Phục vụ cho Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) 2023, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thực hiện rất nhiều phần việc quan trọng. Phóng viên báo Cà Mau có phỏng vấn ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL, về tiến độ thực hiện nhiệm vụ được phân công của ngành.
- Công tác chuẩn bị cho Chương trình khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ÐBSCL 2023 được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Ông Trần Hiếu Hùng: Festival Tôm Cà Mau là sự kiện quan trọng, lần đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức, nhằm quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về sản phẩm tôm sinh thái, tôm sạch và nguồn tài nguyên của Cà Mau. Bên cạnh giá trị về ẩm thực, đây còn là lĩnh vực công nghiệp chế biến quan trọng, đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu của quốc gia, cũng như ngân sách Nhà nước. Xác định được tầm quan trọng đó, ngành được phân công phụ trách chương trình, kịch bản của lễ hội, chúng tôi tích cực phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện, xây dựng chương trình, kịch bản bảo đảm chặt chẽ.
Chương trình nghệ thuật được sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và lực lượng diễn viên trong tỉnh để tạo không khí sinh động. Thông qua các tiết mục, giúp mọi người thấy rằng, ngành tôm Cà Mau sẽ tự hào vươn xa hơn, đi xa hơn và ngày càng chất lượng hơn. Chúng tôi rất chú trọng khâu chất lượng nghệ thuật, chính vì vậy mà quan tâm việc lựa chọn từ tổng đạo diễn, đạo diễn, biên tập đến diễn viên, chương trình, tiết mục; bảo đảm hài hoà, vừa có cái riêng của Cà Mau, vừa có cái chung của ÐBSCL và cả nước, tạo nên tiếng nói chung và mục tiêu cuối cùng vẫn là niềm tự hào tôm Việt.
Biểu tượng con tôm đặt tại khuôn viên Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang hoàn thiện từng ngày để chào đón sự kiện lớn mang tầm khu vực.
- Trong chuỗi hoạt động của sự kiện, có việc tổ chức hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL năm 2023. Ông có thể chia sẻ, chương trình này thời gian qua đã đạt kết quả ra sao?
Ông Trần Hiếu Hùng: Giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ÐBSCL có ký kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Chương trình này đã được tổ chức nhiều năm, thông qua đó, các doanh nghiệp du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh cùng khai thác các tour, tuyến đến các tỉnh ÐBSCL, trong đó có Cà Mau. Luân phiên hằng năm, có những hội nghị tổng kết, đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với ÐBSCL và ngược lại. Bởi, hoạt động du lịch không thể phát triển đơn lẻ, mà là một chuỗi liên kết. ÐBSCL là một nguồn khách du lịch rất đáng kể, khách nội địa cho TP Hồ Chí Minh, đồng thời, TP Hồ Chí Minh với kinh nghiệm của mình, với các hoạt động của doanh nghiệp lớn bao giờ cũng đi tiên phong mở ra các sản phẩm mới về du lịch đến với ÐBSCL, đặc biệt là khai thác đối với Cà Mau.
Các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh như: Vietravel, Bến Thành tourist, Sài Gòn tourist đều có văn phòng chi nhánh tại Cà Mau và lượng khách từ TP Hồ Chí Minh, thông qua đầu mối TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh về với Cà Mau năm nào cũng tăng. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn Cà Mau đều tăng trưởng tốt hằng năm. Ðồng thời, lượng khách du lịch Cà Mau thông qua các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành trong cả nước đều tăng dần.
Chúng ta cũng biết, TP Hồ Chí Minh là đầu mối, không chỉ có khách của thành phố, mà còn khách các tỉnh, thành trong cả nước, thông qua TP Hồ Chí Minh sẽ về các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó là khách quốc tế, sau khi đến với TP Hồ Chí Minh, sẽ đi các tỉnh miền Tây. Ðây là lượng khách dồi dào và ổn định.
Du lịch Cà Mau phấn đấu là địa điểm hấp dẫn để TP Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành phố trong khu vực liên kết phát triển
Một yếu tố nữa rất cần trong mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ÐBSCL đó là, các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh và thông qua TP Hồ Chí Minh để giới thiệu đến các tỉnh ÐBSCL, đến với Cà Mau. Qua đó, sẽ đầu tư những dự án liên quan đến phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch từ các phân khúc thị trường. Chính mối liên kết này tạo sự gắn bó giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ÐBSCL, tạo động lực phát triển của ngành du lịch.
- Ðể Festival thành công, công tác truyền thông là rất quan trọng, ngành đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hiếu Hùng: Công tác truyền thông được chúng tôi chuẩn bị từ trước. Chúng tôi đã tổ chức đưa tin và giới thiệu các hoạt động của Festival trên các kênh truyền thông. Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, chương trình Festival còn có toạ đàm, hội nghị xúc tiến, đặc biệt là hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư, đây là một hội nghị rất quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi đã xác định rằng, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phải đi trước một bước. Quan điểm là phải đổi mới trong phương thức tuyên truyền, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Ngoài tuyên truyền theo truyền thống là pano, khẩu hiệu, áp phích, còn tuyên truyền trên báo, đài. Tại các khu vực, các tuyến đường chính, tổ chức lắp đặt các pano, những hình ảnh biểu tượng vui về con tôm để tạo sự thích thú, mới lạ cho khách tham quan; đặc biệt là tập trung khu vực quảng trường, nơi tổ chức Festival. Sẽ có 12 cụm biểu tượng vui, vừa mang giá trị tuyên truyền, vừa giới thiệu các điểm check in cho khách du lịch và các bạn trẻ. Ðường phố được chỉnh trang, tạo vẻ tươi mới, chào đón khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Ðường phố Cà Mau được chỉnh trang, tạo sự tươi mới đón chào du khách.
Trên các kênh truyền thông, thông tin về các hoạt động liên tục được cập nhật, mục đích cuối cùng là tạo ra thương hiệu con tôm Cà Mau, tôm Việt Nam. Ngoài ra, có các phóng sự, clip về quy trình nuôi trồng, chế biến tôm, những tấm gương sản xuất giỏi của nông dân, giới thiệu sự phát triển của ngành tôm một cách bền vững; trên cơ sở là tôm sinh thái và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ðây cũng chính là trọng tâm của công tác truyền thông, để tạo ra giá trị cho con tôm Cà Mau.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu - Hữu Nghĩa thực hiện