Ðó cũng là lý do tại sao nơi chót mũi Cà Mau này vẫn lặng lẽ, âm thầm mà cháy bỏng một tình bạn HSMN trong “Hội Cựu học sinh miền Nam Cà Mau”. Những năm sống xa nhà, cút côi ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã gắn kết chúng tôi lại với nhau như những người con của một gia đình.
Chị Võ Thị Kim Thanh, cán bộ giảng dạy tại Ðại học Huế - Học sinh miền Nam số 1 (Ðông Triều, Quảng Ninh) có cách định nghĩa về học sinh miền Nam chúng tôi như sau:
“Có một danh từ không có trong từ điển tiếng Việt, thường được viết tắt là HSMN. Có một hội không cố định trong mạng lưới các hiệp hội ở Việt Nam - Hội Học sinh miền Nam. Có một đường dây liên lạc không vô tuyến mà cũng chẳng hữu tuyến nối liền các miền đất của bản đồ đất nước Việt Nam hình chữ S - Ban Liên lạc học sinh miền Nam. Và có một huyết thống tình cảm thật lạ, ngoài phạm trù sinh học, nó kết nối một mối tình tha thiết, mãnh liệt giữa những con người không cùng máu mủ, ruột rà, chẳng bà con họ hàng, không cùng một quê hương, không cùng một thế hệ, không cùng một mái trường và không kể đã biết nhau hay chưa. Hễ nghe xưng là HSMN thì lập tức mừng vui, sẵn sàng thương yêu, dìu dắt và giúp đỡ nhau”.
Ban Liên lạc học sinh miền Nam Cà Mau thăm căn cứ Chiến khu Đ (tỉnh Đồng Nai năm 2004). (Ảnh tác giả cung cấp). |
Ðó cũng là lý do tại sao nơi chót mũi Cà Mau này vẫn lặng lẽ, âm thầm mà cháy bỏng một tình bạn HSMN trong “Hội Cựu học sinh miền Nam Cà Mau”. Những năm sống xa nhà, cút côi ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã gắn kết chúng tôi lại với nhau như những người con của một gia đình.
Mấy chục năm trở lại đây, khi chúng tôi đến tuổi về hưu, và hiện tại nhiều anh chị đã ngoài 70, ngấp nghé tuổi 80, hơn bao giờ hết, chúng tôi muốn được ấp iu quá khứ, ấp iu những ngày tháng bên nhau khi sống xa gia đình ruột thịt. Ở Cà Mau chủ yếu là thế hệ học sinh miền Nam tập kết, chỉ có 4 em thuộc thế hệ vượt Trường Sơn. Thế hệ tập kết nghèo lắm, nhưng đều đặn hằng năm, chúng tôi góp tiền xây dựng quỹ hội. Quỹ hội dùng để thăm nuôi nhau khi ốm đau, bệnh tật, tang chế. Một người bệnh, tất cả thành viên trong hội đều đến thăm. Quà thăm bệnh thì ít nhưng tình cảm thì vô cùng nồng ấm.
Mỗi năm 2 kỳ, chúng tôi tổ chức họp mặt nhau, đó là vào dịp 30/4 và Tết Nguyên đán. Sở dĩ chúng tôi chọn ngày 30/4 vì chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn lịch sử đã cho chúng tôi trở lại quê nhà. Ðây là ngày mà chúng tôi từng mong đến mỏi mắt. Cũng nhờ ngày 30/4 lịch sử ấy mà chúng tôi được đoàn tụ gia đình khi xuân về Tết đến, tạm biệt cảnh Tết trùm mền nhớ nhà khóc đến hết nước mắt chưa thôi.
Hội chúng tôi không cần đặt ra mục đích, tôn chỉ, nhưng hễ gia đình nào cháu con xào xáo, chúng tôi tổ chức họp mặt tại nhà đó. Không cần nói lời nhắc nhở, chỉ cần các cháu thấy chúng tôi đối xử với nhau chúng tự hiểu làm như thế nào cho phải đạo. Một cháu được vào đại học, cả hội mừng vui. Một nhà có việc, cả hội xúm tay vào. Vớt dưới ao lên được một con cá, cắt trên giàn một trái mướp, trái bầu, bạn đều hú gọi cả hội đến cùng ăn. Ăn chỉ là cái cớ, gắn kết yêu thương là chính. Và mỗi chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc tràn đầy…
Những năm mới về hưu, còn sức khoẻ, chúng tôi thường đưa nhau đi tham quan nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là các khu căn cứ, di tích lịch sử như Cần Giờ, căn cứ Chiến khu miền Ðông, miền Tây Nam Bộ… Giờ nhiều bạn không còn khoẻ mạnh như xưa nên chúng tôi ít đi xa, nhưng việc sinh hoạt hội, gặp gỡ nhau vẫn duy trì đều đặn. Bạn Thuý Liễu, vợ đồng chí Nguyễn Hữu Liêm, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh, từng tuyên bố: “Còn một người vẫn còn sinh hoạt hội!”.
Trung tuần tháng 12, tôi được vinh dự là 1 trong 8 học sinh miền Nam tại Cà Mau tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm 60 năm Trường Học sinh miền Nam tại Thủ đô Hà Nội. Với tư cách vừa là học sinh miền Nam tập kết vừa là một trong những giáo viên giảng dạy tại Trường Học sinh miền Nam, tôi cảm thấy thật vinh dự và tự hào. Hơn 32.000 học sinh miền Nam gặp nhau, tay bắt mặt mừng, quên đi cái lạnh cắt da của mùa đông Hà Nội. Nhiều người xúc động rơi nước mắt vì không thể nghĩ rằng, gần cuối cuộc đời họ lại được gặp nhau. Riêng tôi, trở về từ Hà Nội, đến giờ lòng cứ ấm áp, bâng khuâng…
Về đến Mũi Cà Mau mình mới hay
Mình đã để quên trái tim mình nơi Hà Nội
Sao nỗi nhớ cứ diết da, vời vợi
Hà Nội ơi! Xao xuyến những cung đường…
Ðàm Thị Ngọc Thơ