(CMO) Sau 1 năm thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh, giảng dạy Tiếng Anh tăng cường trong cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh; đến nay, đối với cấp Mầm non đã có hơn 1.300 trẻ được dạy làm quen Tiếng Anh; cấp Tiểu học có hơn 4.500 học sinh và cấp THCS có 77 học sinh được dạy Tiếng Anh tăng cường.
Kết quả trên được nêu tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm qua 1 năm thực hiện chương trình, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào ngày 7/8.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GĐ&ĐT, chủ trì buổi thảo luận cùng giáo viên, ghi nhận thuận lợi, khó khăn trong công tác tổ chức làm quen Tiếng Anh cho trẻ mẩu giáo.
Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giảng dạy Tiếng Anh tăng cường trong CSGD mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023, Sở đã cụ thể hóa, ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức làm quen Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, dạy tiếng Anh tăng cường trong các CSGD mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp chuyên môn liên quan, đảm bảo năng lực tổ chức giới thiệu và thực hiện chủ trương nói trên.
Nội dung giảng dạy với phương châm bổ sung, tăng cường kiến thức cho học sinh nhằm giúp các em thực hiện tốt 4 kỹ năng “nghe, nói, đọc, viết” đối với cấp Tiểu học và THCS. Riêng đối với cấp Mầm non, mục tiêu là cho trẻ làm quen với Tiếng Anh, đồng thời làm cơ sở, nền tảng cho trẻ vào cấp Tiểu học.
Đối với cấp Tiểu học, THCS, tài liệu dạy học trên cơ sở sách giáo khoa môn Tiếng Anh được UBND tỉnh phê duyệt. Với cấp học Mầm non, tài liệu được biên soạn dựa trên cơ sở Thông tư số 50, ngày 31/12/2020 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Chương trình làm quen Tiếng Anh và được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Thời lượng giảng dạy đối với cấp Tiểu học, THCS là 2 tiết/tuần; cấp Mầm non 1 tiết/tuần.
Với mục tiêu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trẻ mầm non được làm quen Tiếng Anh, ngoài tạo sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục thì việc tổ chức dạy và học Tiếng Anh tăng cường trong trường học còn là giải pháp thiết thực, hiệu quả và là lựa chọn trong bối cảnh tỉnh nhà còn thiếu giáo viên dạy môn Tiếng Anh.
Việc học Tiếng Anh từ sớm còn giúp trẻ trở nên tự tin, hoạt bát và mạnh dạn hơn. Phương pháp dạy Tiếng Anh hiệu quả ở lứa tuổi mầm non là những hoạt động vừa học vừa chơi.
Từ kết quả thí điểm trên, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh tiếp tục tổ chức làm quen Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong CSGD mầm non trên địa bàn tỉnh từ năm học 2023-2024 với hình thức xã hội hóa và tự nguyện của trẻ, của phụ huynh học sinh. Không để gián đoạn tại một số cơ sở giáo dục, đồng thời tăng quy mô mở rộng, tạo điều kiện cho trẻ mẫu giáo được làm quen Tiếng Anh.
Riêng đối với giáo viên tham gia tổ chức làm quen Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, thống nhất gia hạn hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ mầm non cho giáo viên tham gia giảng dạy đến hết ngày 31/12/2023 để các công ty tham gia phối hợp với các trường cao đẳng, đại học có chức năng đào tạo, bồi dưỡng hoàn thành nội dung này theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, đề nghị Phòng GĐ&ĐT huyện, thành phố tham mưu UBND cấp huyện, thành phố có phương án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các CSGD (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối Internet).
Các CSGD phối hợp với công ty, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dạy học với phương án chủ động, linh hoạt. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Tiếng Anh tăng cường trong CSGD từ năm học 2023- 2024; bảo đảm 100% CSGD đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường, tạo mọi điều kiện cho học sinh trên địa bàn được học tăng cường môn Tiếng Anh với tinh thần tự nguyện và có nhu cầu.
“Đặc biệt, chú trọng đối tượng yếu thế như trẻ em thuộc diện nghèo, cận nghèo, mồ côi, con thương binh, con liệt sĩ, trẻ em khuyết tật...”, ông Lê Hoàng Dự lưu ý./.
Loan Phương