhân nếu không có sự hỗ trợ thêm từ người thân và gia đình.
Theo tính toán thực tế, chi phí bình quân tối thiểu cho một người trong ngày đã tiêu tốn hơn 100.000 đồng, tức khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng chỉ riêng cho việc ăn, uống. Chưa kể đến các khoản chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ, xăng xe, nhu yếu phẩm, tiền thuê nhà ở và các khoản chi khác. Bên cạnh đó, còn có chi tiêu cho các mối quan hệ xã hội đơn thuần như đám tiệc, hiếu hỷ, một phần không thể thiếu trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam.
Công chức Bộ phận Một cửa UBND huyện Cái Nước hỗ trợ giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh minh hoạ
Áp lực tài chính khiến công chức, viên chức mới tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch chi tiêu. Với thu nhập thấp, họ phải thắt chặt chi tiêu để duy trì cuộc sống, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và khả năng sáng tạo trong công việc. Ngoài các chi phí sinh hoạt hằng ngày, việc đầu tư cho học tập và nghiên cứu cũng rất cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Một công chức, viên chức không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn cần có kinh nghiệm thực tiễn thông qua các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, với mức lương hiện tại, việc tham gia các hoạt động học hỏi ngoài giờ làm việc trở thành một thách thức, khi mà mỗi cuộc gặp gỡ đều tốn kém, tối thiểu như việc uống cà phê hay ăn sáng. Việc này tuy đơn giản với người có thu nhập khá, nhưng thật sự khó khăn với người có thu nhập thấp như công chức, viên chức mới tuyển dụng.
Thực tế cho thấy, mức lương cơ sở của viên chức có trình độ từ đại học trở lên còn thấp hơn mức thu nhập bình quân của một công nhân trong ngành xây dựng. Đơn cử như một người làm phụ hồ có thể kiếm khoảng 300.000 đồng/ngày, tương đương 9 triệu đồng/tháng, trong khi công chức, viên chức mới tuyển dụng có thu nhập chưa tới 5,5 triệu đồng/tháng. Điều này lý giải vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi không trở về quê mà trụ lại các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài cơ quan Nhà nước với thu nhập cao hơn.
Từ đó, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn mất đi nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, đặc biệt ở những vùng xa trung tâm kinh tế, tài chính. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cho biết lý do họ không về quê là do không tìm được việc làm hoặc mức thu nhập quá thấp, khó xây dựng nền tảng kinh tế ổn định cho tương lai.
Mức lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bạn trẻ ngại lập gia đình hoặc sinh con do áp lực tài chính, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách dân số của Việt Nam. Đặc biệt, với những người phải thuê nhà ở trọ, việc xây dựng một cuộc sống kinh tế ổn định trở nên khó khăn hơn. Nếu không có giải pháp tài chính để cải thiện thu nhập cá nhân ngoài lương, cơ hội sở hữu nhà ở tại các đô thị của những bạn trẻ này gần như là điều không thể. Cơ hội và khoảng cách của con em nhà nông ra phố thuê trọ ở để đi làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng xa hơn bởi họ không có khả năng bù chi phí đảm bảo cuộc sống với mức lương khởi điểm như hiện nay.
Để giúp công chức, viên chức mới tuyển dụng yên tâm công tác và trụ vững với công việc, nhất là con em vùng nông thôn ra thành phố thuê trọ, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đặc biệt, nhất là vấn đề cải thiện tiền lương khởi điểm cho công chức, viên chức, đảm bảo mức sống tối thiểu so với giá cả thực tế của xã hội. Các địa phương vùng sâu, vùng xa cần có cơ chế và chính sách tài chính đặc thù nhằm hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Việc này không chỉ giúp họ yên tâm công tác mà còn góp phần bổ sung nguồn lực cho sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.
Mức lương khởi điểm và chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức cần đảm bảo cuộc sống ổn định, giúp họ không phải tìm mọi cách bươn chải, tăng thu nhập và tránh những phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín và nguồn lực cán bộ. Cần có những chính sách phù hợp với thực tế và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Chỉ khi đó, viên chức, công chức mới tuyển dụng có thể yên tâm công tác, phát huy tối đa năng lực của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Nguyễn Ngọc