Do đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện sinh thái tự nhiên và cơ cấu các vùng sản xuất, bên cạnh các mặt tích cực, huyện Trần Văn Thời được đánh giá là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
- Ðể ứng phó hiệu quả, bền vững với biến đổi khí hậu
- Chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả
- Chủ động ứng phó mưa dông chuyển mùa
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Trần Văn Thời, những tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt kéo dài, tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng.
Tính từ đầu năm đến ngày 7/5/2024, trên địa bàn huyện có 9 xã, thị trấn vùng ngọt xảy ra sạt lở, sụt lún 138 tuyến với 708 vị trí, tổng chiều dài 18.617 m, ước tính thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng. Chưa kể, khó khăn trong thiếu nước sạch sinh hoạt và nước tưới phục vụ sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân.
Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả được cả hệ thống chính trị từ các cấp uỷ đảng, Nhà nước, chính quyền, đến ban, ngành, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện, giúp người dân tháo gỡ khó khăn. Ðồng thời, người dân trong huyện còn được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và bộ, ngành Trung ương, đơn vị tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ, vượt qua mùa khô hạn.
Hằng năm, khi mùa khô vừa kết thúc, bước vào giai đoạn giao mùa chuyển sang mùa mưa, thường xuất hiện các trận dông lốc, mưa kèm gió giật mạnh làm sập nhà cửa, cây cối, ngập úng cục bộ ở nhiều nơi, gây thiệt hại về người, tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.
Nông dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động trong sản xuất mùa vụ.
Trong năm 2023, mưa dông đã làm sập, tốc mái 186 căn nhà, 1 dãy trọ, 1 bưu điện văn hoá, chìm 3 phương tiện đánh bắt thuỷ sản, ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ 600 triệu đồng. Ðồng thời, do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão số 1, 2 và 3 kèm theo mưa lớn đã làm thiệt hại 1.144 ha lúa, rau màu của 985 hộ, tổng số tiền cần hỗ trợ để khôi phục sản xuất là hơn 1 tỷ 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Việt Khái, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa. Các loại hình thiên tai như: mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, do ảnh hưởng của mưa, dông đã làm sập và tốc mái 7 căn nhà. Chính quyền địa phương các xã kịp thời đến hỗ trợ, động viên các gia đình khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa dông”.
Như hộ gia đình anh Phạm Văn Ly, ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, xây dựng khung nhà bằng cây gỗ địa phương, lợp tol. Vào lúc 13 giờ ngày 6/5 vừa qua, trên địa bàn có mưa lớn, kèm theo dông lốc đã làm tốc hết mái nhà trước của gia đình anh.
Anh Ly chia sẻ: “Lúc đó cả nhà đang ăn cơm, trời chuyển mây đen, chưa kịp mưa, thì có gió mạnh, bất ngờ giật bay hết mái tol nhà trước. Các vật dụng trong nhà chưa kịp di dời bị mưa dột ướt làm hư hỏng, ước tổng thiệt hại trên 10 triệu đồng. Nay tôi tranh thủ sửa chữa nhà, dựng cột đổ đá, xi măng và chằng chống trên mái nhà kiên cố hơn, vì xem dự báo thời tiết, tình hình mưa bão năm nay rất phức tạp”.
Anh Phạm Văn Ly sửa chữa, kiên cố hoá ngôi nhà sau khi bị dông lốc làm tốc mái nhà ngày 6/5 vừa qua.
Theo Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ tháng 5 đến tháng 6, nắng nóng cục bộ và mưa rải rác kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông lốc, sấm sét xuất hiện nhiều vào buổi trưa, chiều và tối, có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Việt Khái cho biết thêm: “Tình hình thời tiết từ Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện theo dõi, cập nhật thường xuyên trong ngày. Từ đó, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương kịp thời chuyển tải thông tin về cảnh báo đến các thành viên địa bàn được phân công phụ trách từ xã đến ấp, để người dân trên địa bàn toàn huyện nắm, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và trong sản xuất. Tuyên truyền người dân tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn; tổ chức gia cố, bảo vệ sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện bơm tát; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa dông gây ra”.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân cần nâng cao ý thức chủ động ứng phó, phòng ngừa, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương để bảo vệ tài sản, nhà cửa, sản xuất an toàn. Ðồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ động gia cố công trình, cơ sở hạ tầng; tổ chức cắt tỉa cành cây, đề phòng có lốc và gió mạnh; các tàu thuyền khi xuất bến phải báo cáo đầy đủ thông tin, đảm bảo an toàn theo quy định./.
Thảo Mơ