ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 3-7-25 12:07:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Danh ca Hương Lan: Tôi phải làm mới để tiếp cận khán giả trẻ

Báo Cà Mau Danh ca Hương Lan trăn trở nhiều về việc đưa âm nhạc trữ tình quê hương tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ theo cách của riêng mình.

 

- Chào danh ca Hương Lan, lần này trở về nước tham gia Dự án nghệ thuật "Trái tim phụ nữ - Trái tim ngọc trai", sức khoẻ chị như thế nào?

Danh ca Hương Lan: Sức khoẻ tôi tốt, chỉ có khó khăn về mặt địa lý, phải di chuyển nhiều. Ðây là chương trình tôi dự định đã hơn 1 năm và để sắp xếp thời gian cũng là thử thách. May mắn là mọi khó khăn đã qua, bây giờ tôi chỉ chuẩn bị tập dượt cho các tiết mục mình sẽ biểu diễn. Các bản phối bắt buộc phải làm mới hơn, ví dụ, tôi sẽ hát với ca sĩ nào, hát làm sao để có cách trình diễn mới hơn. Nói chương trình mới nhưng tôi đâu có hát nhạc mới, tôi hát nhạc cũ vì khán giả vốn đã thích những bài hát từ xưa đến giờ của tôi. Nhưng cách dàn dựng và cách sắp xếp chương trình sẽ khác đi.

Ca sĩ Hương Lan nhận hoa từ Ban Tổ chức Dự án nghệ thuật “Trái tim phụ nữ - Trái tim ngọc trai”.  Ảnh: H. THẮM

- Quá trình mang âm nhạc dân ca quê hương tiếp cận giới trẻ, với chị, ở thời điểm hiện tại như thế nào?

Danh ca Hương Lan: Ðối với tôi, mình nên làm mới một chút để thế hệ trẻ chấp nhận những bài dân ca, nhưng đừng để cho âm nhạc lạc hướng quá. Mình làm sao để các em tới gần dòng nhạc này. Trước tiên, khi người trẻ tới gần mình thì phải tạo cho họ biết mình đã đổi mới và từ đó cảm, rồi thích âm nhạc mà mình truyền tải. Bây giờ, người trẻ chỉ biết ca sĩ trẻ thì làm sao biết mình. Cái khó của mình không phải dựng bài đó cho trẻ hoá, mà phải làm sao để tiến gần tới người trẻ. Họ biết về mình, như vậy mới hoà nhập nhau được.

- Chị làm cách nào để tiến gần với giới trẻ?

Danh ca Hương Lan: Các bạn hãy theo dõi những gì tôi làm sẽ thấy được. Tôi làm sao để các bạn biết tôi đã thay đổi để tiếp cận các bạn, chứ không phải chỉ nói tên tuổi đã có sẵn của mình. Nếu nói tên tôi, khán giả trong và ngoài nước đều biết nhưng đa phần là lứa tuổi trung niên, còn những người trẻ nhiều khi họ không biết. Mình cũng không thể trách được nên mình phải cố gắng tiếp xúc với thị hiếu của họ. Ngay cả những bài tôi đã hát, tôi cũng phải nghĩ cách làm sao để bài hát mới hơn, phải làm sao phá vỡ khung nhạc vốn đã quá quen của nó. Phải làm mới mẻ để người trẻ tiếp nhận, đó là cái khó mà tôi đang suy nghĩ. Vậy nên mọi người hãy theo dõi tôi làm gì, chứ đừng nói tôi nói trước, vì nói trước chưa chắc đã tin. Chưa thấy chưa tin, thấy rồi mới tin.

Danh ca Hương Lan cho biết bà rất trăn trở và nỗ lực tiếp cận khán giả trẻ để họ yêu dòng nhạc quê hương nhiều hơn.

- Chị có nghĩ đến việc sẽ đào tạo người trẻ và chỉ dạy họ để tiếp nối dòng nhạc của mình?

Danh ca Hương Lan: Tôi đã làm từ lâu. Ở nước ngoài, tôi đã tập cho các bạn trẻ và cho các bạn đi biểu diễn ở sân khấu. Ở Việt Nam, tôi nghĩ mình cũng nên làm điều đó. Còn việc khán giả có chấp nhận hay không phải tuỳ theo tài năng của người đó. Hiện tại, tôi vẫn chưa thấy người nào có thể đứng vào chỗ của tôi. Ðó là điều tôi rất đau đáu. Các em hát hay, trẻ nhưng chưa thể bước lên chỗ của tôi. Tôi không nói là thay thế nhưng vì phương tiện truyền thông bây giờ rất mạnh nhưng lại không có sự quan tâm về vấn đề sân khấu cho đúng. Ở đây tôi thấy các em tự bỏ tiền ra, tự làm, tự lăng xê mình... đôi khi dẫn đến quá lố, khiến khán giả bị bội thực. Thay vì một chương trình mình hát 2-3 bài bolero cho người ta thưởng thức toàn vẹn, bây giờ lại làm liên khúc dài 20-30 bài, không ai ngồi nghe cả. Trong một bữa ăn, chỉ cần chọn những món dân dã mà thật ngon thì chỉ cần 3-4 món đã là bữa ăn tuyệt vời.

