ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 00:24:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðầu năm về thăm đất Tổ

Báo Cà Mau (CMO) Sau chuyến công tác về Thủ đô Hà Nội, chúng tôi quyết định nán lại thực hiện chuyến hành hương về thăm đất Tổ - Ðền Hùng (tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Hà Nội những ngày dịch giã hoành hành, đường phố thênh thang, dòng người thưa thớt, xe bon bon khoảng hơn 80 cây số là đến nơi.

Ðã được biết qua các bài học lịch sử, qua nhiều kênh thông tin, nhưng lần đầu được đặt chân tới vùng đất thiêng về với cội nguồn, lòng lâng lâng khó tả.

Quang cảnh Ðền Thượng.

Sau khi chụp vài kiểu ảnh lưu niệm tại cổng vào, chúng tôi bắt đầu leo lên các bậc đá để đến Ðền Hạ. Từ cổng đến Ðền Hạ nghe nói 225 bậc đá. Anh Ðỗ Quốc Hải, một người bạn đồng hành, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi những ngày ở Hà Nội bảo, trước đây ngày thường luôn có khách, ngày nghỉ, ngày lễ khá đông, đặc biệt vào dịp lễ Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 thì dòng người chen chân không lọt. Dẫu vậy, khi chúng tôi đến, ngay lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khu di tích thật vắng vẻ. Lác đác vài nhóm khách, mỗi nhóm  độ 3-4 người, có lẽ cũng ở xứ xa như chúng tôi, tranh thủ đến viếng đền.

Khu Ðền Hạ, theo tương truyền, là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai khôi ngô tuấn tú. Cha Lạc Long Quân đã mang 50 con đi xuống biển mở mang bờ cõi, mẹ Âu Cơ mang 49 người con lên núi khai hoang mở đất, sinh cơ lập nghiệp. Người con cả ở lại làm vua, dựng nên nhà nước Văn Lang lấy hiệu Hùng Vương, truyền được 18 đời.

Tại đây, chúng tôi thực hiện nghi thức dâng hương theo hướng dẫn của đồng nghiệp Ðài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ. Ấn tượng nhất là sự hiện diện cây vạn tuế hơn 800 tuổi, chiều cao độ hơn 5 m. Cây chia làm 3 nhánh, được cho rằng tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Từ Ðền Hạ đến Ðền Trung, chúng tôi tiếp tục leo thêm 168 bậc đá. Chẳng biết các con số bậc đá có ý nghĩa gì hay ngẫu nhiên, nhưng nghe nói, trước đây đường đi lên đền khó khăn, năm 1917, bà chủ hiệu buôn Nghĩa Lợi ở Hà Nội đã hiến tiền để làm các bậc bằng gạch, xi-măng. Về sau, được thay thế bằng đá. 

Ðền Trung, tương truyền là nơi vua nghỉ ngơi và bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Giữa sân đền còn lưu dấu bộ bàn đá, nơi họp bàn việc quốc gia. Ðây cũng là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dầy lên vua cha và được truyền ngôi trở thành Hùng Vương thứ 7.

Thêm 102 bậc đá nữa, chúng tôi đến Ðền Thượng. Ðây là địa điểm Vua Hùng làm lễ cúng tế trời đất để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Ðây cũng là nơi thiêng liêng, suốt ngàn năm qua, diễn ra lễ Giỗ Tổ Vua Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch của con dân đất Việt.

Ðồng nghiệp đài Phú Thọ chuẩn bị khá chu đáo lễ vật, chúng tôi cùng theo hướng dẫn, làm lễ dâng hương. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, giữa lúc dịch bệnh hoành hành, chỉ biết chiêm bái, tri ân công đức tổ tiên và thành tâm khấn nguyện Quốc tổ hiển linh tiếp thêm sức mạnh để con cháu và cả thế giới này đẩy lùi đại dịch, cuộc sống yên bình, nước Việt ngàn đời trường tồn, cường thịnh.

Tại Ðền Thượng, còn có Lăng mộ Vua Hùng thứ 6 (mộ Tổ) và cột đá thề. Nghe nói, đời vua Hùng thứ 18 không có con trai, đã nhường ngôi cho Thục Phán - người trong họ tộc. Thục Phán đã dựng cột đá, nguyện thề bảo vệ đất nước và trung thành với cơ nghiệp Vua Hùng.

