ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 19:35:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Có má là có tết đủ đầy

Báo Cà Mau (CMO) Từ khi anh em chúng tôi lập gia đình riêng, đêm giao thừa ở quê chỉ còn ba má lủi thủi. Rồi khi ba tôi qua đời, một mình má tôi đón thời khắc của năm cũ bước sang năm mới với ánh mắt vời vợi chờ mong. Má mong sáng mùng 1 tết, khi anh em chúng tôi về cùng với dâu, cháu, thật rộn ràng, và khi đó, không khí tết mới thật sự bắt đầu…

Lối hăm tháng Chạp, má tôi đã lo tết cho cả 5 đứa con trai ở xa. Má mua cải tùa xại muối chua, xẻ cá đối, luộc tôm đất phơi khô, ngày 2 lần tưới đám rau cải để đợi con cháu về. Lối 25 tháng Chạp, khi anh em chúng tôi về dãy mả tổ tiên, má đùm cho mỗi đứa một bọc to đủ thứ lỉnh kỉnh đem về nhà ăn tết. Riêng phần mình, má giặt lại bộ quần áo dài đã may từ lâu lắm (nhưng vẫn còn mới tinh, vì mỗi năm chỉ mặc 1 lần). Đã chục năm nay, má vẫn ăn tết như thế, không chợ búa, không siêu thị, chỉ cần đón mấy chuyến ghe hàng bông chạy ì ạch qua nhà. Xóm Kinh Cùng hơn chục nóc nhà, vậy mà năm nào cũng mần heo chia thịt, má mua một ít về kho tàu hột vịt, cúng cơm bữa cho ba.

Mùng 1 tết, chúng tôi tề tựu về mái nhà chung, nơi ba má tôi nuôi 6 anh em lớn khôn. Má lì xì cho khắp lượt cháu con, xẻ dưa hấu đỏ để thêm phần may mắn. Rồi anh em chúng tôi háo hức chuẩn bị bữa cơm chung, quây quần với nhau cùng biết bao câu chuyện của những cái tết đã qua. Má ngồi đó, thời gian như ngưng đọng. Chuyện của những năm mà anh em chúng tôi còn nhỏ, nhà nghèo, mỗi cái tết hằn lên nỗi lo lắng của ba má. Má nói, gì thì gì, tết tới mỗi đứa cũng phải có bộ đồ mới, có nồi kho tàu hột vịt, có ít dưa cải, rồi bánh mứt.

Ba má làm nghề hàng xáo, những chuyến gạo cuối năm xong xuôi thì cũng đã cạn ngày tháng Chạp. Thấy cải tùa xại người ta bán, thèm thuồng lắm nhưng cũng chỉ dám ngó nghiêng rồi… chờ. Chờ những chủ bán cải gom lại mớ cải vụn, xấu, ngoắc tay biểu cho đem về làm dưa. Lúc đó ba má tôi mừng húm gom lại, cắt gọt rồi đem về cho lũ con đang háo hức chờ tết. Thời anh Hai mới lớn, ba má không có tiền sắm đồ mới, con trai tồng ngồng mà chưa có cái quần tây. Có người cho quần cũ, má thức trắng đêm may lại để cho con mặc. Anh Hai tôi, lần đầu tiên có quần tây, mặc chạy khoe khắp xóm. Rồi thì bánh mứt chỉ có một loại duy nhất, bánh in gõ. Thứ bánh làm bằng bột nếp gõ khuôn, khô khốc, nhưng trong ký ức của chúng tôi ngon không gì sánh nổi.

Má kể, anh Hai, anh Ba bây còn nhỏ, nhà làm được có mớ bánh in. Vậy mà mấy thằng bạn ở xóm, lớn tuổi hơn, không biết ngọt nhạt thế nào mà đem ra đãi hết. Vậy là mấy đứa em nhỏ không còn bánh để ăn. Ba má biết chuyện chỉ thở dài mà không quở trách, cũng bởi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn quá. Nhìn con cháu nhà người ta mặc quần áo mới, thịt thà, bánh kẹo ê hề mà lòng xót xa.

Chợ tết xứ Đầm.

Rồi các anh tôi lớn, ba má cho đi học ở xa. Anh Tư học ở Đồng Nai, mỗi năm về tết 1 lần. Lần nào khi anh Tư chuẩn bị đi, ba má cũng thức sáng đêm, rì rầm bàn tính. Anh Tư đi, bồ lúa ở nhà cũng cạn. Tết tới, ba má tôi chỉ dám rón rén niềm vui cho anh em chúng tôi. Tôi thích nhất đi chợ tết. Dù thật sự những chuyến đi chợ tết tôi chỉ có nhiệm vụ giữ xuồng dưới bến. Ba tôi thì lên dãy quán hớt tóc ven sông Đầm tranh thủ hớt thật nhanh. Ba tôi tánh tiết kiệm, không dám kêu nước uống, chỉ ngồi trú nắng dưới tán cây rồi chỉ cho tôi coi chỗ này người ta bán dưa hấu, chỗ kia người ta bán củ kiệu, chỗ xa xa là người ta bán hoa chưng tết…