Mong rằng trong tương lai sẽ có những giọng hát có thể tiếp bước con đường của tôi. Bây giờ tôi còn đi hát, ít ra mình thấy được những lứa đi sau cũng có một người toả sáng để đi theo con đường của mình. Các em có toả sáng nhưng đường đi chưa rõ ràng, không chính xác, không đậm đà tình, chưa có đam mê thật sự, mà các em đang làm với ý thích, làm để chạy đua nhau. Ðó là cái các em đã không nằm trong trái tim khán giả.

- Chị có kỷ niệm nào với khán giả khi đi diễn nhiều năm qua, nhất là với khán giả miền Tây?

Danh ca Hương Lan: Khán giả lúc nào cũng là gia đình thứ hai của tôi. Nhớ những ngày còn trẻ, đi hát ở nhiều tỉnh lẻ, cứ về đến là thấy mọi người xếp hàng dài đợi mình từ khi nào. Các cô chú, anh chị, các em nhỏ chạy theo xe gọi tên tôi. Khán giả miền Tây đặc biệt nồng hậu. Tôi diễn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ... đâu chỉ nhận được cát-xê mà nhận cả "gia tài" đặc sản, đủ thứ, ngon lành. Tôi nhận và chia cho anh em trong đoàn để mỗi người nhận một chút, cảm nhận một chút tình yêu thương. Khán giả miền Tây cứ có nghệ sĩ là đợi tới khi nào thấy thì thôi. Vì ngày xưa di chuyển tàu xe khó khăn nên không đúng giờ, nhưng họ vẫn chờ mình và vui vẻ, nhiệt tình lắm.

Tôi đi hát đâu còn bao lâu nữa. Tôi hát từ khi mới 5 tuổi đến giờ nên tôi muốn giữ lại những tình cảm mà người lớn và người trẻ đã dành cho mình. Ðồng tiền là cuộc sống của mình nhưng không phải để giải quyết mọi thứ. Tôi suy nghĩ rất nhiều và rất sợ, tôi sợ mất đi tình cảm những người xung quanh dành cho mình nên tôi từ chối. Không phải tôi chê tiền khi không nhận chương trình, nhưng do nhiều cái không phù hợp nên tôi sợ mất lòng khán giả mà từ chối, nhất là ngồi ghế giám khảo nhận xét người này, chê bai người nọ.

- Niềm vui khi đi hát của chị khi mới 5 tuổi và hiện tại có khác nhau nhiều không?

Danh ca Hương Lan: Bây giờ thích hơn vì mình biết được, còn hồi nhỏ không biết, cứ thấy vỗ tay là sướng vui rồi. Trong mấy mươi năm đi hát, tôi muốn cảm ơn khán giả đã dành cho tôi những tràng pháo tay, những lời an ủi, những lời khích lệ. Ðến giờ này, khi bước lên sân khấu tôi vẫn còn hồi hộp. Mấy đứa cứ hỏi tôi, sao gần giờ đi hát là không nói chuyện. Vì tôi thiếu tập trung sẽ không hát được, nhất là bây giờ lớn tuổi, càng phải tập trung nhiều hơn. Phải tập trung, đầu tôi phải lắng xuống.

Dù hát rất nhiều nhưng bây giờ mỗi khi hát, tôi phải tập dượt rất kỹ. Khán giả đã yêu mến tôi rất lâu năm rồi, họ cứ nghĩ chương trình có Hương Lan, chắc chắn sẽ có chiếc áo dài đẹp, đó là điều tôi đã giữ được trong mấy mươi năm nay.  Tôi là người Việt Nam nên tôi gắn mình với tà áo dài. Có thể đổi kiểu này, đổi bông kia nhưng vẫn là áo dài với tay dài và chiếc tà dài. Có những khán giả yêu nhất Hương Lan, muốn đi xem Hương Lan hát để xem hôm nay Hương Lan mặc áo dài gì.

- Tình cảm và sự trung thành của khán giả nhắc cho chị điều gì mỗi khi chị lên sân khấu?

Danh ca Hương Lan: Tình cảm khán giả, nhất là khán giả miền Tây lớn tuổi khi gặp tôi sẽ hô to là: "A, bé Hương Lan". Tôi cảm nhận được điều đó qua cách xưng hô, cách người ta gọi mình. Còn có đợt, mấy đứa con nít gặp tôi sẽ nói: "Ô, cô Hương Lan, cô nước lũ". Ðó cũng là những kỷ niệm và tình cảm sâu đậm nhất với tôi. Tôi không tự mãn, tôi vẫn muốn khán giả nhớ mình.

- Cảm ơn danh ca Hương Lan về buổi trò chuyện này!

 

Hồng Thắm thực hiện

 

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.

Sống chậm, nhẫn hơn cùng nhiếp ảnh

Tay máy nữ Bảo Huy tên thật là Lê Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1973, quê tỉnh Quảng Nam, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (Ðà Nẵng).