(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.
Nhắc đến con kinh Tám Khệnh, thuộc ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, người ta nhớ ngay đến làng nghề cá khô bổi được hình thành cả hai chục năm qua. Dọc theo con kinh Tám Khệnh hôm nay là những căn nhà tường khang trang, kiên cố nằm san sát nhau. Điểm đặc biệt, chủ nhân của những ngôi nhà ấy đều là hộ đồng bào Khmer.
Giàu lên nhờ con cá bổi
Nói về đời sống đồng bào Khmer nơi đây, ông Đoàn Chí Tâm, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, vui mừng cho biết: “Những hộ làm cá khô bổi ở đây giờ khá hết rồi. Người nào cũng có nhà cửa cơ bản, khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Bà con chí thú làm ăn lắm”.
Là dân cố cựu ở vùng đất này, ông Chín Dân (Thạch Dân) hiểu rõ như lòng bàn tay từng mảnh đất, từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh. Nhìn làng nghề cá khô bổi ngày càng ăn nên làm ra, nhà tường khang trang dần mọc lên thay cho những căn nhà gỗ tạm bợ, ông Chín Dân cứ nghĩ mình đang mơ.
Trong hồi ức, ông Dân vẫn còn nhớ như in hình ảnh nghèo khó bao trùm đời sống người dân ở xóm mình một thời. Ông kể, cũng như nhiều nơi khác ở ấp Đá Bạc A, vùng đất này là vùng trũng nên canh tác lúa không mấy hiệu quả. Trước đây, làm lúa mùa, một công ruộng kiếm mười mấy giạ lúa muốn đỏ con mắt. Sau này chuyển đổi sang làm lúa 2 vụ cũng không đỡ hơn bao nhiêu. Phía bên kia sông, 1 công ruộng đạt 40-50 giạ lúa thì bên này được phân nửa là may. Bởi vậy, cuộc sống bà con không khá lên nổi. 50% số hộ đồng bào dân tộc rơi vào diện hộ nghèo.
Đất đai canh tác không nhiều, không nghề nghiệp ổn định, nhưng ý chí vươn lên, không đầu hàng cái nghèo, cái khó của bà con thì dư thừa. Thấy muốn thoát nghèo không thể dựa vào vài công đất ruộng mà phải tìm tòi các mô hình kinh tế khác, phải biết tận dụng nguồn lợi sẵn có ở địa phương, vậy là nghề nuôi và sản xuất cá khô bổi bắt đầu hình thành ở kinh Tám Khệnh.
Một trong những người tiên phong đưa mô hình làm cá khô bổi về vùng đất này là ông Danh Dân. Những tháng cận Tết, mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất cả tấn khô bổi là chuyện bình thường. Ông chủ của cơ sở sản xuất cá khô lớn nhất, nhì trong vùng này đã 50 tuổi với 20 năm trong nghề. “Không có con cá khô bổi này, gia đình tôi không có được cuộc sống như bây giờ đâu”, ông Danh Dân bộc bạch.
Anh Hồ Văn Lál nổi tiếng là người trẻ tuổi giàu nhất kinh Tám Khệnh khi ở độ tuổi 35. Căn nhà tường khang trang được xây dựng chưa được 1 năm còn thơm mùi sơn mới, với chi phí xây dựng vài trăm triệu đồng là minh chứng cụ thể cho cuộc sống ngày càng ổn định của gia đình anh. Xuất thân trong gia đình tuy nghèo khó nhưng cha mẹ, anh em đều chăm lo làm ăn nên ngay từ nhỏ, anh Lál đã ý thức được muốn làm giàu phải dựa vào đôi tay của chính mình.
Đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở kinh Tám Khệnh vươn lên ổn định từ nghề sản xuất cá khô bổi. |
Anh Lál chia sẻ: “Kinh tế chính của gia đình là từ nghề làm cá khô bổi. Những năm trước, mỗi năm lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Anh em tôi đều sinh sống dựa vào nghề này”.