Cuộc hành trình tiếp tục vòng xuống 44 bậc thang để đến Ðền Giếng, nơi tương truyền công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con Vua Hùng thứ 18, thường đến đây soi gương, gội đầu, chải tóc. Tại đây, sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, diễn ra một sự kiện đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô. Câu nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, cũng xuất phát từ đây. Hiện nơi này có dựng bia đá khắc ghi lời của Bác. 

Không đủ thời gian để tham quan hết các di tích trong quần thể di tích Ðền Hùng, chúng tôi chỉ di chuyển thêm khoảng cây số để viếng đền Lạc Long Quân. Ðược biết, đền chính thờ Quốc tổ Lạc Long quân ở tại Bình Ðà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ðền này nằm dưới chân núi Sim, chỉ mới xây dựng đầu những năm 2000 (cùng với Ðền Tổ Mẫu Âu Cơ) nhằm quy tụ quần thể kiến trúc văn hoá Ðền Hùng, để người dân cùng bái kính tổ tiên mỗi dịp viếng Ðền Hùng.

Chỉ là dịp về đất Tổ ngẫu nhiên, nhưng đồng nghiệp đài Phú Thọ chợt phát hiện ra điều thú vị là hôm ấy đúng ngày Tết dương lịch 1/1/2022. Do Hà Nội căng mình chống dịch, các hoạt động đón năm mới đều dừng nên chúng tôi cũng chẳng nhận ra. Ðầu năm, những người con miền Ðất Mũi xa xôi về viếng thăm đất Tổ, tri ân công đức tiền nhân, thành tâm cầu nguyện điều tốt lành thì quả là thiêng liêng, đặc biệt và ý nghĩa này càng nhân lên gấp bội./.

 

Trang Thăm - Phú Hữu

 

Ðộc đáo chùa cổ Vĩnh Tràng

Toạ lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, phường Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia ngày 30/8/1984.

Gành Ðá Ðĩa điểm check-in thú vị

Gành Ðá Ðĩa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Phú Yên. Ðây là địa danh không thể bỏ qua với những người yêu thích thiên nhiên và đam mê khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của các hiện tượng địa chất.

Di tích quốc gia đặc biệt tháp Vĩnh Hưng

Toạ lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (cách Quốc lộ 1 từ cầu Dần Xây khoảng 15 km), tháp Vĩnh Hưng là một tháp cổ có kiến trúc tháp thuộc nền văn hoá Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, khung niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau Công nguyên.

Dấu ấn du lịch Sóc Trăng

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã hình thành một số cụm du lịch như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn, du lịch biển... Sóc Trăng không chỉ là nơi cho những ai yêu thích, khám phá giá trị văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc, mà còn là nơi dừng chân tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên, chốn yên bình...

Kỳ vĩ Phong Nha - Kẻ Bàng

Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), một trong những khu vực nổi bật của di sản thế giới tại Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống hang động ngoạn mục và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thú vị chuyến khám phá Cù lao An Bình

Cù lao An Bình có diện tích khoảng 60 km2, bao gồm 4 xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh, Ðồng Phú thuộc địa phận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Hồn đất trên Gốm chùa Ðồng Nai

Tại sao có tên gọi Gốm chùa? Chỉ đơn giản là sản phẩm gốm được tạo tác bởi những đôi tay, khối óc của các tu sĩ trong một ngôi chùa tại Ðồng Nai - chùa Tăng Hội.

Trọn lòng yêu kính Bác

Xuôi dòng lịch sử, đầu tháng 9/1969, sau khi nhận tin Bác Hồ từ trần, người dân xã Long Ðức (nay thuộc TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vô cùng tiếc thương, để tang, cùng nhau nấu cơm cúng và lập bàn thờ tại nhà thờ Bác theo phong tục địa phương. Nhiều người bày tỏ nguyện vọng xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ðến đầu năm 1970, Thị uỷ Trà Vinh họp và quyết định xây dựng đền thờ.

Hải Vân Quan - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Hải Vân Quan (cổng quan trên đèo Hải Vân), công trình được vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây dựng vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826). Phía trước cổng quan viết 3 chữ "Hải Vân Quan", phía sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi lưu giữ hiện vật lịch sử đặc biệt

Toạ lạc gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh và thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các phong trào yêu nước khác.