Hôm nay 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
- Tháng 10: Nhớ đường Hồ Chí Minh trên biển
- Đường Hồ Chí Minh trên biển - huyền thoại mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc
Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “đường Hồ Chí Minh trên biển” được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký vào hôm nay, ngày 26/11.
Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương: TP Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trong Khu di tích quốc gia Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển).
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là một nhân tố quan trọng, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Nhà tường niệm trong Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt.
Tại Cà Mau, “Đoàn tàu không số” gắn liện với Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời Bến K-15 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đem theo 30 tấn vũ khí.
Sau 6 ngày lênh đênh vượt sóng gió trên biển, tàu đã cập bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau an toàn, khơi thông tuyến đường huyền thoại trên biển, hàng loạt chuyến tàu hướng vào Nam, nhiều bến khác được mở, góp phần quan trọng đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975.
Từ năm 1962 đến năm 1970, cụm bến Vàm Lũng tiếp nhận 75 tàu, với trên 4.400 tấn vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam.
Ngày 10/11/2010, bến Vàm Lũng được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia.
Trần Nguyên