ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 14:15:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cổ tích bên bờ sông Đầm

Báo Cà Mau (CMO)Viết về Tân Dân là viết về những cái đầu tiên của nông thôn Cà Mau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2014, Tân Dân là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM; năm 2022, Tân Dân về đích nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao sớm nhất. Chúng tôi dùng luôn ý nghĩ của ông Trần Bá Đổm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, để làm tựa đề bài viết này: “Hành trình xây dựng NTM, những kết quả đạt được của quê hương Tân Dân như một câu chuyện cổ tích”. Vâng! Có lẽ không còn cụm từ nào khác thích hợp hơn, đó là một câu chuyện cổ tích hiện hữu trên quê hương tươi đẹp nằm vắt theo con sông Đầm huyền thoại.

Những tài sản quý giá

Năm 2010, khi tổng kiểm kê “tài sản” để chuẩn bị cho mục tiêu xây dựng NTM, Đảng bộ, quân và dân Tân Dân có hết thảy... 3 tiêu chí lận lưng. Chúng tôi còn nhớ, Chủ tịch UBND xã Tân Dân khi ấy, ông Nguyễn Công Danh (nay đã chuyển công tác - PV), bằng tất cả hăm hở và lo lắng mà rằng: “Dù chưa biết bắt đầu từ chỗ nào, nhưng kỳ quyết phải phấn đấu”. Sau một thoáng ngỡ ngàng, Tân Dân đã bắt đầu câu chuyện của mình từ một nhận định không thể đúng hơn trong quá trình xây dựng NTM, đó là: “Phải dựa vào Nhân dân và bắt đầu từ Nhân dân”.

Cũng cần nói thêm về Tân Dân. Đây là dải đất nằm tựa theo con sông Đầm, cư dân trầy trật mưu sinh với nghề nông. Theo lời ông Đoàn Văn Dũng, ấp Tân Phú, người cố cựu ở xứ này, “làm ruộng ở đây đủ ăn là hên lắm rồi”. Theo hồi nhớ của ông Dũng, trước năm 1980, 1 công đất lúa chỉ thu về khoảng 5 giạ lúa lép. Sau đó, phong trào đào mương phèn trồng lúa rộ lên, năng suất cải thiện đôi chút, 1 công lúa được khoảng 15 giạ. Tân Dân là nơi nương tựa của nhiều người từ miền xa (chủ yếu là miền Trung - PV) về đây khai khẩn đất hoang, làm kinh tế mới. Dân gian hay gọi đây là đất của “dân 54”, gắn với đặc điểm cư dân. Ông Dũng, quê gốc Quảng Nam, cho biết: “Phần lớn bà con miền ngoài về đất này định cư, lập nghiệp giai đoạn 1954-1957, mà nhiều nhất là năm 1957”.

Với chúng tôi, Tân Dân để lại ấn tượng ngay từ ban đầu. Đó là chuyện người dân hết sức quý trọng tài sản đất đai, từ đó diện tích đất sản xuất của mỗi hộ đều ở mức cao so với mặt bằng chung của người dân trong tỉnh Cà Mau. Cuộc đổi đời của người Tân Dân cũng bắt đầu từ đất. Thế đất trũng ngập khiến cây lúa èo uột, hoá ra lại là lợi thế lớn khi đồng đất ngập phù sa mặn, con tôm thổi bùng lên tương lai mới. Những người dân chịu thương chịu khó, nhất là bộ phận bà con miền xa về đây, mang theo mình bài ca dao “10 cái trứng” với triết lý thấm thía: “Chớ than phận khó ai ơi!/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” đã trở thành thương hiệu đặc sắc cho ý chí, khát vọng và sức đất, sức người Tân Dân.

Còn những tài sản quý giá khác, mà người đến sẽ cảm nhận được nét đẹp rất riêng của Tân Dân. Ở miền quê này, những thế hệ con người lưu giữ, truyền đời 3 điều quan trọng: một là phải theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng; hai là phải giữ được nền nếp gia đình, phấn đấu làm ăn; ba là phải cho con em đi học. Cứ thế, nét văn hoá sống của con người Tân Dân dần định hình vững chắc, tiếng thơm lan toả mỗi ngày thêm xa, thêm rộng. Dù là những yếu tố “mềm”, nhưng đó là những điều quan trọng làm nên thành quả của Tân Dân trong quá trình vươn lên phát triển, xây dựng NTM, tương lai mới.

Quá trình dõi theo đà phát triển của Tân Dân, chúng tôi còn cảm nhận được một giá trị cốt lõi khác. Đó chính là sự kết nối, hoà quyện và lòng tin trọn vẹn, sức mạnh đoàn kết cao độ giữa Đảng với dân. Ông Nguyễn Như Vàng, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Dân, tâm tình: “Hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước ở cơ sở biểu hiện cụ thể thông qua người cán bộ. Bà con ở Tân Dân yêu cầu về cán bộ cao lắm. Phải đủ năng lực, trình độ, đạo đức, uy tín mới đảm đương được công việc chung. Công tác cán bộ, chúng tôi cũng tựa vào những ý kiến đóng góp của Nhân dân, chọn đúng người, giao đúng việc. Cán bộ như thế nào, hỏi dân là biết thôi mà”.

