Thời gian qua, số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn TP Cà Mau giảm hơn so với trước rất nhiều. Bên cạnh công tác xử lý, việc tuyên truyền được đẩy mạnh, từ đó hình thành thói quen trong người dân "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Thực tế trên được chúng tôi ghi nhận khi tham gia cùng Ðội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an TP Cà Mau trong ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ, Tết năm nay vào tối 15/11. Trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến gần 22 giờ, lực lượng làm nhiệm vụ đóng chốt kiểm tra liên tục hàng trăm lượt xe mô tô, ô tô; qua đó, chỉ phát hiện 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Mẫn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông, trật tự: “Nếu như trước đây, cũng khoảng thời gian tương tự, ở mỗi ca trực, chúng tôi sẽ lập biên bản khoảng hơn chục trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Con số này giờ giảm từ 30-40% so với trước. Ðây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chuyển biến hơn so với trước”.
Ðội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Cà Mau kiểm tra nồng độ cồn tại đường Ngô Quyền, Phường 1, TP Cà Mau.
Bên cạnh việc ra quân kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng, ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông cũng được nâng lên. Người sử dụng rượu, bia đã hình thành thói quen đi taxi, xe ôm hoặc nhờ người nhà đưa đón về; nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng hỗ trợ đưa khách hàng về nhà khi đã dùng rượu bia.
Ông H.V.T, ngụ Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Uống rượu, bia bây giờ dù ít hay nhiều, dù có gần nhà, tôi cũng không dám tự chạy xe về như trước. Thứ nhất là vì an toàn, thứ hai là giờ chốt giao thông nhiều lắm, dính biên bản là coi như đói mấy tháng liền”.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan trên, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vẫn còn xảy ra, đa phần trong đó là người lao động phổ thông, lao động chân tay.
“Số lượng công chức, viên chức bị xử phạt lỗi này đã giảm rất nhiều, tuy nhiên, đối với lao động phổ thông, lao động chân tay thì vẫn chưa giảm. Qua thực tế kiểm tra, những đối tượng này vẫn còn khá chủ quan vì nghĩ uống ít rượu sẽ không sao, họ thường đi vào những đường hẻm, đường tắt để tránh né lực lượng chức năng”, Trung tá Nguyễn Minh Mẫn thông tin thêm.
Dịp cuối năm, các bữa tiệc tri ân, gặp mặt, trong đó không ít bữa tiệc, khách tham dự sử dụng rượu bia... thường được tổ chức. Vì thế, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trên toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, về những tác hại, hậu quả của việc uống rượu bia gây ra. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, quyết tâm làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông trong những tháng cao điểm cuối năm.
Việc lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông, dần hình thành văn hoá tham gia giao thông "Ðã uống rượu bia thì không lái xe”./.
Lê Chí