Tại cuộc họp tổng kết đánh giá, tổ chức thực hiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, Ngày hội Cua Cà Mau, vào sáng ngày 25/1, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đánh giá, hai sự kiện này đã đóng góp rất lớn cho tỉnh trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là về du lịch khi đạt 2.035.253 lượt khách, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 16,3% kế hoạch năm, tổng thu đạt 2.821 tỷ đồng, tăng 22,5%, vượt 5,65% kế hoạch năm.
- Truyền hình trực tiếp khai mạc Festival Tôm Cà Mau trên sóng VTV1 vào 20h10 ngày 10 tháng 12
- Chủ động truyền thông, quảng bá Festival Tôm Cà Mau
- Sẵn sàng cho Festival tôm Cà Mau
- Festival Tôm Cà Mau – Tự hào thương hiệu Việt
Đồng chủ trì cuộc họp có các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Lê Văn Sử và Nguyễn Minh Luân. Tham gia họp tại đầu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT.
Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đánh giá, hai sự kiện này đã đóng góp rất lớn cho tỉnh trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là về du lịch.
Sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”, nhằm mục đích đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu Cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương đến với khách tham quan, đối tác trong và ngoài nước, qua đó tìm giải pháp phát triển du lịch địa phương và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm phục vụ ngành du lịch, đặc biệt là Cua Cà Mau. Sự kiện diễn ra từ ngày 23-31/12/2022, với các hoạt động chính: công tác truyền thông; hoạt động văn hóa nghệ thuật; giới thiệu ẩm thực; hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo, tọa đàm; tổ chức các hoạt động thể thao; trưng bày, giới thiệu mô hình nuôi cua, kết hợp tham quan du lịch.
Ngày hội Cua Cà Mau lần đầu tiên được tổ chức đã tác động tích cực và tạo sự lan toả mạnh, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, báo, đài và nhân dân trong, ngoài tỉnh. Tạo ra được các sản phẩm mới, ấn tượng như: Cuộc thi đua cua, thi cua lớn nhất; cuộc thi ẩm thực “Vua đầu bếp Cua”, không chỉ có nhà hàng trong tỉnh tham gia mà thu hút cả các nhà hàng lớn đến từ TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ tham gia.
Sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 diễn ra từ ngày 10-13/12/2023, do UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị có liên quan tổ chức nhằm giới thiệu thành tựu, tiềm năng, khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản quốc gia và các sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế; qua đó, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Sự kiện có các hoạt động quan trọng gồm: Chương trình khai mạc, bế mạc; hoạt động triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP; Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau và các hội nghị, hội thảo chuyên đề; hoạt động ẩm thực, trải nghiệm văn hóa và tham quan du lịch.
Tổng kinh phí thực hiện là 33,34 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách 6,07 tỷ đồng và 27,27 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá. Sự kiện đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức tham gia trưng bày với quy mô 412 gian hàng. Các hội nghị, hội thảo chuyên đề cùng với các hoạt động trải nghiệm văn hóa đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các đối tác, du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó, tạo cơ hội thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chương trình khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 vào tối 10/12/2023 thật sự gây ấn tượng và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.
Khó khăn, hạn chế được Ban Tổ chức nhìn nhận là việc ban hành kế hoạch chậm dẫn đến công tác chuẩn bị, triển khai thiếu chủ động; công tác phối hợp từng lúc thiếu chặt chẽ; một số đơn vị, cá nhân còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; công tác chuẩn bị, kịch bản, maket phải thông qua và chỉnh sửa nhiều lần, mất nhiều thời gian dẫn đến công tác triển khai ra thực tế cận ngày khai mạc; một số hoạt động giải trí lần đầu tổ chức nên còn thiếu kinh nghiệm,…
Đóng góp ý kiến cho công tác tổ chức sự kiện thời gian tới, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: “Trong tổ chức những chương trình tiếp theo, cần tăng cường khâu truyền dẫn, phát sóng và phụ đề Tiếng Anh cho đêm khai mạc vì có rất nhiều khách hàng quốc tế quan tâm đến sự kiện lớn này; bởi Cà Mau rất nhiều tiềm năng và thế mạnh mà các đối tác quốc tế muốn tìm hiểu và đầu tư”.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì: “Đối với các sự kiện lớn, chúng ta cần xây dựng đề án trước ít nhất một năm; trình và phê duyệt, cứ thế mà thực hiện. Thực tế đã qua, chúng ta chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, chưa có sự chuyên nghiệp cho tổ chức một sự kiện mang tầm khu vực”.
Bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, đề xuất: “Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong hai sự kiện này là rất đáng trân trọng. Để phát huy tốt hơn nữa, chúng ta cần dành thời gian sớm cho kế hoạch; nên định kỳ tổ chức sự kiện cho hai đối tượng con tôm và con cua sao cho phù hợp nhất, phát huy hiệu quả cao nhất”.
Việc trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP của các huyện cần được quan tâm hơn, bởi đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm đặc trưng của vùng.
Đại diện Cục Thuỷ sản góp ý, tỉnh không nên tổ chức quá nhiều hội thảo khoa học cùng một lúc; không nên tổ chức sự kiện vào tháng 12, đây là dịp cuối năm các doanh nghiệp nước ngoài rất khó tham dự. Cục Thuỷ sản cũng mong tỉnh Cà Mau phối hợp với đơn vị để tổ chức thành công sự kiện Tôm Việt vào tháng 3/2024 tới.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thương hiệu của tỉnh, đặc biệt lĩnh vực thủy sản, đại biểu đề xuất Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh uỷ thống nhất chủ trương định kỳ tổ chức Festival Tôm và Ngày hội Cua luân phiên 3 năm một lần (năm 2025 tổ chức Ngày hội Cua; năm 2026 tổ chức Festival Tôm).
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt lưu ý, trong tổ chức sự kiện thời gian tới, cần chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch; tập trung tuyên truyền sau sự kiện mới phát huy lâu dài; phải phối hợp chặt chẽ, kết nối với nhau, đặc biệt là Văn phòng UBND tỉnh và Sở NN&PTNT. Các huyện rút kinh nghiệm trong việc bố trí các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình,… “Phải có sự quan tâm, phối hợp và nỗ lực hết mình cho sự kiện thì chắc chắn sẽ thành công”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đặc biệt biểu dương Công ty sự kiện Vương Hậu vừa là đơn vị tài trợ vừa bố trí không gian trưng bày hoành tráng và chuyên nghiệp, đồng thời chỉ đạo bổ sung khen thưởng kịp thời những đơn vị đã triển khai tốt nhiệm vụ, góp phần cho thành công của sự kiện./.
Phú Hữu