ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 22:33:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đất học ở cửa ngõ Cà Mau

Báo Cà Mau Ở cửa ngõ thành phố, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, với nhịp sống nửa phố, nửa quê vẫn còn nhiều trăn trở. Tuy nhiên, không khí học tập nơi đây được coi là một trong những lá cờ đầu của phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh Cà Mau.

Ông Hai Thanh (Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tắc Vân) kể vanh vách: “Toàn xã này có 5 điểm trường, khoảng 5.000 học sinh theo học. Sau đại học đã có nhiều; còn đại học, cao đẳng, trung cấp thì… đếm không xuể. Riêng Trường THCS Nguyễn Du được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ rất sớm”.

Ông chủ tịch hội tâm huyết

Gặp gỡ nhiều bậc chú, bác làm công tác khuyến học ở Cà Mau, chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc: Ðây là những người hết sức tâm huyết, có trách nhiệm với tương lai của quê hương. Mỗi người đều có xuất thân khác nhau, công tác ở vị trí khác nhau nhưng đều tha thiết với chuyện học nơi cuối đất. Những người đang là đầu tàu hiện nay như ông Út Thành (Trịnh Minh Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh), ông Lê Văn Vượng (Phó Chủ tịch Hội), ông Sáu Sơn (Ðỗ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội) đều rất có uy tín, từng làm công tác lãnh đạo, am tường cả về lịch sử, cốt cách của đất và người Cà Mau.

Riêng ở Tắc Vân, ông Chủ tịch Hội Khuyến học xã có chất… rất nghệ sĩ. Nhớ lần nghe ông Hai Thanh đọc tham luận, thì ra công chuyện khuyến học cũng lắm cung bậc cảm xúc, rồi ông kết lại bằng mấy câu thơ thật khí khái: “Tuổi cao nhưng vẫn không già/ Say mê khuyến học vẫn là thanh niên/ Mỗi ngày tình lại nhân lên/ Tạc bông hồng đỏ trên nền trời xanh”. Lúc này, quan khách các tỉnh thuộc cụm VIII ĐBSCL vỗ tay rần rần. Ông chia sẻ: “Trước khi làm khuyến học, tôi là dân thông tin văn hoá”.

Cô Tám Thắm, bằng sự hy sinh lớn, đã trở thành hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác, nuôi nấng 3 đứa con ăn học thành tài.

Tắc Vân có được may mắn là kinh tế đi liền với con chữ, ông giảng giải: “Tức là kinh tế khá lên bao nhiêu thì chuyện học hành cũng quan trọng bấy nhiêu”.

Ông Hai nhớ những ngày đầu làm công tác khuyến học: “Ði vận động có người nhiệt tình, có người thì nói: “Mấy cha này rảnh, suốt ngày ăn ở không rồi mần chuyện tào lao”.

Ai nói mặc ai, ông Hai chạy đôn chạy đáo để đầu năm học mới có sổ sách, bút mực cho học sinh khó khăn tới lớp. Ðứa nào khổ quá, ông Hai bao luôn quần áo, xin trường miễn học phí. Cuối năm học, ông lại tất tả một chuyến nữa để lo quà, thưởng cho các em có thành tích học tập tốt. Với ông Hai: “Hồi đó không có kinh phí, kinh nghiệm, cơ chế gì hết mà mình còn làm được, bây giờ thì đỡ hơn rồi. Mấy người cười mình lúc trước giờ cũng đã hiểu và ủng hộ tích cực lắm”.

Mỗi năm, Tắc Vân vận động trên 120 triệu đồng cho công tác khuyến học. Hiện xã đã thành lập được 9 chi hội, có 753 gia đình được công nhận là “Gia đình học tập”. Ðiều đáng nói hơn, Tắc Vân đã xây dựng thành công mô hình “Dòng họ học tập”, đó là kiến họ Nguyễn với 60 gia đình có con em đỗ đạt.

Ông Hai kể: “Có những nhà nghèo lắm, ăn uống làm lụng kham khổ nhưng chuyện học hành của con em thì lo… tới bến”. Người Tắc Vân có một quan niệm mà không phải nơi đâu cũng có được: “Học ra trường nếu có việc làm thì quá tốt, mà làm việc khác khi đã có bằng cấp, có trình độ “lận lưng” cũng tốt hơn”.

