ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 15-4-25 10:48:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ao ông Cả Bảy

Báo Cà Mau Trong hành trình mở đất phương Nam, có những con người không chỉ cần cù chịu khó để tạo lập cuộc sống mà còn làm nhiều việc ý nghĩa giúp xóm làng, cộng đồng và được người đời nhắc nhớ. Ông Lê Văn Hiền ở xứ Bà Ðiều, làng Thạnh Phú (nay là ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) là trường hợp như thế.

Ðào ao trữ nước cho làng

Khoảng những năm 1835-1840, ông Lê Văn Minh và vợ là Trần Thị Nhàn cùng chị ruột và 4 em trai rời quê hương Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đến khai hoang lập nghiệp bên bờ sông Rạch Rập, xứ Bà Ðiều, làng Thạnh Phú. Thuở ấy nơi này còn khá hoang vu, đầy rẫy hiểm nguy. Thế nhưng, với sự kiên cường và sức lao động bền bỉ, các thành viên trong gia tộc đã tạo dựng được cuộc sống ổn định nơi miền đất mới.

Ông Lê Văn Hiền (1863-1934), là con thứ của ông bà Lê Văn Minh và Trần Thị Nhàn, chào đời và lớn lên tại vùng đất còn in dấu bước chân khai phá ấy. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Biên, người cùng làng Thạnh Phú. Nhờ đồng tâm hiệp lực, vợ chồng ông gầy dựng được khối điền sản khá lớn, trở thành gia đình giàu có trong vùng.

Không chỉ chăm lo kinh tế gia đình, ông Lê Văn Hiền còn là người có uy tín, sống giản dị, nghĩa tình, luôn quan tâm đến việc làm ăn, sinh sống của bà con làng xóm. Ông được tín nhiệm bầu làm Hương cả, chức vị cao nhất trong bàn hội tề của làng bấy giờ và được người dân gọi là ông Cả Bảy.

Xứ Cà Mau có hai mùa mưa nắng, vào mùa nắng (mùa hạn) ao đìa thường khô cạn, sông rạch bị xâm mặn, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm. Thương dân làng, ông đã đào một ao thật sâu và rộng trữ nước trời để cung cấp cho cả làng dùng, bà con gọi là ao ông Cả Bảy.

Bà Lê Ngọc Loan (83 tuổi), cháu gọi cụ Hiền bằng ông cố, bồi hồi nhớ lại: “Má tôi kể, hồi đó ông cố bỏ tiền ra mua một công đất năn, rồi mướn người đào ao. Má tôi có tham gia nấu cơm cho thợ ăn. Người làm đông vui và xôm tụ lắm. Cái ao đào kiểu lòng chảo, ông cố còn mua 50 giạ muối đen bỏ dưới đáy, nghe nói để hạ phèn. Nước ao trong và uống ngọt như nước mưa”.

Trong trí nhớ của Nhạc sĩ Lê Lương (tuổi gần 90), cháu cố cụ Lê Văn Hiền: “Nếu tính từ trong ra theo tuyến Quốc lộ 1, vị trí ao nằm bên trái, khỏi cống Bà Ðiều chưa đầy cây số. Hồi đó người dân chở nước bằng xuồng trên sông Rạch Rập. Từ mé sông, qua khỏi đất vườn, ra thêm độ 2 công là tới ao. Theo giấy tờ còn lưu lại, ao có diện tích 1.000 m². Ðường đi từ mé vườn ra tới ao, ông cụ lót bằng đá xanh. Ðường xuống ao cũng được cẩn đá cho khỏi lở và người dân dễ dàng lấy nước. Ao sâu lắm, mùa hạn không hề cạn, nước ngọt như nước mưa”.

Vị trí ao ông Cả Bảy nằm trên Quốc lộ 1, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 3 km. Theo tốc độ đô thị hoá, hiện nơi này đã được chuyển nhượng và bị san lấp.

Vị trí ao ông Cả Bảy nằm trên Quốc lộ 1, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 3 km. Theo tốc độ đô thị hoá, hiện nơi này đã được chuyển nhượng và bị san lấp.

