Hiện nay, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được mở rộng, phụ nữ mang thai dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, được tư vấn các kiến thức cần thiết về dinh dưỡng trong thời gian thai kỳ. Trong đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là một trong những vấn đề luôn được hệ thống y tế các cấp quan tâm.
Hiện nay, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được mở rộng, phụ nữ mang thai dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, được tư vấn các kiến thức cần thiết về dinh dưỡng trong thời gian thai kỳ. Trong đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là một trong những vấn đề luôn được hệ thống y tế các cấp quan tâm.
Bác sĩ CKI Lê Chí Nguyện, Trưởng Phòng khám Ða khoa khu vực Khánh An, huyện U Minh, cho biết: Trong những lần chị em đến khám thai định kỳ, tiêm chủng lúc mang thai, cũng như các bà mẹ đến sinh tại phòng khám đều được cán bộ phòng khám tuyên truyền các kiến thức NCBSM. Ngoài ra, tại các buổi hoạt động truyền thông dân số, tiêm chủng mở rộng, truyền thông phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em... phòng khám đều cử cán bộ tuyên truyền lồng ghép các kiến thức NCBSM cho người dân, làm thay đổi cách nghĩ, cách thực hành, giúp chị em hiểu và thực hiện đúng cách. Từ đó, tỷ lệ NCBSM tại địa phương được nâng lên, trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể.
![]() |
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ nhỏ. |
Ðể góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc NCBSM cũng như sự cần thiết của sữa mẹ trong quá trình phát triển của trẻ, thời gian qua, Cà Mau đã tăng cường phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, đối với công tác này, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt. Từ những giải pháp ấy mà nhiều quan niệm sai lệch về cách nuôi con nhỏ dần được thay thế bằng các kiến thức khoa học.
Chị Hồ Bé Sáu, ấp 3, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Khi sinh bé đầu lòng, tôi không được tiếp cận với kiến thức về NCBSM, cứ lo sợ sữa mẹ không đủ dinh dưỡng nên bổ sung sữa bột cho bé và cho trẻ ăn dặm từ 4 tháng tuổi, vì thế bé không được hưởng trọn vẹn nguồn sữa mẹ. Từ khi tham gia câu lạc bộ NCBSM tại địa phương, tôi hiểu về lợi ích của sữa mẹ nhiều hơn…”.
Chị Lê Thị Hằng, 30 tuổi, ấp 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Trước kia, chúng tôi chỉ biết nuôi, chăm sóc trẻ theo kinh nghiệm của những người đi trước mà không hề biết đến tầm quan trọng của việc cung cấp dinh dưỡng cho chính mình khi mang thai và lợi ích của việc NCBSM. Tham gia tập huấn kiến thức NCBSM, chúng tôi cơ bản nắm được kiến thức cần thiết để có thể nuôi con một cách tốt nhất...”.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, các bà mẹ nên NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn bất cứ thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ. Ngoài ra, các bà mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ và kết hợp ăn bổ sung theo chế độ dinh dưỡng của trẻ từ 6-24 tháng tuổi. Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu là những kiến thức cơ bản mà mỗi phụ nữ cần phải biết và hiểu rõ. Vì đây là một trong những hành động tích cực góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc của trẻ sau này. |
NCBSM và chăm sóc trẻ nhỏ là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Ðề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt. Thời gian qua, các hoạt động này được Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và Hội LHPN tỉnh phối hợp thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ðến nay, đề án đã được triển khai sâu rộng đến tận cơ sở và được chị em phụ nữ hưởng ứng cao. Bà Phan Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Qua thời gian triển khai đề án, phần lớn các bà mẹ nắm được khá nhiều kiến thức bổ ích về cách NCBSM, cách thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ... từ đó chị em có thay đổi lớn về hành vi, ý thức chăm sóc, nuôi dạy con theo khoa học...”.
Song, trên thực tế, việc NCBSM tại nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Bác sĩ Ðinh Thị Nguyên, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, cho biết: Dự án A&T là một trong những dự án nhằm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ... Nhưng dự án này chỉ triển khai tại 3 huyện nên việc tuyên truyền các kiến thức NCBSM chưa được đồng bộ, từ đó chỉ có những nơi được triển khai dự án thì tỷ lệ NCBSM đạt cao hơn so với các địa phương không triển khai dự án. Trước mắt, Trung tâm Chăm sóc SKSS đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm đưa những kiến thức cơ bản nhất đến người dân./.
Bài và ảnh: Lê Kim