ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 02:02:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dấu son ngành giáo dục

Báo Cà Mau (CMO) Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ nhà giáo Cà Mau đã cùng nhau xây đắp truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp trồng người, chắp cánh cho bao thế hệ học trò bay cao, bay xa. Nhiều người trong số đó đã và đang là những kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, thầy thuốc, giữ những vị trí, trọng trách quan trọng của tỉnh, khu vực và quốc gia, là những công dân tốt của đất nước, quê hương.

“Sự lao động miệt mài của các thế hệ nhà giáo hôm qua và hôm nay đã và đang góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh Cà Mau có những bước tiến mới, làm cho quê hương ngày thêm giàu đẹp”, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Cà Mau, ghi nhận.

Những dấu ấn nổi bật

Hạnh phúc chứng kiến quá trình dài phát triển của đất nước nói chung và của ngành giáo dục Cà Mau nói riêng, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Ái, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, phấn khởi: “40 năm là chặng đường dài, có những thời điểm ngành giáo dục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ thầy, cô vẫn luôn vững vàng với niềm tin và trách nhiệm nghề, luôn lấy sự thành công của các thế hệ học trò làm thành công của chính mình. Ðến nay, ngành GD&ÐT Cà Mau đã có những bước đi vững chắc, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất (CSVC) được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới”.

Ông cho rằng, những thành tích học tập, sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ giáo viên và học sinh vùng đất hiếu học cuối trời Nam Tổ quốc đã hong khô những giọt mồ hôi, những lo toan, nhọc nhằn trong những ngày đầu gian khó, ghi dấu ấn rực rỡ cho ngành giáo dục Cà Mau.

Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động được áp dụng tại Trường Mầm non Hoàng Oanh, TP Cà Mau.

Hiện nay, toàn tỉnh có 501 trường học từ cấp học mầm non đến phổ thông và 2 trung tâm (Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập). Tổng số trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh là 4 trường.

Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau, cho biết, 40 năm qua, GD&ÐT của tỉnh để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt đổi mới trong tất cả các cấp học, bậc học. Ðặc biệt, ngành đã trải qua những đổi mới mang tính chất bước ngoặt.

Cụ thể, công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phát triển ổn định, xoá các điểm trường lẻ không phù hợp, tập trung vào các điểm trường chính nhằm đầu tư, tăng cường CSVC, nâng cao chất lượng dạy và học.

Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ đào tạo. Toàn tỉnh hiện có hơn 14.800 người, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt trên 95%.

Ðến nay, chất lượng GD&ÐT có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục toàn diện ổn định, phát triển. Chất lượng giáo dục từng năm: giỏi đạt từ 18-20%; khá từ 30-40%; chất lượng mũi nhọn (học sinh giỏi) cũng được nâng lên qua từng năm.

“Những năm qua, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được quan tâm đầu tư, có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến nay, đã có 337/499 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 67,53%. Ðây là sự cố gắng, tâm huyết của ngành giáo dục tỉnh”, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự tâm đắc.

Công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xoá mù chữ tiếp tục duy trì và củng cố. Theo đó, đã hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; PCGD tiểu học đạt mức 2, mức 3; PCGD THCS có 2 huyện, thành phố đạt mức 3.

Mỗi ngày đến trường là một niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi.

Trên đà phát triển, những năm gần đây, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy và học đạt kết quả đáng khích lệ. Công tác số hoá toàn bộ hồ sơ, sổ nghiệp vụ từ cấp học mầm non đến phổ thông đạt trên 70%. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện. Việc đầu tư CSVC, trang thiết bị cho dạy và học được chú trọng quan tâm, đáp ứng chương trình GDPT 2018.

Kỳ vọng mới

31 năm gắn bó với ngành giáo dục, kinh qua nhiều vị trí, nhiều nơi công tác, ông Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau, cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT, lĩnh vực GD&ÐT đã đáp ứng khá tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong điều kiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; có nhiều thành tích nổi bật. Với góc độ là nhà giáo, ông kỳ vọng trong giai đoạn phát triển mới, ngành giáo dục Cà Mau sẽ tạo đột phá mới trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt kịp xu hướng thời kỳ mới.

NGƯT Nguyễn Ái cho rằng, ngành giáo dục muốn phát triển phải luôn đổi mới và nâng tầm; đất nước muốn phát triển phải quan tâm nhiều đến ngành giáo dục cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới. Trong đó có việc xác định phát triển nguồn nhân lực cao là vấn đề lớn, đột phá chiến lược cho sự phát triển.