Trong ký ức của nhiều người, những năm tháng chiến tranh nghèo khó, dân cư miệt Nhà Phấn, Rau Dừa, Phú Tân (cách ao từ 5-7 cây số đến hơn 20 cây số)... cũng tìm đến ao này để lấy nước về dùng (mặc dù gần cống Bà Ðiều bấy giờ còn có một ao khác do làng đào, gọi là ao Làng, nhưng nước không ngọt bằng).

“Hồi đó tôi dẫn đoàn văn công đi hoạt động ở miệt Rau Dừa, nhà các hộ dân cho đoàn ở nhờ cũng lên tới ao này chở nước về sinh hoạt”, Nhạc sĩ Lê Lương nhớ lại.

Các cụ cao niên sống trên địa bàn ấp Bà Ðiều cũng xác nhận, trước đây nơi này từng có 2 ao lớn, một là ao Làng, do dân đào; cái còn lại là ao do ông Cả Bảy tự bỏ tiền và công sức tạo nên. Có lẽ ao Làng có trước, nhưng nước không được ngọt, nên ông Cả Bảy mới đào thêm ao (áp dụng kinh nghiệm dân gian giúp nước ngọt) để cho dân làng dùng.

Như vậy, cái ao không chỉ có ý nghĩa thực tại mà còn phát huy vai trò tận những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Nghe nói, kể cả sau ngày đất nước thống nhất, người dân vẫn dùng nước ao này. Mãi khi cây nước được khoan phổ biến và sau nữa là hệ thống nước máy được nối mạch thì ao ông Cả Bảy mới chấm dứt vai trò lịch sử của nó.

Dấu ấn trong cộng đồng, dòng tộc

Không chỉ đào ao trữ nước cho dân dùng, ông Lê Văn Hiền còn đứng ra vận động và tổ chức đắp lộ, sửa đường, bắc cầu cho dân đi lại. Những năm đói kém, mất mùa, nhiều gia đình được ông giúp đỡ gạo ăn, thóc giống, phương tiện canh tác để vượt qua khốn khó. Ông còn nổi tiếng là người giỏi xem mạch, hốt thuốc, nhất là chữa trị gãy xương, trật khớp. Lúc mùa vụ hay khi nông nhàn, hễ người bệnh tìm đến đều được ông cứu chữa tận tình. Ai nghèo khó quá còn được ông nuôi ăn ở, hết bệnh thì cho tiền về quê.

Ông Hiền chính là thân sinh của nhà hoạt động cách mạng tiền bối Lê Khắc Xương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), mà Báo Cà Mau đã đề cập trong bài “Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời (ấn phẩm Ðất Mũi, phát hành ngày 28/3/2025).

Trong phạm vi dòng tộc, ông Hiền còn để lại một công trình đáng trân trọng, xây dựng phần mộ bằng đá cho song thân là ông Lê Văn Minh và bà Trần Thị Nhàn, lớp người đầu tiên trong gia tộc đặt chân đến khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất Cà Mau. Việc làm này không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo mà còn mang ý nghĩa lưu giữ dấu tích lịch sử, nhắc nhở con cháu về công lao của các bậc tiền nhân.

Theo Kiến trúc sư Mai Lê Minh, cháu cố của ông Hiền, dòng họ Lê trong gia tộc vốn có gốc từ Quảng Ngãi, là hậu duệ của danh tướng Lê Văn Duyệt. Do biến cố lịch sử, một số người trong dòng họ đã phiêu dạt vào phương Nam và một nhánh đã đến Cà Mau (như đã nói). Ngôi mộ đá của ông Lê Văn Minh được xây dựng theo hình thức mộ phần của các quan triều Nguyễn.

Mộ cụ Lê Văn Minh, toạ lạc tại ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (ngôi mộ lớn phía sau), được ông Lê Văn Hiền làm bằng đá tảng, với lối kiến trúc theo quy chuẩn mộ phần của các quan triều Nguyễn (con cháu đã trùng tu, thêm phần câu đối tiếng Việt).

Mộ cụ Lê Văn Minh, toạ lạc tại ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (ngôi mộ lớn phía sau), được ông Lê Văn Hiền làm bằng đá tảng, với lối kiến trúc theo quy chuẩn mộ phần của các quan triều Nguyễn (con cháu đã trùng tu, thêm phần câu đối tiếng Việt).

