ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 21:19:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cuối con đường

Báo Cà Mau Lần lựa mãi, tôi, Hoàng Văn Một (điện báo viên) và Nguyễn Thanh Vũ (cơ công), mới có chuyến về Ðập Ðá. 30 năm hoà bình, cộng với 10 năm trước đó, tính ra chúng tôi đã xa Ðập Ðá 40 năm chẵn. Dấu vết đã chìm sâu vào biến đổi của thời gian, phải tinh ý lắm mới bắt gặp một vài chi tiết vụn vặt, như cái mương ranh có gốc bình bát già cỗi, cái bàn thờ thông thiên giữa sân được bao bọc bởi chòm bông trang đỏ ối.

Lần lựa mãi, tôi, Hoàng Văn Một (điện báo viên) và Nguyễn Thanh Vũ (cơ công), mới có chuyến về Ðập Ðá. 30 năm hoà bình, cộng với 10 năm trước đó, tính ra chúng tôi đã xa Ðập Ðá 40 năm chẵn. Dấu vết đã chìm sâu vào biến đổi của thời gian, phải tinh ý lắm mới bắt gặp một vài chi tiết vụn vặt, như cái mương ranh có gốc bình bát già cỗi, cái bàn thờ thông thiên giữa sân được bao bọc bởi chòm bông trang đỏ ối.

Người mà chúng tôi tìm gặp trước tiên là Ngọc - Lê Thị Ngọc, 1 gia đình nuôi chứa cán bộ thời kỳ hoạt động bí mật, 1 đoàn viên gan góc, 1 con thoi giữa chúng tôi và tổ cơ yếu xóm Giữa, một cuộc đời…

Bất ngờ, lạ lẫm, chừng ấy năm xa cách rồi cũng đi qua. Trước mắt chúng tôi là một “bà” Ngọc đúng nghĩa. 2 đứa con dâu, 1 con rể và 4 đứa cháu nội, ngoại. Cái đồng tiền lún bên má dường như bị các nếp nhăn làm cạn đi, hàm răng trắng, đều bây giờ có mấy cái bị sâu ăn, tim tím.

Minh hoạ: Hoàng Vũ

Tranh thủ thời gian, cũng là cách tạ lỗi với Ngọc. Không cần mào đầu, rào trước đón sau, chúng tôi sà vào câu chuyện mấy mươi năm trước. Thân tình, cảm thông và san sẻ.

… “Lúc các anh đi cho đến Ðồng khởi chỉ có 2 tháng, xóm Ðập Ðá đã có 5 người bị giết, 10 người bị tù đày. Xóm làng chìm trong tang tóc. Cái chết của anh Hùng ở cuối xóm là đỉnh điểm tội ác của bọn tự vệ hương thôn. Chúng bắt anh, trói chặt vào cột cờ trường học rồi dùng cây roi đập cho đến chết. Gia đình em như ngồi trên đống lửa, lúc nào bọn tề nguỵ cũng bắt nạt, làm khó dễ đủ điều. Ba, anh Hai, chế Ba rút vào Làng rừng. Rồi Ðồng khởi, bọn tề điệp số bị trừng trị, số chạy tìm chỗ dựa trong các đồn bót, chi khu.

Ðập Ðá thoát chết, thở phào nhẹ nhõm. Ba em về làm bí thư chi bộ ấp, anh Hai vô địa phương quân huyện, chế Ba đi học lớp y tá, em thì hoạt động suốt ngày, hăng lắm. Ðến năm 1963, em gặp anh Quang, Trung đội phó Ðịa phương quân, bọn em ăn ở với nhau rất hạnh phúc, chỉ mấy năm mà 3 đứa nhỏ chào đời. Chồng đi suốt, chuyện lo ăn, nuôi con gần như chỉ mình em, ăn ở thì chật chội vì nhà ngoài xóm đã bị bom phá sạch, mẹ con tum húm trong căn chòi ở đìa gừa để tránh máy bay. Cho đến…”. Giọng nói của Ngọc nghẹn lại, nước mắt nãy giờ như bị nén lại đâu đó, giờ không ai cản được, tuôn dài. Chúng tôi hiểu, gian nan lúc đương đầu với giặc, 1 nách 3 con trong thời bom đạn chỉ là khúc dạo đầu, chưa phải là điều làm cho Ngọc đau khổ, mất mát suốt mấy mươi năm nay. Và, dường như không có gì để giấu kín, với gương mặt trở nên ráo khô, Ngọc kể tiếp:

