Trải qua hơn 1/3 thế kỷ hình thành và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) luôn khẳng định vai trò ngân hàng thương mại chủ lực của Nhà nước, đi đầu trong lĩnh vực đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất như: nuôi cá bổi thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, tôm - rừng, tôm - lúa, lúa - cá đồng… mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Khách hàng đến giao dịch tại Agribank - Chi nhánh huyện Trần Văn Thời.
Ông Lê Minh Đức, (Ba Đức) Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Với trên 1 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả, ông mạnh dạn vay vốn 2 tỷ đồng từ Agribank, chuyển sang đầu tư mô hình nuôi cá bổi thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với sản xuất lúa. Ngoài các ao nuôi cá bổi thương phẩm của gia đình, đến nay ông đã xây dựng vùng nguyên liêu rộng lớn và gầy dựng nhà xưởng, sản xuất khô bổi U Minh mang thương hiệu đặc sản Cà Mau giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Ông Ba Đức chia sẻ, nguồn động viên to lớn đã giúp ông mạnh dạn hoạch định và triển khai kế hoạch làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đó là nguồn vốn của Agribank; thủ tục vay dễ dàng, quá trình thanh toán khoản vay hay gửi tiền luôn được nhân viên ngân hàng hỗ trợ nhanh chóng.
Đoàn cán bộ Agirbank tìm hiểu quy trình sản xuất khô bổi tại cơ sở sản xuất khô Ba Đức, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.
“Các điều kiện về cho vay, thanh toán của ngân hàng phù hợp với yêu cầu vay vốn, quay vòng vốn, nên tôi vẫn tiếp tục giữ quan hệ tín dụng với ngân hàng Agribank suốt nhiều năm qua”, ông Ba Đức cho biết.
Rời vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của anh Lâm Văn Tích, Khóm 7, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân và không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển kinh tế của gia đình anh. Từ hộ gia đình có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn nay anh đã trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Anh Lâm Văn Tích cho biết, với nguồn vốn vay ban đầu 2 tỷ đồng từ Agribank anh đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lắp đặt máy cho tôm ăn tự động, quy trình xử lý nước hiện đại. Các vụ nuôi tôm đều thành công, cho năng suất cao, tôm nuôi đạt giấy chứng nhận ASE (GROUP).
Cách đó không xa, ông Nguyễn Minh Chương, ấp Tân Quảng, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân cũng sản xuất thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Ông Chương cho biết, ngoài nuôi tôm, ông còn mở thêm đại lý phân phối thức ăn tôm cho người dân địa phương. Để có nguồn vốn kinh sản xuất, kinh doanh, gần 20 năm qua ông luôn là khách hàng thân thiết của Agribank chi nhánh huyện Phú Tân.
Nhờ có nguồn vốn đầy đủ và kịp thời của Agribank, nhiều hộ dân có thêm nguồn lực vững chắc để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Ông Trần Thanh Thắng, Giám đốc Agirbank - Chi nhánh huyện Phú Tân (thứ 2 từ trái sang) tìm hiểu kinh nghiệm nuôi tôm.
Ông Trần Thanh Thắng, Giám đốc Agirbank - Chi nhánh huyện Phú Tân, thông tin: “Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến thời điểm này trên 1.805 tỷ đồng, cho 6.000 hộ dân vay đầu tư phát triển các mô hình sản xuất như: tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, nuôi thâm canh và siêu thâm canh… Từ đó góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đại phương”.
Ông Thắng chia sẻ: “Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có khả năng trả nợ, trả lãi, tỷ lệ nợ xấu dưới mức cho phép. Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chương trình cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”.
Tại huyện U Minh, ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể và 200 doanh nghiệp đang hoạt động nhiều lĩnh vực. Đa phần nhờ sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổng dư nợ đầu tư đầu tư gần 1.490 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, trong ngưỡng cho phép. Tổng nguồn vốn huy động trên 826 tỷ đồng, tăng trên 3,5 lần so với năm 2015. Từ đó, giúp cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện U Minh còn tích cực quan tâm đống góp tài trợ an sinh xã hội cho địa phương hàng trăn triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, số tiền tài trợ cho huyện gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo, tặng quà tình nghĩa, nhà tình thương, tài trợ học bổng cho học sinh nghèo.
Ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc Agribank - Chi nhánh tỉnh Cà Mau cho biết: “Hệ thống, mạng lưới Agribank không ngừng được mở rộng, đặc biệt vươn tới tận các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên cả nước. Ngoài ra, còn tích cực quan tâm đóng góp tài trợ an sinh xã hội ở các địa phương”.
Từ hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế cho thấy, nguồn vốn Agribank đã góp phần không nhỏ giúp cho bà con nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh… mang lại hiệu quả kinh tế cao; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Trung Đỉnh