ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-4-25 21:31:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025)

Chiều Sài Gòn

Báo Cà Mau Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

TP Hồ Chí Minh năng động phát triển.                                         Ảnh:  CAO THỊ THANH HÀ

TP Hồ Chí Minh năng động phát triển. Ảnh: CAO THỊ THANH HÀ

Hơn 20 ngày trước khi giải phóng, tôi và Phượng Vũ đang khắc khoải vì tình hình chiến sự đang diễn ra sôi động (trường báo chí phải đóng cửa, các học viên ở xa thì nằm đó chờ lệnh, ở gần thì tranh thủ về địa phương, đơn vị) thì may mắn được cơ quan Trung ương Ðoàn miền Nam biên chế vào toán xung kích, gồm 5 anh em. Hành trang là chiếc võng ni-lông, bộ đồ, vải đắp, ruột tượng gạo và ít lương khô, riêng tôi còn được trang bị khẩu K54 và 2 gắp đạn. 20 ngày đêm, từ khu rừng Lò Gò đến chân núi Bà Ðen, những vạt rừng chồi xơ xác ở Củ Chi, nối đuôi nhau vượt sông Sài Gòn, những con rạch nhỏ, bạt ngàn thuốc lá ở Gò Vấp, lách qua những đồn bót dày đặc, phía trước là vầng sáng Sài Gòn.

Ðêm 30/4, bộ đội ta đã đột kích vào trường huấn luyện Quang Trung, ngót một vạn tân binh địch như ong vỡ tổ. Một tình huống ngoài dự kiến, chúng tôi phải dùng loa tay tập hợp số tân binh vào từng nhóm theo địa chỉ tỉnh - thành, nói một số điều ngắn gọn rồi tuyên bố cho họ tự tìm đường về gia đình. 11 giờ 30, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hơn 4 giờ, toán xung kích chúng tôi đã lên được chiếc xe dùng để đưa rước công nhân của hãng mì Vị Hương Tố, hướng đầu về trung tâm Sài Gòn. Người ngồi trên xe đã kín ghế, có người chỉ áo thun, quần cụt, không giày dép, cả người lái xe cũng vậy. Tôi nghĩ, họ là những tân binh vừa vứt bỏ bộ quân phục "Việt Nam Cộng hoà", cùng trèo lên để tìm đường về gia đình. Cái cảnh có vẻ trà trộn, nhưng giờ phút này ngôi thứ thắng - thua không có chỗ cho toan tính. Cạnh cửa bước lên, cán cờ được cột chặt, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tung bay trước gió.

Ngồi trên xe, không biết toán xung kích của tôi, hay bộ phận nào khác, chỉ huy và gồm những lực lượng nào. Trước mắt là xa lộ Ðại Hàn, vừa rộng, vừa láng bóng, mà lần đầu tiên trong đời tôi được biết, được đi trên lưng của nó. 10 tháng trước, từ Cơ Nhì - Khánh Bình - Trần Văn Thời, bắt đầu chuyến đi về miền Ðông với nào là ba lô, ruột tượng, ăng-go dùng để nấu ăn, vượt qua những con sông, khu rừng, những con đường độc đạo hiểm nguy, khi đặt chân đến con đường nhựa từ Túc Mía đến chợ Lục Sơn trên đất Campuchia tôi đã hả hê mừng.

Xe chạy chậm, phía sau còn mấy chiếc nữa. Có một điều rất lạ, những người ngồi trên xe ai nấy đều lặng thinh, ghế kế bên tôi là anh Nguyễn Hải Phong - toán trưởng, một thời sôi nổi "hát cho đồng bào tôi nghe", ngang dọc khắp hẻm hóc Sài Gòn - cũng kín tiếng; Phượng Vũ, nữ duy nhất trong toán, tuổi chớm tròn đôi mươi, con gái của một bác sĩ đã vượt Trường Sơn về Nam những năm sau đồng khởi, ngày nào vui miệng, hát hay, giờ cũng kín tiếng đến lặng lẽ. Phải chăng, giờ phút này, tin Sài Gòn được giải phóng, cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm đã kết thúc, hơn 100 phút ngắn ngủi của buổi chiều Sài Gòn này mọi người không có đủ thời gian để chắt lọc những cảm xúc, không gợi những lời giao tiếp đúng cảnh. Lặng lẽ để cho niềm vui được thấm sâu vào đường gân, xớ thịt; cho hạnh phúc được tích tụ chờ lúc dâng trào.

Xe vẫn chạy chậm, các bản tin trên Ðài Phát thanh Hà Nội, Ðài Giải phóng và những mệnh lệnh của đài Sài Gòn từ chiếc radio nhỏ tôi mang theo như thúc giục người lái xe nhấn mạnh chân ga, trung tâm Sài Gòn đang đợi. Dừng lại bên chiếc xe tăng của ta bị trúng đạn, khói súng phủ màu đen, nòng pháo chúi xuống đất; trong căn nhà bên đường 2 chiến sĩ bị thương được băng bó nằm trên bộ vạt, còn người chết ở đâu? Không ai cầm được cảm xúc, Phượng Vũ lấy tay quệt nước mắt. Chỉ cần vượt qua cầu, những người chiến sĩ trẻ kia sẽ cùng cất cao bài ca chiến thắng. Sự hy sinh nào cũng là nỗi đau, nhưng ở điểm sát thềm chiến thắng, cái chết ấy càng đau đến tột cùng.

