(CMO) “Con muốn đi học. Sau này con sẽ làm cô giáo”, em Nhung nói về ước mơ của mình. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại thì cánh cửa tương lai của em có thể bị đóng lại bất kỳ lúc nào.
Em Trương Thị Nhung năm nay 11 tuổi, đang học lớp 6, Trường THCS Khánh Bình. Em đạt học sinh xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 5. Cô bé có nước da ngăm đen, đôi mắt to tròn nhưng đượm buồn, nhìn qua mọi người dễ thấy em chín chắn hơn tuổi. Cũng đúng thôi, bởi từ khi còn rất nhỏ em đã thiếu tình thương của cha lẫn mẹ.
Người thân lần lượt rời xa
Nhung mới chào đời cha đã bỏ đi biệt tích, mẹ từ trần khi em chưa tròn 2 tuổi do căn bệnh tim và em về sống cùng ông bà ngoại. Khi ông ngoại Nhung mất 5 năm trước thì bà cháu cùng người cậu về ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, ở đến nay.
Bà cháu Nhung ở nhờ phía sau nhà của một người bà con. Vừa qua, dì của Nhung làm lại nhà, đã cho những cây cột cũ và ít tấm lợp, người dân địa phương chung tay dựng lên cho họ ngôi nhà nhỏ. Như vậy cũng tạm che mưa che nắng, vì trước nay Nhung phải ở trong căn chòi lá, cứ mưa là dột, còn nắng thì nhìn lên nóc thấy được ánh sáng mặt trời.
Sở dĩ bà con nơi đây thương Nhung không chỉ bởi cô bé mồ côi ngoan ngoãn, học giỏi mà vì hoàn cảnh của em quá bất hạnh. Những người thân lần lượt bỏ em ra đi đã đành, bà Trương Thị Lẽ (ngoại em) năm nay mới ngoài 60 lại bệnh nằm liệt giường, không còn minh mẫn và đôi mắt chỉ còn nhìn được ở khoảng cách chừng hơn mét. Người cậu tên Thẳng thì bị bệnh tâm thần, ngay cả tên của mình cũng không nhớ. "Cậu của cháu Nhung khi khoẻ thì đi đến các chùa, chợ xin ăn, ai cho gì thì lấy. Ở đây ai cũng biết cậu nó không được tỉnh táo nên thấy có việc gì nó làm được thì kêu, rồi cho vài chục ngàn đồng. Hoàn cảnh tội vậy nên có con cá, bó rau mọi người cũng hay gọi cho mấy bà cháu", anh hàng xóm Nguyễn Hải Đảo cho biết.
Căn nhà bà cháu Nhung ở được dựng tạm bợ, rộng chừng 15 m2. |
Mới 11 tuổi nhưng Nhung đã biết làm mọi công việc trong gia đình. Những cây cột trong nhà bị mối mọt ăn, thường xuyên rớt bụi xuống nền đất đều được cô bé quét dọn sạch sẽ. Đi học về thì từ nấu cơm, giặt quần áo... em đều cáng đáng.
Trong căn chòi bà cháu Nhung ở từ trước ra sau không có vật dụng gì giá trị. Ngay cả cái ti-vi là vật dụng phổ biến của mỗi gia đình cũng không. Nhưng với Nhung, trong căn nhà lại có 1 tài sản vô giá, đó là di ảnh của mẹ.
Nguy cơ mất con chữ
Còn với những người khách lạ như chúng tôi, vật giá trị nhất trong căn nhà là bộ sách giáo khoa lớp 6 Nhung đang học. Bộ sách và tập vở được em bỏ vào bọc nhựa cột lại, để gọn vào góc nhà. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách làm của học sinh nơi thành thị hoặc ngay cả những học sinh vùng nông thôn còn khó khăn ở Cà Mau nhưng lại rất hợp lý trong căn chòi mà cô học trò nghèo cứ gọi là nhà. Nhung phải làm vậy bởi em không có bàn để ngồi học, mà có cũng không có chỗ kê. "Con nằm trên giường học bài. Tức ngực thì con ngồi dậy chút, rồi lại nằm học", Nhung nói. Trong căn nhà chỉ đi 5 bước chân là hết được cô bé sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Nhung không có bàn để học, sách vở em xếp trong bọc nhựa. |
Nhung chưa bao giờ nghĩ sẽ thôi học. Những năm đầu của cấp 1 phải lội bộ đi học em không ngại, lên lớp 5 phải đi học trên chiếc xe đạp cà tàng của người khác cho em cũng bằng lòng, miễn là được đi học. Nhưng dịp đầu năm mới này, khi suýt phải nghỉ học thì em thật sự rất sợ.
Gia đình Nhung không có sổ hộ khẩu khi về ở tại địa phương. Học cấp 1 thầy cô hiểu được hoàn cảnh nhưng lên cấp 2 nhà trường buộc phải có sổ hộ khẩu. Nhung hiển nhiên cũng không thuộc diện hộ nghèo nên các khoản phải đóng góp đầu năm như đóng cánh cửa tương lai của em lại. Hoàn cảnh đặc biệt của cô học trò 5 năm liền là học sinh xuất sắc đến tai Bí thư Xã đoàn Khánh Bình Cao Hạo Quyên. Chị đã báo cáo cấp trên để em học sinh nghèo hiếu học được đặc cách đi học. “Con cảm ơn các cô chú đã giúp con. Con muốn đi học. Sau này con sẽ làm cô giáo”, Nhung nói về ước mơ.
Trên đoạn đường Nhung đến trường, em phải đi vòng qua nhà của người khác để ra đường chính. Đoạn đường vòng đó có đoạn hẹp chỉ vừa đủ để cô học trò nhỏ nhắn bước qua. Cũng trên đoạn đường này có cái dốc giữa sân nhà và đường lộ, Nhung vẫn phải dùng hết sức mới dắt chiếc xe đạp lên được. Đoạn đường đến trường và đoạn đường đời của em sao lại khéo có những nét tương đồng đến lạ. Cô gái mới 11 tuổi nhưng đã từng trải qua những khúc cua đầy nước mắt trên cái dốc cuộc đời vẫn đang nỗ lực, cố gắng vươn lên. Nhưng trên đoạn đường đời mà cái dốc quá khúc khuỷu em có vượt qua được? Không ai chắc được điều gì, chỉ biết rằng cô bé đã gặp rất nhiều bất hạnh vẫn đang phải sống trong bất hạnh./.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang cho biết, gia đình bà Trương Thị Lẽ thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương. Hiện chính quyền đang rà soát và đứng ra làm lại sổ hộ khẩu cho bà vì gia đình không ai đủ khả năng thực hiện việc này. Sau đó, sẽ tính đến việc công nhận hộ nghèo để hưởng các chế độ của Nhà nước. Đặc biệt, em Nhung học rất giỏi, để việc học của em không gián đoạn, xã đã có chỉ đạo tháo gỡ. UBND xã đã có thư ngỏ gửi một số đơn vị xin cho các bà cháu căn nhà. Thư gửi đi mấy tháng rồi nhưng chưa đơn vị nào hồi âm. “Trước mắt, hàng tháng chúng tôi hỗ trợ gia đình gạo và vận động bà con địa phương quan tâm thêm. Chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm có điều kiện cùng quan tâm, hỗ trợ để em Nhung và gia đình có điều kiện vươn lên”, ông Sang chia sẻ. |
Khánh Hưng