Cùng nhau làm giàu
Nhiều người muốn giấu nghề vì sợ chia sẻ sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn của mình. Thế nhưng, người dân ở kinh Tám Khệnh lại khác. Họ nghĩ “muốn làm ăn bền vững phải dựa vào sức mạnh của tập thể”. Vậy là, không chỉ giúp nhau về kinh tế, họ giúp nhau về kỹ thuật, về cách làm ăn. Không có cảnh cạnh tranh lẫn nhau, không có cảnh phá giá, mâu thuẫn nên tình đoàn kết xóm làng càng thêm thắt chặt.
Ông Danh Dân chia sẻ: “Những lúc lượng cá tươi hút, nếu mình tìm được mối bán cá sản lượng lớn, mình sẽ rủ anh em ở xóm cùng thu mua để chia nhau làm”.
Ông Dân cho biết thêm: “Từ khi làng nghề cá khô bổi được hình thành tới giờ, bà con yêu thương nhau lắm. Khi Tết sắp đến, người chủ tặng quà cho bà con làm thuê thường xuyên cho mình. Phần quà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của năm. Tuy không nhiều nhưng nó thể hiện sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Người chủ ăn nên làm ra cũng là nhờ nhân công làm việc tích cực, tận tình”.
Làng nghề cá khô bổi ở kinh Tám Khệnh hoạt động quanh năm và tạo việc làm cho gần 100 lao động trong và ngoài ấp. Cũng từ làng nghề này nhiều hộ khó khăn đã vươn lên khá giả. Gia đình chị Thạch Thị Pum là một trong những hộ như thế.
Không cục đất cắm dùi, mưu sinh của 3 thành viên trong gia đình chị chỉ biết dựa vào thu nhập bấp bênh của nghề ai thuê gì làm đó. Nhưng kể từ khi các cơ sở sản xuất cá khô bổi được thành lập, dù cũng đi làm thuê nhưng cuộc sống gia đình chị ổn định hơn trước. Không cần phải đi xa nhà, cả vợ chồng đều có việc làm. Lộ giao thông ấp liền ấp, xã liền xã nên chồng chị chở cá thuê, còn chị làm cá, phơi cá mướn, mỗi ngày thu nhập từ 300.000-500.000 đồng. Lo làm ăn, biết tích luỹ nên gia đình chị không còn cảnh nghèo khó.
Làng nghề cá khô bổi tạo việc làm ổn định và cơ hội thoát nghèo cho nhiều lao động nông thôn. |
Kinh tế ổn định là thế, nhưng đối với bà con đồng bào Khmer nơi đây, để làm giàu bền vững cần không ngừng lao động, học hỏi. Như gia đình ông Danh Dân, mỗi năm tận dụng sản phẩm thừa từ làm cá khô bổi, ông thả nuôi cá tra với diện tích 3.000 m2, năm nào cũng “bỏ túi chơi” trên dưới 100 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất cá khô bổi cũng mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm máy sấy để sản xuất thuận tiện hơn.
Không chỉ biết lo cái ăn, cái mặc mà đồng bào Khmer ở kinh Tám Khệnh còn chú trọng chuyện học hành của con em mình. Cảnh thiếu học, bỏ trường, bỏ lớp vì nghèo đã lùi vào quá khứ. Như thông tin chia sẻ đáng tự hào của ông Chín Dân: “Giờ ở đây không có cháu nào phải bỏ học cả. Có nhiều gia đình nuôi con học tới đại học”.
Người mà ông Chín Dân nhắc đến là ông Danh Col - cần cù, chịu khó không ai bằng. 75 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi thì hằng ngày ông vẫn ra vườn chăm sóc mấy trăm gốc tắc. Trồng cho vui mà thu nhập không dưới 30 triệu đồng/năm. Giỏi giang vậy nên ông mới nuôi những đứa con trưởng thành, khôn lớn.
Trong những ngày này, người dân kinh Tám Khệnh tất bật từ sáng sớm đến tận khuya để kịp “ra lò” những vỉ khô đẹp mắt, đậm đà hương vị quê hương. Họ lạc quan đón thêm một mùa xuân sung túc, đủ đầy./.
Ngọc Minh