(CMO) Ở 2 vùng mặn, ngọt Cà Mau, nhiều hộ dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nghề nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển, trên sông ngòi, kênh rạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để nghề nuôi phát triển bền vững, ngành khuyến nông cũng như các hợp tác xã, tổ hội nông dân địa phương thường xuyên hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nuôi thuỷ sản lồng bè thương phẩm, giúp năng suất ngày càng đạt cao, cho thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ðiển hình như các mô hình: nuôi cá bớp trong lồng bè trên đảo Hòn Chuối của hộ ông Nguyễn Văn Út, hộ ông Huỳnh Công Triệu… có năm thu vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng; nuôi cá mú lồng bè rất hiệu quả của chị Trần Ngọc Hạ ở ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân; nuôi hàu lồng của bà con ở xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển; nuôi cá kèo của anh Nguyễn Sel ở xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi; nuôi cá lóc đồng trong lồng bè của bà Quách Thị Bông ở hòn Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; nuôi cá rô trong dèo lưới của bà Phạm Thị Phượng ở Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc…
Ðây là những mô hình giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Thu hoạch sò huyết nuôi trong bè lưới của hộ ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi. |
Mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong dèo lưới của bà Phạm Thị Phượng ở Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. |
Mô hình nuôi cá kèo con trong ao dèo của nông dân xã Tam Giang, huyện Năm Căn. |
Hợp tác xã nuôi hàu lồng ở xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, vừa tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái địa phương. |
Huỳnh Lâm thực hiện