Vừa qua, tôi được người bạn mời đến quán ăn do bạn làm chủ để trải nghiệm không gian, món ăn và cách phục vụ. Sau khi cùng các đồng nghiệp tham quan, thưởng thức, chúng tôi đều thống nhất rằng quán rất sạch sẽ, không gian thoáng đãng, món ăn ngon và cách phục vụ chu đáo. Đó có thể là điều bình thường đối với nhiều quán ăn, nhưng khi trò chuyện với chủ quán, tôi cảm nhận được một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo đức trong kinh doanh.
Chủ quán chia sẻ rằng tất cả nguyên liệu được sử dụng ở quán này đều phải là hàng tươi sống, tuyệt đối nói không với hóa chất, từ thịt, hải sản, nước súp đến rau xanh... Theo lời cô chủ, quán luôn quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối cho người dùng, vì theo cô, "khách hàng là người nuôi sống mình, mình phải biết ơn và trân trọng bảo vệ họ." Đây không chỉ là một lời hứa mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm và ý thức về đạo đức kinh doanh.
Dù chúng ta không thể xác định chắc chắn liệu cô ấy có thực hiện đúng như lời nói hay không, điều quan trọng là ý thức và trách nhiệm mà cô thể hiện. Đây chính là một góc nhìn tích cực về đạo đức kinh doanh, nơi lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất, mà còn có trách nhiệm xã hội về sự an toàn của người tiêu dùng.
An toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo đức trong kinh doanh (Ảnh minh hoạ). Ảnh: Loan Phương
Tuy nhiên, bên cạnh những người chủ tích cực và những doanh nghiệp có tâm, thực tế thị trường vẫn tồn tại nhiều thủ đoạn kinh doanh gian dối, thiếu đạo đức. Chúng ta thường nghe về việc sử dụng hóa chất độc hại để kích thích tăng trưởng sản phẩm, hay việc dùng hóa chất “hô biến” thịt heo thành thịt bò, thịt thối thành thịt tươi bắt mắt, hay chế biến nước giải khát với hóa chất để làm giả các nhãn hiệu uy tín… nhằm thu lợi nhanh chóng mà không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Gần đây, Công an Thành phố Đà Nẵng đã khởi tố hai vụ án liên quan đến việc sản xuất giá đỗ bằng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Dù hai cơ sở này trước đó đã bị xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động hai tháng, họ vẫn bất chấp pháp luật và tiếp tục xem thường sức khỏe cộng đồng(nguồn Báo Tuổi trẻ). Đó là một hành động nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng người tiêu dùng, cần được lên án và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Từ góc độ đạo đức giữa con người với nhau trong cộng đồng, những hành động này đã đi ngược lại truyền thống "thương người như thể thương thân." Họ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại các quy chuẩn đạo đức và trách nhiệm xã hội mà mỗi người hành nghề kinh doanh, dù quy mô lớn hay nhỏ, cần gìn giữ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến góc nhìn về kinh doanh thực phẩm ăn, uống.
Mặc dù biết rằng kinh doanh là hoạt động có điều kiện, nhưng những cơ chế ràng buộc chỉ hiệu quả khi chủ doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh thực sự có tâm và trách nhiệm, biết giữ cân bằng hài hòa giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng tiêu dùng, hay còn gọi là đạo đức và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, dù bất cứ lĩnh vực nào.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tổ chức những khóa đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức và trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh cho chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, bên cạnh các quy định, chế tài của pháp luật hiện hành. Đây cần được xem như một tiêu chí để xếp hạng, đánh giá và tôn vinh chất lượng hoạt động của một tổ chức, đơn vị kinh doanh trong cộng đồng. Việc này cần được đánh giá định kỳ hàng năm một cách minh bạch thông tin từ nhiều phía, đặc biệt là sự phản hồi từ người tiêu dùng.
Vậy, những vấn đề nào được đặt ra về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội đối với những người chủ kinh doanh? Thứ nhất, cần hiểu rằng đạo đức không chỉ là một tiêu chí lựa chọn mà còn là trách nhiệm lâu dài đối với xã hội và cộng đồng. Người kinh doanh cần xem khách hàng không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là những người họ có trách nhiệm phục vụ và bảo vệ.
Thứ hai, sự minh bạch về giá, minh bạch thông tin nguyên liệu trong quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm cũng cần được đề cao. Người tiêu dùng có quyền biết rõ về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, giá cả trước khi họ tiêu thụ.
Sau cùng, đạo đức không chỉ là việc tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn là lòng nhân ái, sự tôn trọng đối với khách hàng và cộng đồng. Một doanh nghiệp, một thương hiệu thành công không chỉ dựa vào lợi nhuận mà còn phải xây dựng được niềm tin, uy tín vào thương hiệu và mối quan hệ bền vững với khách hàng. Điều này chỉ có thể đạt được khi các chủ doanh nghiệp thực sự coi trọng đạo đức trong kinh doanh thông qua hành động có trách nhiệm với việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
Thực tế, một doanh nghiệp, một cơ sở kinh doanh, hay rộng hơn là một nền kinh tế phát triển bền vững không thể thiếu đi những giá trị đạo đức. Đó là trách nhiệm không chỉ của từng cá nhân mà còn của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, người làm kinh doanh để xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch và an toàn sức khoẻ cho mọi người./.
Nguyễn Ngọc