(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.
Năm 1968 được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xác định là một thời cơ hiếm có, xuất hiện nhiều khả năng có lợi cho công cuộc thống nhất nước nhà. Nhiều tài liệu và nhân chứng trong cuộc đều cho rằng: “Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được quán triệt đến các đơn vị chỉ một khả năng duy nhất, đó là giải phóng các đô thị, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Cũng từ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã huy động sức mạnh lớn nhất cho trận đánh này. Đại tá Lê Trung Tính nhớ như in: “Thời điểm ấy, tôi là cán bộ trung đội thuộc Tiểu đoàn U Minh 2. Lúc ấy, toàn dân khao khát được hoà bình, thống nhất. Chúng tôi hành quân còn tiếp gặt lúa cho bà con ăn Tết. Lệnh rất gấp, Tiểu đoàn được quán triệt tổng tiến công và nổi dậy ngay sát ngày nổ ra trận đánh”.
Đoàn quân đi với tâm thế giải phóng thị xã Cà Mau sẽ ăn Tết ở ngoài ấy. Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Minh Hải) hồi nhớ: “Khi tiến về đánh thị xã Cà Mau, anh em đâu có kịp ăn Tết gì, định rằng sẽ ăn Tết luôn ở thị xã. Tôi còn đem theo đôi dép nhựa màu vàng…”. |
Khi ấy, ở những vùng nông thôn đã giải phóng, người người nô nức tham gia dân công hoả tuyến. Tại Cà Mau, chủ trương “tự lực, tự cường”, Tiểu đoàn U Minh 2 được xác định là mũi nhọn chủ lực. Khoảng hơn 10 ngày trước trận đánh, Tiểu đoàn U Minh 3 được gấp rút thành lập trên cơ sở một phần đội hình của Tiểu đoàn U Minh 2 và bổ sung thêm lực lượng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Thị Bay miêu tả: “Vùng Hưng Mỹ là cửa ngõ để bộ đội tiến ra thị xã, tôi khi ấy là Thường vụ Xã uỷ. Khí thế chuẩn bị, phát động sôi sục lắm. Riêng ở Hưng Mỹ thì cần bao nhiêu lực lượng cũng sẵn sàng”.
Lực lượng thanh niên tham gia dân công hoả tuyến để tiếp tế lên đến hàng trăm người. Xuân 1968 đến với Hưng Mỹ trong niềm tin to lớn: Cà Mau sẽ được giải phóng, đất nước sẽ được hoà bình. Cô Ba Bay nhớ về mùa xuân năm ấy: “Cũng gió Tết lồng lộng như vầy, nhưng nhà nào cũng gói bánh nhiều hơn, chuẩn bị mọi thứ nhiều hơn”. Có lẽ, trong lòng ai ai cũng mong muốn năm 1968 sẽ là cái Tết thật sự đoàn viên.
Năm 1967, lực lượng vũ trang của Cà Mau nhận được vũ khí từ trên trang bị với nhiều loại hiện đại, cơ động. Đây là một trong những “cú hích” lớn khiến tinh thần anh em bộ đội lên cao.
Khoảng 22 giờ đêm 30 Tết Mậu Thân, một số cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh họp tại ngọn Rạch Rập - vùng ven Cà Mau - lắng nghe anh Nguyễn Hải Tùng, lãnh đạo Ban Tuyên huấn, phổ biến lệnh tổng tiến công toàn miền Nam. Ảnh tư liệu của Võ An Khánh |
Đợt 1 năm 1968, tại Cà Mau, bắt đầu từ đêm 29 rạng ngày 30/1/1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), hướng đánh chủ yếu là Đông Bắc Cà Mau (từ kinh xáng Phụng Hiệp về phía Quốc lộ 63) do Tiểu đoàn U Minh 2 đảm nhận. Ta nổ súng, chiếm được một phần căn cứ Tiểu đoàn 3 (nguỵ) đóng tại khu vực Chùa Phật Tổ. Quân ta bám trụ đánh, di chuyển đến khu vực cầu Quay Cũ thì trời sáng. Lúc này, địch phản công điên cuồng, đến 9 giờ sáng lực lượng hầu hết rút ra đồng, chỉ còn 2 trung đội trụ lại.
