Hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã đặt 8 đài thông tin liên lạc, trong đó có 4 đài đặt tại Bộ Chỉ huy, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, Ðồn Biên phòng Hòn Chuối và Ðồn Biên phòng Rạch Gốc. 4 đài này có khả năng kết nối với máy điện thoại di động và máy điện thoại cố định. Ngoài ra, còn 4 tổ đài khác được đặt phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và nắm tình hình trên biển.
Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên vùng biển Cà Mau diễn biến phức tạp, trong khi lực lượng cứu hộ cứu nạn và trang bị còn mỏng, nhưng phạm vi hoạt động khá rộng (trên 70.000 km2), với chiều dài bờ biển 254 km. Trên toàn tuyến có gần 100 cửa sông, cửa lạch thông ra biển và địa bàn biên phòng cũng là nơi thường xảy ra lốc xoáy, nước dâng, sụp lở đất, tai nạn. Vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của Bộ đội Biên phòng hết sức nặng nề. Ðại tá Lương Hoàng Ðông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, đánh giá:
Xác định công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Biên phòng trong thời bình, từ đó Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy, nổ, cháy rừng, cứu sập. Hằng năm đều bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế. Ðảng uỷ, Bộ Chỉ huy đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan và các đồn biên phòng duy trì tốt hệ thống thông tin liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển; thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, kịp thời thông báo cho ngư dân, bổ sung kế hoạch, phương án và huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng phòng chống thiên tai, xử lý tốt các tình huống xảy ra.
Cán bộ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc đến từng địa bàn để tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định an toàn khi đánh bắt trên biển trong mùa mưa bão. Ảnh: L.K |
Duy trì nghiêm các chế độ đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ. Khi các vụ việc xảy ra, đơn vị đều huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện trực tiếp và phối hợp với ngư dân, lực lượng tại chỗ thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Các ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Nhân dân, nhất là thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện trước khi ra biển. Ðồng thời hợp đồng và thông báo các tần số liên lạc của các đài canh duyên hải. Kịp thời tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ". Vì vậy, các vụ xảy ra đều hạn chế được mức thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân.
- Mùa mưa bão năm nay được dự báo có nhiều diễn biến khó lường. Ðể chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, Bộ đội Biên phòng đã có kế hoạch gì để giúp người dân phòng trách, giảm thiểu thiệt hại, thưa Ðại tá?
Ðại tá Lương Hoàng Ðông: Ðảng uỷ - Bộ Chỉ huy đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn thể cán bộ chiến sĩ, chủ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thường xuyên nắm chắc tình hình thiên tai, tai nạn trên biển, trên địa bàn; tổ chức rà soát bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, tai nạn sát với tình hình thực tế đơn vị, địa bàn.
Song song với việc thực hiện "4 tại chỗ", từng đơn vị tổ chức huấn luyện nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, làm nòng cốt trong xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn, trên biển. Duy trì nghiêm các chế độ trực đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ khi có tình huống xảy ra. Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã xây dựng được 10 đội tàu thuyền an toàn với gần 1.000 thuyền viên. Ðây là lực lượng trực tiếp và thường xuyên có mặt trên biển để giúp Bộ đội Biên phòng làm công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và thông báo tình hình an ninh trật tự trên biển, góp phần để Bộ đội Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ.
- Thưa Ðại tá, việc phối hợp với địa phương được tổ chức như thế nào?
Ðại tá Lương Hoàng Ðông: Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng còn tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương bố trí khu neo đậu tàu thuyền vào tránh bão. Quy hoạch dân cư phù hợp với từng cụm tuyến đảm bảo độ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn khi có tình huống bão, lốc xảy ra. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân nêu cao ý thức phòng tránh, xử lý tình huống khi có thiên tai xảy ra, đồng thời các đồn biên phòng chủ động và thường xuyên giữ liên lạc thông suốt với các phương tiện đang hoạt động trên biển, nhất là phát huy hiệu quả mạng thông tin của đài canh dân sự với ngư dân.
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã đặt 8 đài thông tin liên lạc, trong đó có 4 đài đặt tại Bộ Chỉ huy, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, Ðồn Biên phòng Hòn Chuối và Ðồn Biên phòng Rạch Gốc. 4 đài này có khả năng kết nối với máy điện thoại di động và máy điện thoại cố định. Ngoài ra, còn 4 tổ đài khác được đặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc, Hố Gùi và Khánh Hội, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và nắm tình hình trên biển.
Thường xuyên bổ sung danh bạ điện thoại của chủ phương tiện và tần số thông tin liên lạc các phương tiện hoạt động trên biển; cấp phát thêm tài liệu về cách nhận biết bão, áp thấp nhiệt đới để phòng tránh. Cập nhật nắm chắc thông tin diễn biến tình hình thời tiết trên các vùng biển để có hướng chủ động thông báo cho ngư dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ của địa phương sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
- Xin cảm ơn Ðại tá!./.
Lê Khoa thực hiện