“Muốn làm được điều đó, Ðảng và Nhà nước cần có chính sách, động thái tích cực để làm sao nâng nhận thức toàn xã hội về giáo dục và có đổi mới thực sự tích cực để ngành có thể đảm đương được vai trò đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo người tài cho đất nước. Ðược như vậy, những người thuộc thế hệ xưa cũ như chúng tôi mới cảm thấy mình đã góp phần nhỏ trong sự phát triển chung của ngành giáo dục địa phương, cũng như ngành giáo dục nước nhà”, NGƯT Nguyễn Ái nhắn gửi.

Trường THCS-THPT Tân Lộc, huyện Thới Bình tổ chức nhiều hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Nguyễn Thanh Luận nhấn mạnh, năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Ðoàn kết, nỗ lực vượt khó, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục”, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD&ÐT, trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018. Ðây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT.

Ngành cũng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ÐT của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm sẽ phát triển bền vững giáo dục với quy mô hợp lý, bao trùm; có đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chuẩn về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, thích ứng chủ động với nền giáo dục mở, tiên tiến; CSVC đồng bộ, hiện đại. Ðồng thời, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, thân thiện, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Bên cạnh, phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học; phát triển năng khiếu sở trường, kỹ năng sống, kỹ năng toàn cầu, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống con người Cà Mau cho học sinh. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có xã, phường và huyện, thành phố đạt danh hiệu học tập và tham gia vào mạng lưới tỉnh học tập trong khu vực; chất lượng giáo dục đạt trình độ khá của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến của quốc gia.

“Tôi mong rằng mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo, mỗi nhân viên trong toàn ngành sẽ tích cực, chủ động hơn nữa; bởi chính thầy cô là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Dù ở vị trí công tác nào, giữ nhiệm vụ gì, thầy cô hãy phát huy tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi và rèn luyện, phấn đấu dạy tốt để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ðó là nét đẹp mà nhà giáo chúng ta tự hào khi được xã hội trân trọng và tôn vinh”, ông Nguyễn Thanh Luận gửi gắm kỳ vọng./.

 

Băng Thanh

 

Mang xuân vào trường học

Không gian tết cổ truyền của dân tộc được cô, trò Trường mầm non SOS Cà Mau tái hiện sống động trong khuôn viên trường. Các bé được hoá thân thành những người nông dân, tham gia phiên chợ quê với các gian hàng mua bán, trao đổi hàng hoá, gói bánh tét, chơi trò chơi dân gian… Không khí mùa xuân hiển hiện qua từng nụ cười, ánh mắt thơ ngây của trẻ.

Ðiểm sáng xây dựng trường đạt chuẩn

Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Năm Căn đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dạy học, góp phần xây dựng trường đạt chuẩn đúng lộ trình.

Cà Mau có 23 học sinh giỏi quốc gia

Thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh có 23 thí sinh đoạt giải. Trong đó có 1 giải Nhì môn Ngữ văn, 8 giải Ba các môn: Toán, Vật lý, Sinh học, Ngữ Văn và 14 giải Khuyến khích. Em Phạm Hồng Ngân Anh, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đoạt giải Nhì môn Ngữ văn.

60 dự án khoa học kỹ thuật xuất sắc của học sinh trung học

Sau hai ngày diễn ra (16&17/1) tại Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 30 giải Khuyến khích.

Đẩy mạnh phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng

Ngày 16/1, Thư viện tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Nơi ấy - Tôi trưởng thành

Thời gian trôi có bao giờ quay trở lại Chỉ có lòng người mới trở lại với thời gian.

Vườn hoa "Sinh viên 5 tốt"

Từ phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã xuất hiện nhiều tấm gương sinh viên nữ sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao giá trị của danh hiệu, hình thành lớp sinh viên (SV) có bản lĩnh, tri thức, sức khoẻ, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế. Ðiển hình như các nữ SV tiêu biểu tại Trường Ðại học Bình Dương, Phân hiệu Cà Mau (Phân hiệu).

47 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"

Chiều ngày 8/1, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức mít tinh kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tuyên dương “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh, “Sinh viên 5 tốt” các cấp, năm học 2023-2024.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Người truyền cảm hứng

Tốt nghiệp THPT năm 2008, cậu học trò Nguyễn Quốc Toản đăng ký thi vào Trường Ðại học Sư phạm Cửu Long, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Năm 2011, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, thầy được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện U Minh phân công giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh. Ðến năm 2014, thầy chuyển về Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho đến nay.