(CMO) “Hiện Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (Trung tâm) có 6 học sinh khiếm thị đang theo học. Trong đó, có 5 em đang theo học lớp 4, lớp 5 và 1 em lớp 6. Chữ nổi chính là phương tiện hỗ trợ rất đắc lực trong việc giảng dạy cho các em tại đây. Hầu như các em đã sử dụng thành thạo và áp dụng nhuần nhuyễn vào chương trình học”, cô Giã Tố Quyên, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết.
Giúp học sinh khiếm thị làm quen với hệ thống chữ nổi từ khi mới thành lập, tính đến thời điểm hiện tại, đây chính là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc dạy và học với đối tượng học sinh khiếm thị tại Trung tâm.
Học sinh khiếm thị học kiến thức qua bảng chữ nổi. |
Cô Trần Thị Nga, giáo viên Trung tâm, cho biết: “Đối với các em khiếm thị, khi mới làm quen với bộ công cụ chữ nổi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ở giai đoạn học lớp 1, giáo viên phải cầm tay chỉ từng chút. Tuy nhiên, các em cũng nắm bắt nhanh, qua giai đoạn đó, đến các khối lớp lớn hơn thì bản chữ nổi đã trở thành dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của các em. Việc tiếp cận các môn học có yếu tố hình tượng như môn hình học, địa lý… vẫn còn gặp khó, nhưng khi cho các em tính toán thì các em tính rất nhanh”.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, công nghệ, có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như: máy tính, điện thoại thông minh, phần mềm đọc màn hình… nhưng chữ nổi cũng không thể thiếu đối với người khiếm thị.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều người khiếm thị thành công và hoà nhập tốt với cộng đồng. Từ mái ấm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau, em Nguyễn Ngọc Hà Phương hiện đang định cư ở Mỹ; em Nhân Ái Lệ đã ra trường và hiện đang sống, làm việc tại tỉnh Đồng Nai... Đối với những người khiếm thị, thực hiện được ước mơ, hoài bão chính là niềm hạnh phúc; thành quả cho sự nỗ lực vượt bậc để vững bước trên con đường tương lai phía trước. Những ước mơ đó thực sự bình dị nhưng rất đỗi tự hào.
“Con cảm thấy rất vui khi đã biết đọc, biết viết thông qua chữ nổi. Ước mơ sau này của con là sẽ trở thành cô giáo để dạy các em có hoàn cảnh khó khăn như con”, em Hồ Huỳnh Phương, học sinh lớp 6 tại Trung tâm, tự hào chia sẻ.
Ai đó từng nói rằng: “Người mù mà không biết chữ nổi sẽ bị mù thêm một lần nữa”. Chữ nổi là “ánh sáng” để đưa người khiếm thị tiếp cận với tri thức, hoà nhập với cuộc sống hiện đại./.
Lê Chí