NTM trong cảm nhận riêng

Ghé thăm ông Đặng Thành Măng, ấp Tân Thành A, ông quả quyết rằng: “NTM thì đâu có dừng lại, mình còn mục tiêu NTM kiểu mẫu nữa mà. Còn sau đó phải làm sao cho quê mình giàu hơn, đẹp hơn, cho dân mình phồn vinh, hạnh phúc hơn nữa chớ”. Không hề có sự tự mãn nào ở Tân Dân. Cái làm được thì cố gắng gìn giữ, phát huy; cái chưa được thì quyết liệt khắc phục. Như chuyện đời của ông Măng, từ chật vật khó khăn đến một cơ ngơi ổn định như bây giờ.

Người nông dân như ông Măng cảm nhận NTM theo cách của mình, nó không là tiêu chí cụ thể nào cả, mà là chuyện thật, việc thật ở nhà ông. Ngó vào đứa con trai, ông Măng kể rằng: “Nó cũng đôn đáo khắp nơi, nhờ xã mình được NTM, tôi mới thuyết phục nó về quê được đó”. Anh Đặng Minh Tuấn, con ông Măng, cười nói: “Trước tôi học trung cấp, lang thang nhiều chỗ đi làm. Thiệt sự thì mình thanh niên, lo về quê thì không có cơ hội phát triển. Nhưng khi về thăm nhà, ngó thấy xóm làng phát triển mau lẹ, vậy là mình về thôi. Ở đâu cho bằng nhà mình, quê mình”.

Anh Đặng Minh Tuấn (bên trái) lựa chọn gắn bó, lập thân, lập nghiệp tại quê hương, trong đó có một lý do quan trọng là Tân Dân là xã NTM. Ảnh: QUỐC RIN

Anh Tuấn hiện là Bí thư Chi đoàn ấp Tân Thành A, đảng viên của chi bộ ấp, lèo lái tổ hợp tác dèo cua giống, gà thương phẩm để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa hỗ trợ thanh niên trong ấp khởi nghiệp. Không kể thu nhập tháng trên 10 triệu đồng, niềm vui của anh là được ở nhà, cận kề chăm sóc ba mẹ, và một điều tâm đắc khác: “Đó là được góp một phần sức nhỏ của bản thân cho địa phương. Để các bạn trẻ thấy rằng, mình hoàn toàn có thể sống tốt, sống hạnh phúc tại quê hương Tân Dân”.

Còn với ông Nguyễn Văn Huyền, ấp Tân Thành A, NTM đơn giản là phải đẹp. Mất 5 năm, ông Huyền cùng với các thành viên trong gia đình trang hoàng vườn kiểng, khuôn viên sân nhà. Từng luống cỏ, cây kiểng được chăm chút, tạo tác với niềm đam mê, sự sáng tạo tài tình của người nông dân, trở thành một tác phẩm thiên nhiên đẹp hài hoà, rực rỡ.

Ông Huyền cười tươi tiết lộ: “Ai chạy qua cũng quay lại, đứng ngó một cái cho đã con mắt rồi mới đi”. Chúng tôi còn được anh Trần Minh Dương, cán bộ nông nghiệp xã Tân Dân, cho biết thêm: “Ở Tân Dân, những vườn kiểng trị giá hàng tỷ đồng là chuyện bình thường”. Cũng biết thêm rằng, người Tân Dân có cách bán cây kiểng theo kiểu độc lạ ở Cà Mau, đó là “bán mão”, bán sỉ theo diện tích, theo khu, theo vườn.

Với ông Nguyễn Văn Huyền, ấp Tân Thành A, NTM đơn giản là phải đẹp. Khuôn viên sân vườn nhà ông được kỳ công tạo tác ròng rã 5 năm trời. Ảnh: QUỐC RIN

Một chuyện khác, cách đây kha khá năm, hồi mới chuyển dịch, dân Tân Dân trúng tôm, đổ lên chợ huyện Đầm Dơi mua vàng; tiệm vàng hết hàng bán, thông báo bà con vui lòng lần sau trở lại. Không phải là chuyện tiếu lâm, chuyện do con cháu bác Ba Phi kể lại, mà hoàn toàn có thật. Cũng ở đây, một lần nọ, chúng tôi tận mắt thấy bà con cắt tỉa chữ bằng cây kiểng dịp đón Tết. Lần khác, nghe nông dân ở đây “thông não” về mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn với kết quả mỹ mãn mà há hốc cả mồm.

Còn với riêng chúng tôi, NTM ở Tân Dân là trong mỗi bận về thăm lại thấy thêm nhiều điều mới mẻ, những câu chuyện rất đời, rất thật, đầy sức thuyết phục. Đất và người nơi đây luôn thổi lên cho khách nguồn năng lượng tích cực dường như vô tận. Gió lộng từ phía sông Đầm, chúng tôi từ giã. Tân Dân còn vang vọng trong lòng những dư vị tin yêu...

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Gắn kết, nhân sức mạnh cộng đồng người xa quê

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cuộc gặp gỡ nhân buổi họp mặt đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ diễn ra ý nghĩa và đầy xúc động. Đây không chỉ là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người con xa quê lâu nay. Chắc chắn rằng, mỗi cuộc hội ngộ như vầy đều mang theo những ký ức, niềm vui và cả những nỗi nhớ không thể nào quên…

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.