(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.
Anh Lê Văn Phong, ấp Tân Điền A, xã Phú Tân, tuổi còn trẻ, có sức lao động, có nhiệt huyết muốn vươn lên. Song, do chưa xác định được cách thức làm ăn phù hợp nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Có 5 công đất vuông, anh nuôi tôm theo kiểu truyền thống nên thu nhập bấp bênh. Bản thân anh Phong và vợ cũng đi làm thuê đủ nghề, từ sên vuông, chạy xe ôm, phụ hồ… nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống 4 nhân khẩu.
Giúp cách làm ăn
Đến đầu năm 2017, gia đình anh Phong vẫn thuộc diện hộ nghèo và được đảng viên của huyện, xã, ấp cùng phối hợp giúp đỡ. Chi bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân vận động các nhà tài trợ được 50 triệu đồng. Cùng với số tiền này, anh Phong tích góp thêm, rồi mượn anh em, họ hàng cất được căn nhà hơn 80 triệu đồng. Nhà ở chắc chắn là nguồn động viên gia đình trẻ tích cực làm ăn.
Được hỗ trợ vốn từ các tổ chức đoàn thể, được tập huấn kỹ thuật sản xuất, anh Phong bắt tay vào cải tạo 5 công đất vuông để nuôi tôm quảng canh cải tiến theo đúng quy trình kỹ thuật. Vụ vừa rồi anh có thu nhập khá, đủ điều kiện trả nợ tiền mượn thêm để cất nhà.
Anh Phong cũng được ngành chuyên môn hỗ trợ 800 con vịt và thức ăn để nuôi theo dự án thí điểm trên vùng nước mặn. Bầy vịt lớn nhanh, sẽ thu hoạch trước Tết. Đây là nguồn tích luỹ để gia đình anh tái sản xuất.
Cuối năm 2017, anh Phong đường hoàng thoát nghèo một cách vững chắc.
Nhờ chí thú làm ăn, cộng với sự giúp đỡ của Chi bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân, gia đình anh Lê Văn Phong đã thoát nghèo. |
Xác định đúng nguyên nhân
Ngoại trừ những trường hợp không có tư liệu sản xuất, thiếu lao động, già yếu, bệnh tật… phần lớn các hộ nghèo hiện nay do chưa xác định đúng cách thức làm ăn, sử dụng lao động chưa hiệu quả, thậm chí lười lao động. Chính vì vậy, hỗ trợ về vật chất chỉ là điều kiện phụ, quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ nghèo để có biện pháp tác động phù hợp.
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, ấp Cái Nước, xã Phú Tân có 5 nhân khẩu, cả 5 người đều có thể tham gia lao động được. Trong khi đó, anh có 10 công đất nuôi tôm, có phương tiện xuồng máy để làm ăn nhưng vẫn nghèo. Lý do cơ bản mà đảng viên xã Phú Tân sau khi nhận giúp đỡ gia đình này tìm ra là chưa sử dụng tốt nguồn lực lao động để tạo nguồn thu nhập.
Với sự động viên, tư vấn, thuyết phục, cả 3 người con của anh Dũng đều được hỗ trợ tìm việc làm. Trong đó, 2 người đi lao động tại Bình Dương, 1 người đi bạn cho ghe câu mực. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, họ còn gửi về cho gia đình từ 6-7 triệu đồng.
Vợ chồng anh Dũng cải tạo lại vuông tôm nuôi theo hướng sinh thái, đa cây, con. Ngoài ra, anh còn chạy đò, chở thuê, mua cá biển bán lại nên gia đình đã thoát nghèo. “Xác định đúng nguyên nhân nghèo là yếu tố căn bản để tìm ra giải pháp giúp hộ nghèo hiệu quả. Cái chính là để họ vươn lên chứ không phải cứ vận động, hỗ trợ tiền bạc, vật chất làm cho hộ nghèo ỷ lại. Sau khi sử dụng hết nguồn tài trợ mà không làm ăn gì thì nghèo vẫn hoàn nghèo”, ông Nguyễn Hoàng Khoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Phú Tân, nhận định./.
Đầu năm 2017, Huyện uỷ Phú Tân phân công 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện uỷ giúp đỡ trên 1.666 hộ nghèo, cuối năm có trên 400 hộ thoát nghèo (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện tại 4,8%, giảm gần 2% so đầu năm) |
Quốc Hiệp