Sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo nội dung hiệp định, 2 miền Nam - Bắc tạm thời bị chia cắt, sau 2 năm sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, với âm mưu xâm lược đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ lập tức hất chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về thành lập chính phủ bù nhìn, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của chúng.
Sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo nội dung hiệp định, 2 miền Nam - Bắc tạm thời bị chia cắt, sau 2 năm sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, với âm mưu xâm lược đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ lập tức hất chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về thành lập chính phủ bù nhìn, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của chúng.
Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau ghi lại: Vào ngày 17/7/1955, Ngô Ðình Diệm tuyên bố không có hiệp thương tổng tuyển cử. Ngày 20/7/1955, Ngô Ðình Diệm phát động chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”. Bất chấp những điều khoản của Hiệp định Geneva, chúng tấn công những người kháng chiến cũ bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt: lừa mị, bắt bớ, tra tấn dã man. Chúng ra sức thực hiện các cuộc càn quét quyết liệt, gom dân vào các “khu dinh điền”, "khu trù mật", "ấp chiến lược", nhằm tách dân ra khỏi Ðảng.
Đội quân chính trị huyện Cái Nước hành quân ra Cà Mau hỏi tội quân thù. Ảnh tư liệu |
Trước tình hình đó, Ðảng ta chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đưa công tác này lên thành cao trào cách mạng tiến công. Tỉnh uỷ Cà Mau chỉ đạo các tổ chức chính trị, các đoàn thể chuyển hướng vào hoạt động bí mật.
Bà Cao Kim Dân, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau - Bạc Liêu), cho biết: “Trong thời gian này, hoạt động của nam giới là bất hợp pháp nên đa số các cuộc biểu tình đều do chị em phụ nữ làm nòng cốt. Ðược học tập quán triệt nội dung hiệp định, xác định rõ thái độ chính trị với kẻ thù, chị em phụ nữ ý thức được phải đoàn kết để tạo thành sức mạnh, dùng lý lẽ đanh thép và pháp lý của hiệp định làm vũ khí đấu tranh với địch, bảo vệ Ðảng, bảo vệ cách mạng và bảo vệ chính mình”.
Tháng 7/1956, Tỉnh uỷ phát động cuộc đấu tranh rộng khắp địa bàn tỉnh. Lực lượng đảng viên, đoàn viên nòng cốt, hợp pháp lãnh đạo biểu tình tuần hành kéo đến Dinh Tỉnh trưởng đưa yêu sách đòi thi hành Hiệp định Geneve, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi chính quyền không được trả thù những người kháng chiến cũ, không được khủng bố, giết hại người vô tội.
Thời gian này, với vai trò Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, thành viên Ban đấu tranh chính trị trực diện của tỉnh, bà Cao Kim Dân đã chỉ đạo, tổ chức cho chị em trong huyện thực hiện nhiều cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Mỗi cuộc đấu tranh đều có nội dung, băng cờ khẩu hiệu rõ ràng, địa điểm đấu tranh ở đâu và tổ chức lực lượng, quán triệt tinh thần cho chị em. Sau mỗi cuộc đấu tranh đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, đấu tranh có đạt yêu cầu không, có ưu điểm, hạn chế gì, khí tiết, tinh thần các chị, các mẹ ra sao.
Dù bị giặc khủng bố, đàn áp, bắt bớ, đánh đập dã man nhưng chị em rất dũng cảm, kiên quyết đấu tranh tới cùng. Rất nhiều chị, nhiều mẹ tham gia hàng chục cuộc biểu tình, đấu tranh trực diện. Tiêu biểu như bà Lâm Thị Hon, chiến sĩ xung kích đấu tranh chính trị huyện Trần Văn Thời, đã tham gia tổng cộng 172 cuộc.
Ðịch vẽ khẩu hiệu “đả đảo cộng sản”, “đả đảo Hồ Chí Minh” lên áo, lên nón, các chị quăng nón, áo thì lộn bề trái ra mặc, miệng hô “đả đảo đế quốc Mỹ”, “ủng hộ Hồ Chí Minh”. Rút kinh nghiệm, những lần đấu tranh sau, các chị mặc 2-3 áo, khi chúng vẽ lên áo, chị em sẵn sàng cởi bỏ và tiếp tục đấu tranh. Trước khí thế và tinh thần cương quyết của các chị, bọn địch buộc phải nhượng bộ và thực hiện nhiều nội dung yêu sách của ta.