Ở đâu có được những người đầu tàu như ông Hai, ở đó phong trào khuyến học sẽ được duy trì, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực. Ông Út Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, đánh giá: “Công tác khuyến học cần có những cách làm đột phá như ở Tắc Vân và một số nơi. Làm sao để người dân thay đổi nhận thức là học chỉ để lấy bằng rồi làm quan. Sự học là chuyện cả đời, học để sống tốt hơn, để xã hội văn minh hơn. Học còn là niềm vui, giúp mỗi người tìm thấy giá trị, ý nghĩa của cuộc sống”.

Mùa nối mùa quả ngọt

Về Ấp 1, chúng tôi được Trưởng ấp Huỳnh Quốc Việt cung cấp cho anh em thông tin vô cùng đầy đủ, sống động về công tác khuyến học. Ông Việt khẳng định: “Ấp này nhà nhà đều coi chuyện học tập là rất quan trọng”. Ấp và Chi bộ ấp hằng năm đều vận động và triển khai công tác khuyến học, khuyến tài rộng khắp. Từ việc rà soát con em đến tuổi, cuốn sổ, cây viết, cho đến ký xác nhận miễn giảm học phí… ở đâu cần là chúng tôi có mặt liền.

Cô Tám Thắm (Nguyễn Hồng Thắm) được dân Ấp 1 rất nể trọng bởi “một tay” nuôi chồng và con ăn học. Nói nghe có vẻ mắc cười, nhưng đó là sự thật: “Chồng đi công tác, rồi đi học, ba đứa con cũng học, ở nhà còn mình cô”. Ðể chồng yên tâm học tập, tiến bộ, mấy đứa con được chăm sóc chu đáo, cô Tám bỏ luôn công việc của mình, về nhà buôn bán, chăn nuôi, làm ruộng.

Cô bộc bạch: “Mình tiện tặn, quơ đầu này đắp đầu kia, có lúc cũng thắt ngặt lắm, nhưng nghĩ về tương lai nên cứ ráng”. Sức vóc phụ nữ, nhưng công việc và thành quả mà cô Tám đạt được hết sức ngọt ngào: Chồng hiện là cán bộ chủ chốt của Thành uỷ Cà Mau, ba con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm.

Những ngày cuối năm, cô Tám vẫn miệt mài bên kệ hàng nhỏ của mình, dẫu thời khổ cực nhất đã đi qua. Cô thầm cảm ơn: “Tôi thấy và mọi người cũng thấy, nếu đầu tư cho học hành thì tương lai sẽ phát triển thôi. Ðất này giờ người ta coi trọng việc học hành lắm, chớ không như hồi trước. Chỉ có điều xin việc giờ khó quá”.

Trăn trở của cô Tám cũng là trăn trở của ông Hai Thanh: “Coi vậy chứ mấy năm đi học, về mà không có việc làm cũng khổ lắm. Nhất là mấy nhà có điều kiện khó khăn. Chuyện này tụi tui tính rồi, phải liên hệ, liên kết và tìm đầu ra ở công ty tư nhân thôi. Nhà nước thì khó vô lắm vì hết biên chế”. Nhưng dù thế nào, ông Hai cũng khẳng định: “Cứ học đi, hổng có lỗ đâu. Không việc này mình làm việc khác, chỉ sợ mình thiếu kiến thức, thiếu quyết tâm thôi”.

Vậy mới hiểu, làm khuyến học cơ sở tưởng chừng đơn giản nhưng cũng lắm công phu, từ đầu vô cho tới đầu ra. Ðiều ấm lòng nhất là niềm tin tuyệt đối của bà con vào tri thức, vào sự đầu tư cho giáo dục.

Ông Hai Thanh còn rủ: “Mai mốt về đây, tôi giới thiệu cho cô Hoa bán bánh ướt mấy chục năm, nuôi con ăn học thành tài”. Hỏi ông còn nhiều gia đình như vậy nữa không, ông chẳng cần suy nghĩ mà gật đầu: “Nhiều, nhiều lắm, có nhà hết nuôi con rồi nuôi cháu luôn, có nghèo chút đỉnh nhưng mai mốt giàu lên mấy hồi…”.

Cái giàu có của đất Tắc Vân xem ra không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc. Ðất học ở cửa ngõ thành phố, con chữ trở thành tài sản quý báu và tin cậy nhất./.

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.