… “Một chiều mưa dai dẳng cuối tháng 5/1969, ảnh bị bắt trong cuộc tập kích bằng trực thăng ở kinh Ba. Em điếng người, gửi mấy đứa nhỏ cho bà ngoại, tìm đến căn cứ nổi ở Năm Căn để hỏi thăm, nhưng chẳng ai biết. Rồi 1 buổi sáng, chiếc đầm già lượn mấy vòng, mọi người tưởng sẽ có đàn phản lực đến ném bom. Nhưng không, từ trên chiếc máy bay, 1 giọng nói cất lên, đứt quãng: “Hỡi các cán binh Việt cộng, tôi Ðỗ Văn Quang, Trung đội phó Trung đội 2, thuộc Ðại đội Ðịa phương quân, đã quay về với chính nghĩa quốc gia, kêu gọi anh em…”.

Em cố giữ bình tĩnh để nghe thật rõ, xem có phải là tiếng nói của ảnh không, bởi không ít lần kẻ thù đã dùng thủ đoạn đánh lừa như vậy, lòng dạ bao giờ cũng cầu mong cho sự nhầm lẫn ở tai mình, và cái tên Quang nào đó là sự trùng hợp. Sau đó, em rầu quá, ngã bệnh cả tháng trời, khóc khô nước mắt. Các con còn nhỏ đâu hiểu một phần cơ thể của mẹ nó tan nát. Xóm giềng, người thương thì an ủi, hy vọng điều gì đó xa xôi, người bộc trực thì xa lánh. Em biết, trong các tội thì phản bội Tổ quốc, đồng đội trong chiến đấu là hèn hạ nhất, tai hại nhất, cho nên…”.

Ngọc dừng lại như để thăm dò, như để cầu xin một cách phân xử rạch ròi, ai làm nấy chịu. Ðối với chúng tôi thì cách dừng lại của Ngọc chẳng khác nào dẫn chúng tôi lên chót núi rồi bỏ đó, đi nữa không còn đường, tuột xuống cũng không phải dễ. Chiếc giường nhỏ, 3 người ngồi 3 góc, khoảng cách chỉ cần với cái tay là chạm vào nhau, nhưng tầm với như đã giãn ra, 1 giới tuyến được xác định ngay trong khoảnh khắc. Con tắc kè ở phía sau nhà đã gượng tiếng kêu è è, mệt nhọc. Ðêm buông rất sâu, bốn bề vắng lặng, chỉ có con gà trống bao giờ cũng thao thức, cần mẫn, cầm canh cho đời vút cao tiếng gáy. Mấy con nữa gáy theo, 1 dây chuyền tiếng gà eo ốc. Một thời khắc của cuộc đời nhích lên phía trước và đi qua. Lâu lắm, chúng tôi mới nghe được tiếng gà như đêm nay. Mông lung, định bụng phải chen vào một câu gì đó cho Ngọc hiểu sự thông cảm, san sẻ của mình thì Ngọc đã nói tiếp, như một kịch bản có sẵn:

“Nhục nhã, đau khổ do ảnh gây ra rồi cũng vơi đi, đối với tổ chức, xóm giềng em cũng tự nhận mình có lỗi vì không giữ được chồng cho trọn trung, trọn hiếu. Từ đó em không còn sinh hoạt đoàn thể, hội trưởng hội phụ nữ có người khác thay. Ở đồng đất Ðập Ðá này, đất liền đất, ranh liền ranh nhưng em cảm thấy như mình đang ở trên ốc đảo xa lạ, vắng bóng người. Không nhớ hết có bao đêm không ngủ là gì. Thao thức, trằn trọc, giày vò, nghĩ ngợi. Cuộc đời mình không làm gì to tát, chỉ loanh quanh ở ấp, nhưng thật ra không có lúc nào nghỉ, hết nút giao liên ở huyện, bí thư chi đoàn, đến hội trưởng phụ nữ. Em tưởng thách thức lớn nhất trong đời là mấy lần đấu tranh trực diện ở chi khu, 2 lần, 10 ngày bị địch bắt giam, tra tấn, sàm sỡ lãnh đủ. Những lần dưới làn đạn như mưa, đoàn xuồng đấu tranh vẫn tiến lên ào ào, không ai biết sợ chết. Vậy mà cái thử thách sau này mới khủng khiếp. Mà… - Ngọc bỗng đổi giọng - nghĩ các anh tệ thiệt, đã đi thì đi biệt, không nhớ em út là gì…”.

- Có nhớ, cuối năm 1962, anh có gặp em kia mà - Vũ chống chế.

