Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B gây dịch. Ngành y tế Cà Mau đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn về điều trị cũng như phòng, chống dịch đậu mùa khỉ để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bùng phát tại tỉnh. Hệ điều trị, bao gồm các sở khám bệnh, chữa bệnh, sẵn sàng tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, thông báo cho hệ dự phòng kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bệnh viên Đa khoa Cà Mau hiện đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, điều trị, cách ly khi có ca bệnh xảy ra.
- Tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
- Cà Mau khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan
- Phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban giám đốc bệnh viện đã triển khai thực hiện nghiêm các quyết định, hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh: Quyết định 2306/QĐ-BYT ngày 26/8/2022 về Ban hành Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định 3044/QĐ-BYT ngày 9/11/2022 về việc Bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào Danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Công văn số 660/SYT-NVY ngày 26/02/2024 về tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Cà Mau và công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ”.
Hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc đều đảm bảo cho công tác điều trị, cách ly cũng như đảm bảo đúng phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Dựa trên kinh nghiệm và cơ sở vật chất trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trước đây, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện đã triển khai lại các phòng khám, khu cách ly tại các khoa: khám bệnh, cấp cứu, truyền nhiễm, da liễu… để chủ động trong việc tiếp nhận, cách ly, phân luồng điều trị khi có ca nghi ngờ hoặc xác định bệnh đậu mùa khỉ.
Dựa trên kinh nghiệm và cơ sở vật chất trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm trước đây đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã bố trí lại các phòng khám, khu cách ly ở một số khoa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng thông tin: “Ban giám đốc bệnh viện yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc và có báo cáo kết quả, đánh giá, rút kinh nghiệm (khi có ca bệnh). Chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh (chủ yếu là nguồn nhân lực từ Khoa Truyền nhiễm). Có thể huy động nhân lực từ các khoa khi mức độ dịch lan rộng”.
Bệnh viên Đa khoa tỉnh cũng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phòng hộ, khử khuẩn… để ứng phó với từng cấp độ của bệnh. Tuy nhiên, đơn vị còn đang gặp khó khăn trong việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh (chưa thực hiện được xét nghiệm PCR, nuôi cấy - phân lập xác định bệnh tại đơn vị).
Máy móc, trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh đã sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
Nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu có tiếp nhận bệnh nhân đậu mùa khỉ đến điều trị, Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng cho biết: “Xác định rõ các đường lây truyền và tốc độ lây truyền bệnh, bệnh viện triển khai các giải pháp cụ thể như: chỉ đạo các khoa, phòng, đặc biệt là Khoa Khám Bệnh, Khoa Cấp cứu, Khoa Da liễu bố trí phòng cách ly tạm thời đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận và phân loại bệnh. Tiến hành tầm soát, theo dõi những nhóm người có nguy cơ cao sau tiếp xúc với bệnh nhân. Phân luồng di chuyển bệnh nhân đến nơi tiếp nhận điều trị (tại Khoa Truyền nhiễm) tránh lây lan dịch ra cộng đồng; các khoa lâm sàng chủ động theo dõi, phát hiện, cách ly sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đầu mùa khỉ; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn bị công tác giám sát, báo cáo, khử khuẩn kịp thời”.
Tủ vật tư y tế được chuẩn bị sẵn dọc hành lang khu làm việc Khoa Truyền nhiễm, sẵn sàng sử dụng khi có yêu cầu.
Mặc dù chưa xảy ra dịch bệnh trên diện rộng nhưng để chủ động phòng ngừa, ngành y tế, cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cũng như chuẩn bị mọi phương tiện để cách ly, điều trị hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan.
Đặng Duẩn