Thời gian qua, do thiếu một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tỷ lệ trẻ chưa được tiêm và chưa tiêm đầy đủ còn khá nhiều, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm ở trẻ có thể quay trở lại. Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, ngành y tế đẩy mạnh việc tiêm bù, tiêm vét cho trẻ, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.
Tỉnh Cà Mau vừa được phân bổ hơn 22 ngàn liều vắc xin 5 trong 1, hơn 20 ngàn liều vắc xin phòng bệnh bại liệt và các loại vắc xin phòng bệnh sởi, rubella, viêm não Nhật Bản... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc xin cho các huyện, thành phố.
Ðầu tháng 5/2024, toàn tỉnh đồng loạt triển khai tiêm bù, tiêm vét cho trẻ. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, vận động người dân đưa trẻ đến điểm tiêm.
Tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ tại Trạm Y tế Phường 6, TP Cà Mau.
Ông Trần Văn Thuận, Phó trưởng Trạm Y tế Phường 6, TP Cà Mau, cho biết: "Trạm lọc danh sách trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, từ đó phối hợp với các khóm gửi giấy mời và vận động gia đình đưa trẻ đến tiêm. Hiện nay, người dân rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Qua 3 ngày triển khai, rất đông trẻ đến tiêm, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1".
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 7 ngàn trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não. Có hơn 3 ngàn trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt mũi 1, hơn 1.800 trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Có hơn 4 ngàn trẻ từ 18-24 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella, hơn 7 ngàn trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván.
Khi được thông báo có vắc xin, nhiều phụ huynh vui mừng đưa con mình đến tiêm. Chị Thạch Xuân Nghi, Khóm 4, Phường 6, TP Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, gia đình chờ có vắc xin để tiêm cho con, vì tiêm trong chương trình tiêm chủng sẽ giảm được chi phí cho gia đình. Nay được thông báo có vắc xin, tôi rất mừng, chở con đến tiêm ngay”.
Chị Danh Thị Bé, Khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Hiện nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nếu con được tiêm vắc xin đầy đủ thì sẽ yên tâm hơn. Tôi tranh thủ thời gian đưa con đến trạm tiêm vắc xin từ sáng sớm”.
Trẻ không được tiêm đầy đủ hoặc đúng lịch thì miễn dịch phòng bệnh bị giảm dần, nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng đã giảm, nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan là rất lớn. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm đã được khống chế trong thời gian qua như: bại liệt, ho gà, sởi, rubella... cũng có thể quay trở lại.
Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Do thời gian dài thiếu vắc xin đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh, nguy cơ trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận cơ bản đầy đủ vắc xin để tiêm phòng cho trẻ, chúng tôi tăng cường triển khai tiêm bù, tiêm vét để tất cả trẻ được tiêm. Ðồng thời, khuyến cáo người dân tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, vì vậy cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng”.
Ngành y tế tiếp tục quản lý chặt chẽ đối tượng hoãn tiêm và trẻ tiêm chưa đầy đủ trong thời gian qua để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm đầy đủ. Quyết tâm không bỏ sót trẻ trong diện được tiêm chủng, nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng một cách bền vững./.
Minh Khang