Má đi chợ tết, thật ra chỉ mua toàn rau, mà nhiều nhất là hành lá, vì… rẻ. Má nói, anh Tư hồi trước cũng thích đi chợ tết, vô chợ má mua cho bó hành, vậy là rất sung sướng cầm theo má đi suốt buổi. Bữa cơm ngày tết khi ấy, chúng tôi ăn ngon lành, ăn đến no căng cả bụng. Cũng là thịt kho tàu hột vịt, dưa cải chua, hủ tiếu xào, miếng dưa hấu đỏ lựng, mà sao ngon quá. Cả đàn con 6 đứa nhìn ba má cười, thấy tết vui quá chừng vui.

Tết năm nay, chúng tôi lại về. Ba tôi đã qua đời 5 năm, cũng vào dịp tết. Nhớ cái tết năm ấy thật buồn. Anh em chúng tôi thay phiên nhau túc trực trên Sài Gòn, má ở nhà. Anh em tôi bàn tính, má đã lớn tuổi, nhiều bệnh, lên thăm ba thấy ba bệnh nhiều thêm khổ. Vậy là ba tôi ăn tết trên Sài Gòn. Lúc đi, tôi còn mua một tô hủ tiếu, ba ăn hết. Ba quẩy cái cặp xách má gói ghém đồ lên bến xe, tôi vẫy tay chào ba. Mấy ngày sau, tôi lên tới. Ba chỉ nằm một chỗ, tỉnh táo nhưng không còn ăn uống được nữa. Rồi thì đến qua rằm tháng Giêng, bệnh ông trở nặng. Bệnh viện kêu anh em chúng tôi thu xếp chở ba về.

Trên đường về, xe cấp cứu hư, ba thổ huyết, tưởng chừng không qua khỏi. Anh em tôi động viên ba ráng về tới nhà, gặp mặt má. Đổi xe cấp cứu, xe chạy về tới ngã tư Xóm Ruộng, rồi đò chở về bến nhà. Má ra bến sông mắt rưng rưng: “Hồi đi còn xách cặp, mà về nhà bắt người ta khiêng lên rồi”. Ba tôi về nhà, chợt hồi tỉnh. Má đút nước cho ba, ba hỏi: “Ở nhà tôm tép ra sao hả bà?”. Rồi ông nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng.

Tết năm nay má tôi ngồi đó. Con cháu lại về với mái nhà cội nguồn, nơi chúng tôi được nuôi nấng lớn khôn. Cháu nội, cháu ngoại của má giờ mấy chục đứa, má dẫn cháu con ra thăm mộ ba rồi thủ thỉ: “Bây giờ tết tao đỡ lo hơn hồi đó rồi, có điều thiếu ổng. Phải chi ổng hông bỏ tao, chắc tết còn vui hơn nữa”. Với tôi, ăn tết nào vui bằng tết ở quê. Bởi đơn giản, có má là có tết thật đủ đầy!./.

Phạm Quốc Rin

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu

Ðền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều hoạt động được tổ chức trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Các hoạt động này không chỉ nhằm ôn lại lịch sử mà còn phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, vững bước trên con đường phát triển.

Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện được các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.

Lan toả nghĩa cử đẹp

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái của mỗi người đối với cộng đồng khi một phần máu tốt của mình có thể cứu sống người bệnh. Thời gian qua, phong trào HMTN trên địa bàn TP Cà Mau luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, mà còn nhận được sự tham gia của đông đảo người dân.

Ấm áp gian hàng 0 đồng của áo xanh tình nguyện

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, các đoàn viên, thanh niên đã và đang chung tay tạo nên những gian hàng 0 đồng hoạt động liên tục để trợ giúp cuộc sống của người lao động chân tay, người nghèo bớt nỗi nhọc nhằn.

Đoàn doanh nghiệp và đại diện Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi hỗ trợ Cà Mau hơn 2 tỷ đồng xây nhà cho người nghèo

Chiều 2/4, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức tiếp đoàn các doanh nghiệp và đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đến thăm, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh.

Cộng đồng chung tay chăm lo cho gia đình 2 người mất do tai nạn giao thông

Liên quan đến vụ việc chồng chở vợ đi khám thai bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong cả 2 trên tuyến Quốc lộ 1, những ngày qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thông qua vận động của xã hội đã giúp gia đình lo hậu sự, yên lòng người ra đi.

Chàng trai trẻ thích làm việc thiện

Với tâm niệm góp sức nhỏ xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, suốt 7 năm qua, chàng trai trẻ Võ Trọng Hữu, 29 tuổi, ở Ấp 7, xã Nguyễn Phích, tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ bà con nghèo, khó khăn, bệnh tật như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm; chia sẻ với các gia đình khó khăn không may có người thân qua đời; hỗ trợ địa phương xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn.