Vài năm trở lại đây, nhờ đổi mới cơ chế quản lý mà những hộ dân sống trên lâm phần có thu nhập khá từ rừng. Tuy nhiên, thời gian khai thác tràm khá dài trong khi các sản vật dưới tán rừng như cá đồng, mật ong đang có dấu hiệu suy giảm. Nhận thấy điều này, nhiều hộ dân kết hợp trồng rừng, làm vườn và tính đến chuyện làm du lịch sinh thái.
Khởi xướng phong trào này là ông Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh. Kể từ ngày về hưu, ông đã lên liếp cải tạo gần 7 ha đất tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích để trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi. Lợi nhuận từ phát triển kinh tế rừng gắn với lập vườn đã được khẳng định. Nay ông đang tính đến chuyện làm du lịch để tăng thêm thu nhập.
Khơi dậy tiềm năng
Anh Huỳnh Văn Thắng (đang hợp tác với ông Ba Liêm) tiết lộ: “Tôi và chú Ba trồng vườn cây này đã hoàn vốn và cho thu lãi từ nhiều năm nay. Năm tới, dự định sẽ đầu tư bài bản để mở cửa vườn phục vụ khách du lịch. Nhiều năm qua, mặc dù chưa chính thức làm du lịch nhưng khu vườn này đã đón rất nhiều du khách đến tham quan. Rõ ràng tiềm năng để phát triển du lịch là rất lớn”.
Du khách trải nghiệm rừng U Minh Hạ. Ảnh: NHẬT HUY |
Ông Nguyễn Thái Bảo, Bí thư Chi bộ Ấp 10, xã Nguyễn Phích, nhận định: “Du lịch sinh thái miệt rừng không cần quá cầu kỳ. Cái chính hấp dẫn là vẻ mộc mạc, hoang sơ và những trải nghiệm thực tế để du khách tự khám phá. Chính vì vậy, ấp đang vận động bà con lập vườn, bảo vệ cá đồng để tính chuyện làm du lịch”.
Thấy ông Ba Liêm trồng cây ăn trái hiệu quả, bà con Ấp 10, xã Nguyễn Phích cũng bắt đầu làm theo. Ðiển hình như hộ ông Lâm Thành Chen, anh Trần Văn Nhật, ông Phan Văn Liêm... Bên cạnh việc giữ lại phần đất rừng theo quy định, diện tích còn lại được những hộ này lên liếp trồng các loại cây ăn trái.
Ông Phan Văn Liêm bộc bạch: “Cây tràm hiện nay có thu nhập cũng khá hơn trước, nhưng thời gian chờ thu hoạch lâu quá. Trong lúc nhàn rỗi thì trồng cây ăn trái, thu nhập khá hơn làm lúa nhiều. Tôi lên liếp trồng được hơn 1,5 ha vườn cây ăn trái. Nếu hiệu quả thì hợp tác làm du lịch luôn”.
Ông Nguyễn Thái Bảo cho biết, hiện tại ấp đã thành lập được tổ hợp tác trồng cây ăn trái với diện tích 15 ha, có 27 hộ tham gia.
Cần hướng đi hiệu quả
Sự hấp dẫn của loại hình du lịch sinh thái đối với du khách thì không thể bàn cãi. Tuy nhiên, khó khăn là người dân vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Ngay như chính Hợp tác xã 19/5 từng có thời gian dài làm du lịch sinh thái nhưng nay phải tạm dừng đón khách.
Ông Quách Văn Thưa, Phó Giám đốc Hợp tác xã 19/5, cho biết: “Hợp tác xã có đủ các lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn cá đồng, mật ong phong phú… Tuy nhiên, khó khăn là chưa có đường ô-tô, chưa có điện nên việc đón tiếp khách gặp nhiều khó khăn. Khó nhất khiến chúng tôi phải tạm dừng làm dịch vụ du lịch chính là yếu tố con người. Anh em xã viên xuất thân từ nông dân nên không có kinh nghiệm làm du lịch”.
Mận An Phước trên đất rừng U Minh. Ảnh: HỮU LỢI |
Ông Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Hợp tác xã 19/5, khẳng định: “Nếu được đầu tư về hạ tầng, rồi có nhân sự thì làm du lịch sinh thái kết hợp phát triển kinh tế rừng, thu nhập sẽ cao”.
Ðầu tư làm du lịch bài bản và được nhiều du khách gần xa biết đến, Khu du lịch Sinh thái Sông Trẹm là nơi thường được du khách lựa chọn khi đến U Minh. Vào những dịp lễ, Tết, khu này đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, các dịch vụ tại đây còn khá đơn điệu.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (đơn vị chủ quản Khu du lịch Sinh thái Sông Trẹm), thông tin, công ty đã thuê tư vấn thiết kế để quy hoạch căn cơ từng khu vực riêng biệt trong khu du lịch, tạo đặc trưng cho du lịch vùng rừng U Minh Hạ.
Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện U Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái rừng tràm. Chủ trương, định hướng đã có. Nếu được đầu tư hoàn thiện hạ tầng cộng với cách làm chuyên nghiệp thì du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân vùng rừng U Minh Hạ./.
Trần Chương