“Đây là Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến”, đó là những âm thanh, kỷ niệm sâu sắc nhất mà bà Bùi Thị Ngàn, 85 tuổi, ấp Kinh 9, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, không sao quên được khi nói về những năm tháng hào hùng. Khi ấy, đài được phát sóng ẩn giấu trong ngôi nhà bà đang sinh sống hiện nay.
“Đây là Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến”, đó là những âm thanh, kỷ niệm sâu sắc nhất mà bà Bùi Thị Ngàn, 85 tuổi, ấp Kinh 9, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, không sao quên được khi nói về những năm tháng hào hùng. Khi ấy, đài được phát sóng ẩn giấu trong ngôi nhà bà đang sinh sống hiện nay.
Trong ngôi nhà mình, bà Bùi Thị Ngàn còn nhớ như in, khi ấy mặc dù chỉ mới 13 tuổi nhưng bà lại là người xung phong đảm nhận nhiệm vụ giao liên đem các tin, bài tuyên truyền về cho đài phát sóng.
Năm 2014, các cô, chú Đài Tiếng nói Việt Nam về thăm, chụp ảnh lưu niệm bên Bia kỷ niệm Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến, tại xã Tân Bằng. |
Bà Bùi Thị Ngàn kể: “Ở dưới Kinh 8, bác Tư Trường lấy bản tin bằng tín hiệu mã morse, ổng thu rồi dịch ra chữ đưa về đài phát thanh. Chính tôi đi lãnh bài dịch này về cho đài phát”.
Ðược biết, Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến đóng chân phát sóng tại nhiều địa điểm thuộc xã Biển Bạch, nay là xã Tân Bằng, huyện Thới Bình. Trong những năm từ 1948-1954, mặc dù phải di chuyển liên tục và với sự bắn phá ác liệt của kẻ thù, song đài vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của mình qua làn sóng phát thanh. Qua đó đã góp phần cổ vũ, động viên to lớn đồng bào, chiến sĩ miền Nam hăng hái chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Giữa cái sống và cái chết trong gang tấc, trong mưa bom bão đạn, nhưng bà Bùi Thị Ngàn vẫn liên tục hoàn thành nhiệm vụ giao liên. “12 giờ trưa, tôi đi giao liên vừa về thì thấy máy bay bỏ bom, tôi chạy vô cho mấy ảnh hay. Lúc đó đang phát thanh trưa, mấy ảnh liền tắt điện đài. Thấy bên nhà bếp có khói, tôi chạy cho mấy chị hay dập lửa, bị bom làm tôi bất tỉnh”, bà Ngàn kể.
Tuy phải di chuyển liên tục, nhưng nhờ sự đùm bọc, cưu mang của chính quyền địa phương và Nhân dân, đài vẫn đảm bảo an toàn phát sóng khi bị địch ném bom bắn phá. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã cho xây dựng bia tưởng niệm ghi dấu lịch sử vẻ vang của Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến tại xã Tân Bằng.
Bà Cao Ngọc Phẩm, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng, cho biết, Bia kỷ niệm Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến được xây dựng năm 1996 và mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tuyên truyền cho thế hệ sau này hiểu được ý nghĩa lịch sử trong giai đoạn đầy gian khó một thời.
Với những người làm báo phát thanh, khi về thăm di tích lịch sử này, nghĩ về những đóng góp to lớn của Ðài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến đối với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào “Một con đường Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh”. Con đường với bao huyền thoại về tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ, của những người làm báo chiến trường, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Ðài Tiếng nói Việt Nam./.
Bài và ảnh: Hương Thoảng