Lực lượng Tiểu đoàn U Minh 2 chiến đấu ngoan cường, nhiều đồng chí hy sinh, số còn lại đến tối thì cơ động về khu vực xã Tân Lộc. Thương binh ¾ Trần Hùng Vĩnh (Tư Vĩnh) hiện ngụ ấp Xẻo Lá, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, hồi nhớ: “Lúc đánh vào, đụng bọn dân vệ, bảo an, mình đã đuối rồi. Đến sáng, lực lượng Trung đoàn 32, Sư 21 nguỵ úp ngược lại. Anh em hy sinh nhiều lắm. Cả bệnh viện nguỵ mình trưng dụng cho thương binh nằm, sau đó cũng bị giặc chiếm lại hết, anh em nhiều người không di chuyển được”. Ông Tư Vĩnh cũng bị thương trong đợt 1, được đồng đội dìu về tuyến sau.
Các đơn vị pháo binh của tỉnh Cà Mau có mặt và lập nhiều thành tích trong cuộc tổng tấn công. Ảnh tư liệu của Võ An Khánh |
Sau đợt 1, quân địch bị một đòn choáng váng, nhưng phía ta cũng chịu nhiều tổn thất. Ông Nguyễn Hữu Lễ (Tư Hớn), Chính trị viên Tiểu đoàn U Minh 2, hy sinh do bị thương quá nặng. Đại tá Lê Trung Tính thuật lại: “Khi ấy địch bắn rát, anh Tư Hớn bị thương gãy xương đùi và một số vết thương khác. Tôi có ở đó, trước khi hy sinh anh căn dặn, phải tiếp tục tấn công, nếu không sẽ như rắn mất đầu”.
Đau thương nối tiếp đau thương khi đồng chí Năm Giếng (Đỗ Văn Giếng), Chính trị viên phó Tiểu đoàn cũng hy sinh. Các đồng chí Huỳnh My (Bùi Hữu My), Tiểu đoàn trưởng bị thương; Lê Trung Tính, cán bộ trung đội cũng bị thương và là một trong những người sau cùng rút về phía Tân Lộc. Riêng Tiểu đoàn U Minh 3 phụ trách đánh mục tiêu Tiểu khu An Xuyên, bị địch tập kích, toàn bộ Ban Chỉ huy hy sinh. Tiểu đoàn U Minh 3 cầm cự đến ngày hôm sau mới rút về phía Rạch Dừa.
Đợt 2 của Xuân Mậu Thân 1968 tại Cà Mau diễn ra đêm ngày 4 rạng sáng 5/3/1968. Lúc này, Cà Mau mời đồng chí Chung Thành Châu (Sáu Toàn) làm Phó Ban Chỉ đạo Thống nhất (đồng chí Chung Thành Châu khi ấy là Chính uỷ Trung đoàn 962) và một Tiểu đoàn của Đoàn 962 đánh từ hướng kinh Rạch Rập ra chiếm tuyến lộ cầu Gành Hào - Thạnh Phú. Khi các mũi đồng loạt nổ súng, hầu hết đều không chiếm được mục tiêu, bị phản kích dữ dội, lực lượng ta bám trụ anh dũng. Trong số những đồng chí hy sinh có người con Cái Nước Chung Thành Châu.
Nửa thế kỷ trôi qua, Đại tá Lê Trung Tính nghiệm ra rằng: “Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những bước ngoặt, một tất yếu lịch sử và là một thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam, trong đó có Cà Mau”. Cái giá của chiến thắng phải trả thật đắt, nhưng nó làm lấp lánh thêm lòng yêu nước, tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường, sự dũng cảm tuyệt vời của những người con Cà Mau. Từ những con người đi qua thời khắc năm ấy, những Lê Trung Tính, Phạm Thị Bay… sau này hoà vào đoàn quân chiến thắng của mùa xuân 1975. Họ gặp nhau giữa Cà Mau, nói về những đồng đội đã nằm xuống vì độc lập, tự do.
Nửa thế kỷ trôi qua nhưng bản hùng ca Xuân Mậu Thân vẫn còn vang vọng mãi./.
Lê Nguyên Phạm