Ngày nay, theo nhịp sống đô thị hoá, ao ông Cả Bảy cũng như ao Làng đều đã bị san lấp, nhưng những việc làm, nghĩa cử của ông Lê Văn Hiền đối với dân làng, cộng đồng để lại trong lòng con cháu niềm tự hào và bài học về lòng nhân hậu, lối sống nghĩa tình.

Là kiến trúc sư, ông Minh quan tâm nhiều đến những tảng đá xanh dùng để xây mộ, lót đường, làm nền chùa, kè ao... loại vật liệu không thể có sẵn ở vùng đất thấp Cà Mau. Ông bảo, nghe kể đá được các ghe chở từ Ðồng Nai xuống bán (cũng có người nói chở từ miền Trung vào).

Kiến trúc sư Mai Lê Minh, cháu cố cụ Lê Văn Hiền (người phía trong), chỉ cho chúng tôi xem những tảng đá còn lại từng được cụ Hiền dùng làm chùa. Ðây cũng là chứng tích về lịch sử, văn hoá của thời khai hoang mở đất.

Kiến trúc sư Mai Lê Minh, cháu cố cụ Lê Văn Hiền (người phía trong), chỉ cho chúng tôi xem những tảng đá còn lại từng được cụ Hiền dùng làm chùa. Ðây cũng là chứng tích về lịch sử, văn hoá của thời khai hoang mở đất.

Dẫu gốc tích loại vật liệu này chưa được xác định rõ, nhưng đây được xem là những chứng tích lịch sử, lưu dấu tiền nhân trong hành trình mở đất phương Nam mà chắc chắn nếu tìm hiểu, sẽ có nhiều điều hay và thú vị./.

 

Huyền Anh

 

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ao ông Cả Bảy

Trong hành trình mở đất phương Nam, có những con người không chỉ cần cù chịu khó để tạo lập cuộc sống mà còn làm nhiều việc ý nghĩa giúp xóm làng, cộng đồng và được người đời nhắc nhớ. Ông Lê Văn Hiền ở xứ Bà Ðiều, làng Thạnh Phú (nay là ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) là trường hợp như thế.

Tập huấn phát hiện sớm bệnh mắt sụp mi, lé ở trẻ em

Ngày 11 và 12/4, tại Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau, 40 bác sĩ chuyên khoa Mắt và kỹ thuật viên khúc xạ từ các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và thành phố tham gia khóa tập huấn chuyên sâu về khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lý mắt thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là sụp mi và lé.

Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2

Sáng 11/4, tại Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” nhằm trao tặng học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (11/4), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã triệu tập hội nghị triển khai các văn bản liên quan và tập huấn phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. 

Trao yêu thương cho người ở lại

Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm, nhưng với các gia đình liệt sĩ, nỗi đau mất đi người thân vẫn mãi xót xa như hôm nào. Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hẳn gia tài quý báu nhất mà họ để lại cho người thân chính là những bức di ảnh. Theo thời gian, các bức ảnh đã cũ và hư hỏng. Bằng tấm lòng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc, nhiều bạn trẻ đã bắt tay nhau phục dựng lại hàng loạt những bức ảnh liệt sĩ đã hư hỏng để trao tặng lại cho gia đình.

Phú Tân phấn đấu đến cuối tháng 7 hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát

Chiều 10 /4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến kiểm tra công tác xây dựng nhà cho bà con trong chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát và công tác trùng tu, bảo dưỡng các bia ghi danh anh hùng liệt sĩ, di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phú Tân.

Mô hình cũ, hiệu quả mới

Xác định đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Phú Tân đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân xây dựng lò đốt rác quy mô nhỏ, đây được xem là giải pháp phù hợp với điều kiện ở các địa phương. Hội Nông dân xã Phú Mỹ là một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt phong trào này.

Hiện đại đô thị Sông Ðốc

Thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được biết đến là trung tâm kinh tế biển sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau. Với vị trí đặc thù, nơi đây không chỉ là bến cảng tấp nập mà còn dần chuyển mình thành đô thị biển hiện đại. Sông Ðốc không ngừng phát triển về kinh tế, hạ tầng và đời sống người dân.