(CMO) Những đoạn lộ đã sạt xuống sông, những con đường bê tông bị móc hàm ếch trống rỗng, chông chênh đang là nỗi lo về an toàn cho người đi lại. Mùa mưa bão đến không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến tính mạng của con người trên địa bàn huyện Đầm Dơi.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi Võ Chí Linh lo lắng: “Chỉ mới vào đầu mùa mưa bão nhưng tình hình thiên tai đã diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là sạt lở, năm sau xảy ra nhiều hơn năm trước. Trong số 28 vụ thiên tai tính từ đầu năm đến nay có 19 vụ sạt lở, 6 đoạn lộ đất đen và 9 đoạn lộ bê tông, với chiều dài gần 1.400 m, gây ảnh hưởng đến kinh tế và đi lại của người dân địa phương”.
Những đoạn đường khủng khiếp
Cảm giác bước chân đi trên con lộ bê tông ngang 3 m nhưng đã bị móc hàm ếch đã gần 2m thật sự khủng khiếp. Vậy mà hàng ngày người dân của ấp Năm Chánh, xã Tân Dân phải đi qua lại. Theo người dân nơi đây, đoạn lộ này đã bắt đầu có dấu hiệu sạt lở từ đầu năm đến nay, nhất là khi mùa mưa bão đến, trên tuyến này hiện đã có 6 điểm sạt lở xảy ra và nhiều đoạn nữa có nguy cơ tương tự.
Nhiều đoạn lộ dọc theo tuyến sông Đầm Dơi thuộc ấp Năm Chánh, xã Tân Dân nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. |
Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân Võ Như Toại trần tình: “Từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã đã xảy ra 7 vụ sạt lở với tổng chiều dài khoảng trên 270 m. Trong đó, sạt lở lộ 3 m là nhiều, còn lại tuyến lộ 2,5 m. Đặc biệt, tuyến lộ 3 m dọc theo sông Đầm Dơi thuộc ấp Năm Chánh có tới 6 điểm đã sạt lở. Chính quyền địa phương ra sức vận động bà con tiến hành rào cản, tránh thuỷ triều dâng ảnh hưởng sạt lở, vận động những nhà ở ven sông có nguy cơ sạt lở di dời lên”.
Chỉ tay về phía đoạn lộ 3 m gần đó cũng bị sạt lở toàn bộ xuống sông hồi tháng trước đến giờ vẫn chưa thể khắc phục nguyên trạng, ông Toại thở dài: “Vấn đề sạt lở đã bắt đầu xảy ra khoảng 2-3 năm nay rồi, nhưng nhiều nhất là từ năm 2018 đến nay. Kinh phí sửa chữa, duy tu đòi hỏi quá lớn. Do vậy, địa phương trước mắt vận động dân hiến đất làm lại lộ đất đen. Đã xin chủ trương của huyện để sửa chữa. Trong khi chờ, xã chỉ đạo ấp đổ đal 6 tấc để đảm bảo cho bà con và xe 2 bánh đi lại. Đồng thời, đal này có thể tái sử dụng cho những đoạn khác nếu có sạt lở xảy ra”.
Cần giải pháp căn cơ
Được biết, nguyên nhân sạt lở ngày một nhiều hơn của lộ giao thông nông thôn trên tuyến sông này chính là do dòng chảy của con sông Đầm Dơi xoáy rất mạnh, nhất là những khúc cua, đoạn. Kết hợp với gần đây triều cường dâng cao đã làm cho nhiều đoạn bị sạt lở. Được biết, trên tuyến này có trên dưới 10 đoạn nữa có nguy cơ sạt lở, hiện đã lấn vô lộ rất nhiều, nguy cơ sạt lở trong thời gian tới rất cao.
Không chỉ riêng Tân Dân, nhiều xã khác trên địa bàn huyện cũng đang có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng. Qua ghi nhận các xã thì tình hình thiên tai, sạt lở đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Huyện đã giao ngành chuyên môn, địa phương khảo sát thực tế, tìm giải pháp, hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục. Đồng thời, tiến hành cắm biển báo những nơi nguy cơ sạt lở cao để nâng cao ý thức cảnh báo người dân. Chỉ đạo sát sao, tăng cường kiểm tra, hỗ trợ dân, nhất là đối với lộ đất đen, bờ vuông của hộ dân.
Ông Võ Chí Linh cho biết: “Do điều kiện thực tế về đất đai, địa hình trước đây nên hầu hết lộ giao thông nông thôn đều nằm gần theo những tuyến sông. Dòng nước thay đổi, xói mòn, dẫn đến ảnh hưởng lộ sạt lở, thực tế cho thấy đa số các lộ bị sạt lở hiện nay đều tiếp giáp với mé sông. Theo nhận định của địa phương, với tình hình biến đổi khí hậu như thế này, các đoạn lộ bờ sông, bờ vuông của dân cũng sẽ tiếp tuc sạt lở và diễn biến ngày càng phức tạp hơn”.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, ông Linh trăn trở: “Xây kè cũng không hiệu quả bởi kinh phí của huyện có hạn, nếu kè quá quy mô thì không đủ kinh phí, kè đơn giản thì chỉ sau 1-2 năm sẽ tiếp tục sạt lở. Đã qua huyện đầu tư kè đoạn lộ Tân Tiến nhưng chỉ mới 1 năm sau khi đi khảo sát lại thì đã có nguy cơ tiếp tục sạt lở”./.
Hồng Nhung