- Ừ, thì có gặp nhưng anh đâu có ý thăm em, chỉ đi đường qua nút thôi mà - và Ngọc chợt hỏi lại - Bữa qua sông đó, em có đưa anh cái khăn tắm, nhớ không?

Giọng Ngọc như lại trẻ trung, phần bi như được vơi đi, cuối con đường đã có vệt sáng. Vũ ngẩn ra rồi ậm ừ, gật đầu. Kỷ niệm cũ sao lại có người quên, kẻ nhớ. Chúng tôi bần thần, xấu hổ, bèn đánh trống lãng. Những chi tiết về cuộc đời Ngọc tưởng cũng đủ, dù chỉ thiếu cái kết cục. Nỗi đau của Ngọc, hay nói cách khác, là nỗi đau của người phụ nữ trong chiến tranh. Trường hợp của Ngọc không nhiều, nhưng đây đó vẫn có thật. Chủ động, thân tình, chúng tôi hỏi tiếp về Quang, chồng Ngọc.

… “Không có gì hết. Giải phóng năm 1975, em cũng nghĩ tới chuyện gặp lại. Là tù binh, ảnh sẽ giải thoát. Là lính nguỵ, ảnh cũng phải trình diện, cải tạo. Nhưng mịt mờ lắm, không có đáp số. Em tức, bị bắt là kịch bản của sự đầu hàng ư? Nhưng tại sao trong chiến đấu, anh lại là người gan dạ, dũng cảm; với gia đình, ảnh cũng không tệ. Vậy mà…”.

Chậm rãi, mạch lạc, lại chút triết lý, Ngọc nói như là chờ đợi từ lâu để được nói. Một cái ngáp kín đáo của Ngọc khiến chúng tôi sực tỉnh. Nhìn lên bóng đèn thức khuya cũng đang nhấp nháy. Ngoài sông đã có tiếng máy đuôi tôm lách nước, ánh sáng dường như rựng ở phía trước nhà. Không phải không còn gì để nói tiếp, chỉ có điều, cái bi kịch chiến tranh trong đời Ngọc hơn 30 năm sau vẫn chưa chịu buông tha. Kết thúc chiến tranh, người ta nêu tiêu chí còn sống là số một. Ðúng, Ngọc vẫn sống, nhưng thân phận của mỗi người còn sống không giống nhau, càng cá biệt, vinh quang càng lớn, mà có khi nỗi đau lại càng sâu. Chiến tranh, số phận con người sao nghiệt ngã, đám mây xám xịt đang trùm lên cái chòi nhỏ của Ngọc, bỗng chốc trở thành bão tố.

Ngọc có ý trách chúng tôi vô tình. Ðúng quá còn gì. Nhờ tiếp nối một cách suôn sẻ cái được sau chiến tranh, nên chúng tôi có được nhiều thứ, có lúc còn muốn manh nha để giành giật nhiều cái được nữa. Còn Ngọc, không có gì để bám víu. Trong căn nhà 3 gian cột kê đủ kín mưa nắng, phía sau được nối thêm 1 cái chái để làm bếp; đồ đạc trong nhà dù được đặt đúng chỗ, để đúng nơi, sạch sẽ nhưng vẫn còn thô sơ, chứng tỏ cuộc vật lộn mưu sinh còn đang đè nặng lên đôi vai của Ngọc.

Thời thiếu nữ, Ngọc không thuộc vào diện người đẹp như bây giờ người ta tính số đo, nhưng ở Ngọc có mấy cái mạnh rất xao xuyến, 2 đồng tiền lún sâu trên đôi má tròn, mịn; 2 hàm răng trắng, đều và đặc biệt là giọng nói ngọt như ngụm nước dừa xiêm giữa nắng hạn. Mỗi lần mang cơm vô cứ, Ngọc đều có cái nhìn như người chị, lúc thì xách chổi quét cái nền chòi ẩm ướt, lúc thì xếp lại mấy cái ba lô để cẩu thả trên tấm vạc, khi thì mang kim chỉ vào để vá lại cái áo rách vai, cái quần hở ống.

Có lần, Vũ bị sốt liên miên, thuốc men, cơm cháo, chỉ mình Ngọc. 2 năm, từ chỗ như một đứa em gái nhỏ của chúng tôi, Ngọc đã trở nên kín đáo, e thẹn, giữ ý. Dù chưa ai có động tĩnh gì, nhưng bóng dáng của Ngọc đã có chỗ trong trái tim mình, nếu như không có cuộc đổi vùng cách núi ngăn sông sau đó, tất nhiên, tôi hay Vũ là chuyện khác…

Nguyễn Thái Thuận

Liên kết hữu ích

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.