Phú Tân, vùng đất trù phú vươn mình ra biển với nhiều tiềm năng, lợi thế và triển vọng. Truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo đã tạo nên động lực lớn cho sự phát triển, vươn lên của vùng đất trẻ.
Trung tâm Hành chính huyện Phú Tân được xây dựng khang trang.
Ðột phá từ những chủ trương sáng tạo
Ngày 1/1/2004, huyện Phú Tân được tái lập. Ðồng chí Phạm Minh Quang, nguyên Bí thư Huyện uỷ Phú Tân, chia sẻ: "Khó khăn nhất thời điểm đó chính là hạ tầng thấp kém, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều và tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ đó, Ðảng bộ xác định yếu tố đầu tiên là đào tạo cán bộ đủ năng lực về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Ðồng thời, tích cực phát huy tiềm năng, giảm nghèo bền vững và phát triển hạ tầng".
Qua 4 nhiệm kỳ đại hội, Ðảng bộ huyện Phú Tân đã tập trung trí tuệ, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị một cách toàn diện. Mỗi nhiệm kỳ được đánh dấu bằng một sự đột phá đi lên. Trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng đất đai, nguồn lực con người, Phú Tân từng bước khẳng định mình, phát triển nhanh, mạnh về nhiều mặt.
Năm 2006, Huyện uỷ Phú Tân ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về phân công tổ chức Ðảng, đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo (là huyện đầu tiên trong tỉnh ban hành chủ trương mang tính tiên phong và đột phá, sáng tạo, phát huy vai trò của hệ thống chính trị hỗ trợ người dân giảm nghèo).
Nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, ấp nghèo được triển khai thực hiện và trở thành phong trào rộng khắp như: cho mượn đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, vốn làm ăn, giới thiệu, giải quyết việc làm, vận động tài trợ... Theo đó, còn huy động cả hộ khá, giàu, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ hộ nghèo, tạo nên sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội để tiếp sức cho hộ nghèo.
Tiếp đó, năm 2011, Huyện uỷ Phú Tân ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về phát động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tận dụng đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái tăng thu nhập. Nghị quyết này nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ và phát huy hiệu quả tích cực. Hằng năm, huyện Phú Tân cải tạo đất, trồng từ 1.000-1.500 ha hoa màu.
Ðồng chí Võ Văn Trường, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Huyện uỷ, nguyên Chủ tịch HÐND huyện Phú Tân, cho rằng: "Nghị quyết này đã đáp ứng được nhu cầu thực tế và phù hợp điều kiện của huyện sau chuyển dịch. Hàng trăm héc-ta đất bỏ hoang được đưa vào sử dụng, vừa khai thác tốt tiềm năng, cung cấp rau xanh phục vụ tiêu dùng, vừa sử dụng hiệu quả nguồn lao động để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững".
Với những chủ trương và bước đi phù hợp, tiềm năng kinh tế của huyện đã được phát huy đúng mức. Nếu như năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hơn 25,1% thì 10 năm sau đó giảm xuống một nửa, còn 12,37% và hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 0,78% (192 hộ nghèo). Với kết quả này, Phú Tân là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt hơn 62,5 triệu đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2004.
Bứt phá về hạ tầng
Nếu như những ngày đầu tái lập, toàn huyện Phú Tân chỉ có hơn 50 km lộ bê tông, gần 20 km lộ nhựa liên huyện chưa hoàn thiện (chỉ có xã Phú Thuận và thị trấn Cái Ðôi Vàm xe ô tô về được đến trung tâm), thì đến nay toàn huyện có hơn 1.194 km đường giao thông được xây dựng và 794 cây cầu trên tuyến, kết nối đồng bộ, thông suốt; xe ô tô đã đến được trung tâm 100% xã, thị trấn và trụ sở các ấp, khóm.
Bà Ðỗ Hồng Ngó, cán bộ hưu trí Khóm 1, thị trấn Cái Ðôi Vàm, phấn khởi: "Bây giờ lộ liền lộ, nối với Quốc lộ 1 và các huyện bạn, người dân đi làm ăn, học sinh đi học cũng thoải mái, quả là sự thay đổi lớn".
Năm 2016, Huyện uỷ Phú Tân ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về giao trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, hội viên các đoàn thể thực hiện các tiêu chí NTM hộ gia đình gắn với văn minh đô thị. Ðồng chí Võ Trường Giang, nguyên Phó bí thư Huyện uỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: "Huyện đã áp dụng tốt phương châm “Bốn chủ - ba cùng” trong xây dựng NTM. Bốn chủ tức là: Ðảng chủ đạo, chính quyền là chủ lực, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ trì triển khai thực hiện, Nhân dân là chủ thể thực hiện và hưởng thụ. Ba cùng là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân".
Từ mỗi xã chỉ đạt một vài tiêu chí khi bắt tay vào xây dựng NTM, đến nay, huyện Phú Tân có 100% xã được công nhận đạt chuẩn. Thị trấn Cái Ðôi Vàm hiện cơ bản đạt các tiêu chí đô thị văn minh; xã Phú Tân trở thành đô thị loại 5; xã Phú Thuận đang hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hệ thống hạ tầng, thiết chế về kinh tế, văn hoá, xã hội, các công trình công cộng, y tế, trường học dần dần hoàn thiện, điện quốc gia cơ bản đảm bảo 100% hộ dân sử dụng; thông tin liên lạc phát triển rộng khắp, kết nối đồng bộ, tạo bước chuyển biến tích cực về bộ mặt nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, mức hưởng thụ của người dân.
Ông Châu Minh Thưởng, ấp Chà Là, xã Phú Thuận, bày tỏ: "Ðời sống người dân phát triển, nhà cửa cơ bản, lộ làng khang trang, kết hợp hàng rào cây xanh, kè chống lở tạo nên không gian nông thôn đẹp và sạch sẽ, người dân rất phấn khởi".
Nhìn lại chặng đường đã qua, Ðảng bộ và quân, dân Phú Tân có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. "Huyện tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu 3 vùng. Ðồng thời, mời gọi đầu tư 3 khu kinh tế trọng điểm, gồm: kết nối hạ tầng Khu tiểu thủ công nghiệp thị trấn Cái Ðôi Vàm, Khu trung tâm thương mại và Khu công nghiệp của huyện Phú Tân; phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường đưa huyện phát triển ổn định và toàn diện về mọi mặt, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng mà các thế hệ trước đã dày công vun đắp", đồng chí Trần Văn Hoà, Chủ tịch UBND huyện, tâm huyết./.
Quốc Hiệp