Những người ngồi trên xe đã thưa, càng đi sâu vào Sài Gòn, nhà cửa, phố phường càng đông đúc; đường phố không có khoảng trống để nhìn mặt trời đã xuống đến đâu, nó có màu đỏ sẫm khi chạm đến góc chân trời, những cụm mây đen như những dãy núi có hình thành khi mùa mưa sắp bắt đầu. Những lá cờ Mặt trận phấp phới trước cửa nhà, hiệu buôn, những cây chà ăng ten dọc bên đường chẳng khác lúc ở vùng giải phóng đã dùng cây, giăng dây để chống trực thăng đổ quân. Có đoạn, gặp phải những chiếc xe nhà binh đâm đầu vào vỉa hè, xăng dầu chảy ra lênh láng, có đoạn đụng phải một đống quần áo, dây thắt lưng, mũ sắt, bình ton vứt giữa đường. Càng chứng kiến các loại xe, quân trang, quân dụng vứt dọc đường tôi càng nhẩm ra chỉ có nội các Dương Văn Minh đầu hàng, còn lại hàng triệu quan lính đều bỏ chạy. Các quan lớn thì lên trực thăng đáp xuống các chiến hạm của Mỹ đậu ngoài khơi, hoặc bằng các loại máy bay tìm đến "mẫu quốc" Hoa Kỳ từ mấy ngày trước. Bỏ chạy từ Tây Nguyên, Vùng 1, các tỉnh ven biển miền Trung, Vùng 4, bỏ chạy ngay tại Sài Gòn một cách hỗn loạn chưa từng có của một cuộc chiến tranh xâm lược. Và, chỉ 2 ngày sau, khi tôi được phân công ngồi ở bàn tiếp nhận nguỵ quân - nguỵ quyền đến trình diện ở góc đường Yên Ðỗ, nay là đường Lý Chính Thắng, tôi đã gặp những người đã bỏ chạy đó. Viên đại uý cảnh sát tuổi chừng 40, vẻ rụt rè đặt khẩu Rulo nhỏ gọn, vừa vặn trong túi áo bà ba, 5 viên đạn sẵn trong ổ và 1 bao đựng chừng 100 viên đạn rời. Thành phố đã lên đèn, lung linh, những hàng cây cổ thụ tàn lá lẫn trong ánh đèn, đẹp lạ. Là người sinh ra ở đồng sâu, những kênh rạch, ngay cả cái chợ Cà Mau cũng chưa một lần đặt chân tới, giờ đây tôi như lạc lõng giữa Sài Gòn hoa lệ, hòn ngọc Viễn Ðông.

17 giờ 30, buổi chiều Sài Gòn sắp cạn, tôi không còn thì giờ để miên man, trước mặt là toà hành chính Quận 3, mục tiêu của toán xung kích phải đến. Qua cánh cổng, chúng tôi bước lên thềm, đi qua các phòng, theo cầu thang lên lầu chỉ gặp một người duy nhất, ông trạc trung niên, mặc bộ sơ mi không còn mới. Tôi không biết ông là cơ sở của ta hay nhân viên của toà hành chính còn ở lại. Với cử chỉ không mừng ra mặt, nhưng cũng không tỏ ra sợ hãi, ông chỉ cho chúng tôi đống súng đạn được gom lại gọn gàng, các tủ hồ sơ, tài liệu vẫn trật tự, ngăn nắp, những bóng đèn dường như không đủ sáng ở một toà nhà từng là hang ổ cai trị của chính quyền Sài Gòn để tiễn những người ra đi trong trăm mối ngổn ngang, đón người hân hoan vừa kịp đến. Sào huyệt của kẻ thù vậy ư? Vẫn những phòng tường vôi riêng biệt, bàn ghế, máy chữ, điện thoại bàn, tủ hồ sơ bất động, vô tư, ở căn phòng rộng lá cờ 3 que ủ rũ, chân dung tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không kịp gửi theo hắn sang Ðài Bắc trông trơ trẽn, nhục nhã. Chỉ khác là lòng dạ con người cùng một màu da, một dòng máu Lạc Hồng lại cam tâm làm người phản bội Tổ quốc, Nhân dân. Mỗi ngày chúng nó làm gì, bắt, giết những ai, tôi không có cơ hội để tỏ tường những con số, nhưng khi quan sát mọi thứ, bất giác tôi hơi lạnh người. Những ai đã hát “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao, hãy cho tôi gởi buổi chiều, đêm và cả bữa ăn đầu tiên ở Sài Gòn vào đấy.

Tôi muốn nói với Phượng Vũ, là người lính của Khu đoàn Tây Nam Bộ có mặt chiều Sài Gòn 50 năm trước, một buổi chiều đáng nhớ không chỉ riêng mình mà còn cả mấy mươi triệu người dân Việt. Dù có bộn bề gì, dù tuổi đã vào nhớ nhớ quên quên, chúng mình cũng nên dành chút thời gian thu gom những ký ức ở buổi chiều ấy, phải cho nó vào nỗi nhớ, nhớ cho đến khi nào mình không còn nhớ được nữa.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.

Ðời người chỉ sống một lần

Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Tri ân miền Ðất thép

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất hình chữ S đều gắn liền với sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, mà còn thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh to lớn của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.