(CMO) Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học đối với các bậc học. Ðể độc giả nắm bắt về tình hình ứng dụng CNTT lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh, phóng viên báo Cà Mau có buổi trao đổi với Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT).
- Xin ông cho biết, công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên các cấp học trong tỉnh Cà Mau, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đã và đang được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Hoàng Dự: Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy hiện nay đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên tự nâng cao trình độ CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện công tác quản lý và giảng dạy. Ðiều đó đã thể hiện trong tình hình dịch Covid-19 vừa qua, các thầy cô chủ động tự học tập từ bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là được Sở GD&ÐT phối hợp với VNPT và Viettel tổ chức tập huấn những nội dung cơ bản, kỹ năng, nhằm phục vụ tốt việc tổ chức dạy học trên MyTV và Tv360 với hơn 9.500 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia lớp tập huấn.
Với sự nỗ lực trên, năm học vừa qua, cấp tiểu học có 92.305/109.259 em tham gia học, chiếm 84,48%; cấp THCS có 61.420/64.865 em tham gia học, chiếm 94,69%; cấp THPT có 31.975/31.999 em tham gia học, chiếm 99,92%.
Ðể đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục đã chủ động, quan tâm đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dạy học. Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, kể cả phụ huynh đã được nâng lên.
Sở GD&ÐT vẫn tiếp tục khuyến khích, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động, bằng nhiều nguồn hợp pháp tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ sử dụng CNTT; khuyến khích cán bộ, giáo viên tiếp tục tự học tập nâng cao trình độ CNTT, tiếp tục sử dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị cũng như tổ chức dạy học nhằm từng bước tạo thói quen, kỹ năng CNTT trong hoạt động dạy và học.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định: số ít giáo viên chưa quen, chưa thành thạo trong việc sử dụng CNTT; một số giáo viên khả năng tin học còn hạn chế và chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh chưa quen và chưa thành thạo trong sử dụng CNTT; thiết bị thông minh để tham gia sinh hoạt hoặc học tập còn thiếu thốn. Kinh phí các cơ sở giáo dục còn hạn chế nên việc đầu tư, mua sắm thiết bị CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn.
Học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương (Phường 5, TP Cà Mau) được thực hành trên máy tính, xem các video hình ảnh thực tế.
- Thưa ông, Sở GD&ÐT đã có lộ trình nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là sử dụng CNTT vào dạy và học cho giáo viên các cấp học? Cùng với đó, việc tuyển dụng giáo viên giảng dạy các cấp học cần phải đạt những chỉ tiêu, yêu cầu như thế nào để đáp ứng cho định hướng phát triển giáo dục?
Ông Lê Hoàng Dự: Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đã có những kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT, từ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc từ những lớp bồi dưỡng về CNTT. Do đó, việc sử dụng CNTT cho việc dạy và học cũng được cơ bản thực hiện tốt. Thời gian qua, hơn 9.500 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng CNTT trong giảng dạy và học tập.
Việc tuyển dụng giáo viên giảng dạy các cấp học được đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 115/2020/NÐ-CP, ngày 25/9/2020, của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, người đăng ký dự tuyển phải có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó phải có chứng chỉ Tin học trình độ phù hợp với vị trí đăng ký tuyển dụng, có kỹ năng, kiến thức cơ bản sử dụng CNTT.
- Việc áp dụng CNTT vào giảng dạy gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, đặc biệt là ở một số địa phương vùng. Sở GD&ÐT đã có những phương án gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Dự: Hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện Ðề án Mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021-2025, đã được phê duyệt với tổng kinh phí 1.167 tỷ đồng. Ðể phục vụ cho năm học 2022-2023, Sở GD&ÐT đang thực hiện Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021 thuộc đề án trên. Triển khai thực hiện 11 gói thầu, kinh phí 297,113 tỷ đồng (trong đó có thiết bị lớp 2 và thiết bị lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Thiết bị phục vụ CNTT: máy vi tính, phòng học ngoại ngữ (cấp học tiểu học, THCS, THPT), tivi (phục vụ giảng dạy môn Tiếng Anh), máy chiếu.
Năm học 2022-2023 đã đầu tư đầu tư mua sắm phòng thí nghiệm thực hành theo hướng hiện đại, tiết kiệm, Sở GD&ÐT đã mua sắm thiết bị thực hành (thiết bị ảo) 33 bộ cho 33 trường THCS&THPT; THPT trực thuộc (triển khai thí điểm), với kinh phí 3,785 tỷ đồng.
Sở GD&ÐT đang tiếp tục lập hồ sơ triển khai dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2022, kinh phí 254,750 tỷ đồng (trong đó có mua bổ sung thiết bị lớp 1, lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Thiết bị phục vụ CNTT: máy vi tính, phòng học ngoại ngữ (cấp học Tiểu học, THCS, THPT), tivi (phục vụ giảng dạy môn Tiếng Anh), máy chiếu. Trang thiết bị về cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ năm học 2022-2023 (thiết bị mua sắm đáp ứng cơ bản việc dạy môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
- Xin cảm ơn ông!
Khánh Phương thực hiện