- “Thuận thiên” để sản xuất bền vững
- Nỗi niềm nghề rẫy mùa hạn
- Phát động trồng 250 ngàn cây phục hồi rừng trên đất ngập nước
Những năm qua, Cà Mau luôn đối diện với nhiều khó khăn về tình hình hạn mặn, sụt lún ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài do hạn hán diễn biến gay gắt, nắng hạn kéo dài, thì còn do hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín, chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đầu tư khoanh ô nhỏ phù hợp với từng vùng, chưa có hệ thống trạm bơm điều tiết nước; sản xuất, sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra các hiện tượng cực đoan, nếu tình trạng hạn hán kéo dài thường xuyên, thì việc thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hoá, nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hạn mặn đã làm sụp lún nhiều tuyến lộ tại ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.
- Trong mùa khô này, những tác động tiêu cực của hạn hán cũng như ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây ra như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Hoàng Vũ: Hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng người dân thiếu nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt. Bên cạnh đó, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, U Minh, làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho đi lại và giao thương hàng hoá của người dân; nông sản sẽ bị thương lái ép giá. Mực nước trên các kênh, rạch (nơi còn nước) ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Sụt lún nghiêm trọng ảnh hưởng đến lưu thông tại ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải.
- Những giải pháp khắc phục trước mắt và mang tính bền vững được tỉnh triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Hoàng Vũ: Giải pháp được thực hiện là thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, ven đê, đường nông thôn và phải thông báo cho các cơ quan chức năng khi mực nước hạ thấp hơn mức cảnh báo -1.0 m so với cao độ quốc gia. Thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. Triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt như: đầu tư xây dựng công trình mới; mở rộng, kéo dài tuyến ống công trình cấp nước; hỗ trợ dụng cụ trữ nước...
Ðối với những vị trí có nguy cơ sụt lún, cần có giải pháp giảm tải trên bờ kênh, bờ bao, đường giao thông (như phân luồng giao thông, di dời nhà, vật kiến trúc sát bờ kênh, đê bao...; cắt tỉa cành cây, lựa chọn giải pháp tạo phản áp phù hợp với điều kiện thực tế...). Xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi: đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến để chia nhỏ các vùng sản xuất có diện tích từ 500-1.000 ha nhằm chủ động điều tiết nước trong nội vùng ngọt, hạn chế bơm bỏ ra Sông Ðốc và biển Tây. Ðây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tối đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp. Do đó, tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí dự kiến đầu tư 5 hệ thống thuỷ lợi, khoảng 197.040 tỷ đồng.
Tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau, dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, kinh phí đầu tư 241,7 tỷ đồng. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản lộ Phụng Hiệp, gồm các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1. Mục tiêu là chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng mùa khô. Ðề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về Cà Mau để tiếp ngọt (sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau) cho vùng U Minh Hạ.
Lực lượng chức năng địa phương phối hợp với người dân gia cố tuyến lộ bị sạt lở tại ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải.
- Xin ông cho biết các giải pháp ngành nông nghiệp chỉ đạo, khuyến cáo để người dân chủ động ứng phó, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính hiệu quả, bền vững?
Ông Phan Hoàng Vũ: Tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Cần hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao. Người dân cần chuyển đổi diện tích trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây chịu hạn. Khuyến khích người dân chủ động trong sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp với nhiều cây, con thế mạnh gắn với du lịch cộng đồng, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ðiều chỉnh cơ cấu sản xuất, bố trí lịch thời vụ phù hợp, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản nuôi phù hợp để thích ứng biến đổi khí hậu. Từng bước đa dạng hoá các cây rau màu, đậu các loại, kết hợp nuôi thuỷ sản nước ngọt trên đất chuyên trồng lúa, để vừa nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác, vừa cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu màu mỡ của đất.
Chuyển đổi cơ cấu giống, trong đó ưu tiên phát triển các giống lúa có phẩm chất cao để gia tăng giá trị sản xuất; giống có khả năng chịu hạn, phèn, mặn cao để thích ứng tốt hơn với xâm nhập mặn và điều kiện sinh thái từng vùng, đảm bảo năng suất, sản lượng.
Tích cực xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, như: mô hình sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ tôm, mô hình đưa màu xuống ruộng...; nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao, lúa hữu cơ, lúa đặc sản địa phương; mở rộng các mô hình luân canh lúa - màu, mô hình kết hợp lúa - tôm.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất tập trung cần ưu tiên đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá các khâu làm đất, gieo trồng và chăm sóc, thu hoạch, làm khô, bảo quản sau thu hoạch...
- Xin cảm ơn ông!
Ðặng Duẩn thực hiện