Bà Cao Kim Dân bùi ngùi nhớ lại: “Vào ngày 13/2/1956, hàng ngàn phụ nữ và Nhân dân từ các xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Ðông với hàng trăm xuồng, ghe kéo đến phân quận Sông Ðốc và trụ sở hội đồng xã biểu tình đòi nguỵ quyền phải tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử. Ðây là một trong những cuộc đấu tranh quy mô lớn. Bọn tề xã phản ứng, chị em và Nhân dân xông vào đập phá trụ sở hội đồng hương chính, xé cờ nguỵ, xé hình Ngô Ðình Diệm. Lính bảo an xả súng vào đoàn biểu tình làm bị thương một số người, trong đó có bà Trần Thị Nương (má Sáu). Sau đó, má Sáu hy sinh. Chị em căm phẫn chở tử thi má ra Cà Mau đấu tranh với tên tỉnh trưởng. Nguỵ quyền tỉnh xoa dịu, chịu bồi thường chôn cất. Hơn 8.000 phụ nữ và đồng bào từ các xã lân cận kéo đến dự đám tang suốt 5 ngày. Ðám tang má Sáu trở thành cuộc mít-tinh phát động căm thù”.
Giọng xúc động nghẹn ngào, bà Cao Kim Dân chậm rãi: “Vào đầu tháng 10/1969, chị Danh Thị Tươi, một phụ nữ Khmer hiền hoà, cùng bà con Nhân dân kéo ra Chi khu Rạch Ráng đấu tranh chống bắn pháo bừa bãi, chống phong toả lúa gạo vùng giải phóng, đòi trở về ruộng vườn làm ăn. Cuộc đấu tranh này bị địch đàn áp, chị em bị đánh đập dã man. Ðang cầm cái thúng để mua gạo, chị Tươi úp lên đầu tên Cối (tên ác ôn khét tiếng đàn áp lực lượng đấu tranh).
Chúng bắt chị, đánh đập không thương tiếc. Chị chẳng những không sợ mà còn chửi thẳng vào mặt chúng là bọn ác ôn, giết hại đồng bào và chị đả đảo Mỹ - Diệm. Chúng tức tối, lấy tóc chị cột vào sau ca-nô và nổ máy chạy. Nước cuốn chị lăn qua, đảo lại. Sau đó, chúng cột đá dìm chết chị. Cái chết hiên ngang, anh dũng của chị làm cho bà con xúc động và khâm phục. Bà con tổ chức vớt xác chị, chở ra Cà Mau đấu tranh, nhưng bọn giặc cướp xác đem đi thủ tiêu. Nấm mồ khắc tên chị tại Nghĩa trang Trần Văn Thời bây giờ chỉ là tượng trưng, nhưng khí phách của chị vẫn sống mãi trong lòng người dân vùng đất này. Tên của chị được đặt cho ngôi trường dành cho con em đồng bào Khmer ở huyện Trần Văn Thời”.
Không thể kể hết những cuộc đấu tranh của tầng lớp phụ nữ và Nhân dân trong tỉnh. Không thể kể hết những mất mát, đau thương mà đồng bào miền Nam nói chung, người dân Cà Mau nói riêng, phải gánh chịu trong thời gian đất nước chia cắt. Vì thế, chủ trương chuyển hướng đấu tranh chính trị như mệnh lệnh từ trái tim, từ lòng căm thù giặc chất cao như núi. Người này vừa ngã xuống, người khác lại vùng lên, hy sinh cả tuổi xuân và mạng sống của mình. Phong trào đấu tranh chính trị trong tỉnh phát triển liên tục, mạnh mẽ và đều khắp, cùng với tiến công bằng quân sự kết hợp với binh vận thành sức mạnh tổng hợp đè bẹp quân thù, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.
Thuỳ Trâm