(CMO) Là phụ nữ miền quê nhưng với suy nghĩ táo bạo cùng sự trợ giúp, tạo điều kiện của địa phương, chị Nguyễn Mộng Nghi, ấp Tân Hoà B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi đã khởi nghiệp khá thành công với cơ sở may ba lô, túi xách. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu, điển hình về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của địa phương.
Từ nguồn vốn ít ỏi, chút kinh nghiệm học hỏi từ nhiều nơi, chị Nghi đã thành lập cơ sở may các loại ba lô, túi xách với thương hiệu Vĩnh Hảo. Sản phẩm của chị không những được phân phối cho các khu vực trên địa bàn tỉnh mà còn được các cơ sở tại các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu,... đặt hàng và bày bán ra thị trường. Ngoài ra, chị còn giải quyết việc làm cho gần 30 phụ nữ nông thôn.
Điểm tựa để phụ nữ khởi nghiệp
Chị Nghi bộc bạch: “Nhờ sự trợ lực tích cực của địa phương về vốn, kỹ thuật, tôi mạnh dạn đầu tư và hiện nay đã khá thành công. Hướng tới tiếp tục mở rộng thị trường với mong muốn không chỉ đem lại kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần tăng thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn, khẳng định vai trò phụ nữ trong xã hội”.
Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH), mô hình làm chả cá phi của chị Tuyết, hội viên phụ nữ xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi ra đời. Bình quân mỗi tháng, cơ sở này cho ra thị trường từ 300-500 kg chả cá phi thành phẩm, giải quyết việc làm cho 10 lao động nữ ở địa phương.
Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, nhiều tổ, hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đầm Dơi có điều kiện phát triển kinh tế bằng những mô hình hiệu quả. (Trong ảnh: Mô hình làm bánh ở ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi). |
Đây chỉ là hai trong số nhiều mô hình điển hình của huyện về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu chính quyền phải là điểm tựa cho phụ nữ phát triển, nhiều năm qua, huyện Đầm Dơi đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, gắn với tiết kiệm, giảm nghèo bền vững.
Ngoài tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế, huyện còn thực hiện tốt công tác dạy nghề, truyền nghề, chuyển giao khoa học công nghệ cho phụ nữ.
Phó chủ tịch UBND huyện Đàm Dơi Tạ Thanh Vũ chia sẻ: “Đã qua địa phương luôn quan tâm và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh. Bởi đây là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế. Bằng những cơ chế, chính sách, huyện luôn tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ có thể tiếp cận những mô hình sản xuất mới, khoa học - kỹ thuật tiến bộ, tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho hội viên phụ nữ”.
Xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả
Với mục tiêu đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nghiêm các nội dung uỷ thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể. Tính riêng trong năm 2017, có hơn 1.300 hộ phụ nữ vay vốn với gần 25 tỷ đồng, nâng tổng số hộ phụ nữ vay toàn huyện đến nay gần 9.800 hộ, với tổng dư nợ đạt trên 153 tỷ đồng. Từ nguồn vay, hỗ trợ của NHCSXH, các tổ hội phụ nữ đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả khá cao.
Riêng năm 2017, đã xây dựng mới 27 mô hình nuôi gà thương phẩm, trồng rau an toàn, chăn nuôi heo, dèo cua con, trồng rau sạch, làm bánh... Công tác xã hội hoá nguồn vốn để đầu tư các mô hình hiệu quả cao được thực hiện khá tốt. Các mô hình hiệu quả cao được duy trì và nhân rộng như: nuôi sò huyết, kết vải, trồng rau sạch, làm tôm khô...
Bên cạnh đó, toàn huyện có 18 tổ hợp tác với 343 thành viên đang hoạt động có hiệu quả. Đây cũng là cơ hội, điều kiện tốt để các cấp hội phụ nữ tập làm quen với những mô hình kinh tế tập thể, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thành công với mô hình nuôi sò huyết, chị Huỳnh Hồng Diệu, ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi thu về hàng trăm triệu đồng. Chị Diệu chia sẻ: “Thấy mọi người nuôi hiệu quả, lại được sự hỗ trợ của địa phương về kỹ thuật, vốn, vụ rồi tôi nuôi thành công trên diện tích 1,5 ha, thu về gần 6 tấn sò huyết, trừ chi phí lãi gần 400 triệu đồng. Vụ này mở rộng 2 ha, nếu thành công sẽ thu hoạch từ 8-9 tấn”.
Ông Tạ Thanh Vũ cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, rà soát nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đặc biệt, ưu tiên cho những phụ nữ có các mô hình phát triển kinh tế mới thành lập được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để họ có điều kiện sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tập huấn và chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ trong đăng ký thương hiệu. Theo đó, tăng cường kết nối, tìm đầu ra ổn định, bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin, sự bền vững trong sản xuất kinh doanh cho phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế địa phương"./.
Hồng Nhung