ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 6-7-24 00:53:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðoàn Cải lương Hương Tràm dồn sức cho ngày hội lớn

Báo Cà Mau Cùng với 23 đơn vị nghệ thuật trên khắp cả nước tham gia Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2023, Ðoàn Cải lương Hương Tràm dốc toàn lực hoàn chỉnh 3 trích đoạn cải lương, mong muốn mang về vinh dự cho sân khấu cải lương đất cực Nam.

Lần đầu tiên Ðoàn Cải lương Hương Tràm “chơi lớn” tại cuộc thi tài năng diễn viên cải lương chuyên nghiệp mang tầm cả nước. Ngoài đăng ký nhiều tiết mục dự thi, đơn vị còn tự trang bị mọi mặt từ đạo diễn, âm thanh, phục trang đến thiết kế sân khấu... NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, cho biết: “Theo kế hoạch, kinh phí phân bổ cho đoàn tham gia chỉ 1 trích đoạn, nhưng có nhiều anh em muốn thử sức ở sân khấu lớn và lãnh đạo đoàn đã bàn bạc thống nhất tham gia 3 trích đoạn. Kinh phí hạn hẹp nên mọi thứ đều cây nhà lá vườn, song mọi người đều quyết tâm thể hiện tốt nhất”.

Những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương tham gia đóng góp ý kiến tại đêm diễn phúc khảo để các tiết mục dự thi được hoàn chỉnh.

Lửa nghề của các nghệ sĩ được cháy hết mình trong từng lớp diễn. Trong trích đoạn “Bão lòng Trần Thị Dung”, Nghệ sĩ Kim Hiền hoá thân Hoàng hậu Trần Thị Dung, người gắn chặt với giai đoạn cuối của vương triều Lý và thời kỳ đầu của nhà Trần. Từ việc lấy Hoàng tử Sảm để dọn đường đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý, cho đến khi bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Ðộ, bà đã trải qua biết bao thăng trầm, vinh nhục, vui buồn... Trích đoạn thuộc thể loại độc diễn, tâm lý phức tạp, lại thêm vũ đạo, là thử thách không hề nhỏ đối với Nghệ sĩ Kim Hiền, khi sở trường là cô đào thương.

Phần độc diễn đa cảm xúc của Nghệ sĩ Kim Hiền trong trích đoạn “Bão lòng Trần Thị Dung”.

Trong trích đoạn “Xin lại một quãng đời”, Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng (vai Hiếu) vì mặc cảm người mẹ một mắt, bị bạn bè chê cười mà bỏ học, sa vào ma tuý, tù tội. Khi hiểu ra mẹ hy sinh con mắt để thay cho mình, nhân vật Hiếu dằn xé lương tâm, hối hận. Chính tình thương mẫu tử thiêng liêng đã giúp Hiếu thêm động lực cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ gia đình.

Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng trong trích đoạn “Xin lại một quảng đời”, dằn xé, hối hận khi biết được sự thật mẹ hy sinh con mắt cho mình.

Nghệ sĩ Huỳnh Tiểu Nhi tái hiện hình ảnh người Nữ anh hùng Tô Thị Tẻ, người con của xứ Ðầm Dơi, bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không hề khuất phục, hiên ngang trước họng súng kẻ thù. Trích đoạn “Âm vang một dòng sông” được xem là “đất lành” với Nghệ sĩ Tiểu Nhi, bởi trước đó trong cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022", Tiểu Nhi đoạt Huy chương Vàng lĩnh vực đào mùi và Giải ấn tượng nhất.

Khí tiết anh hùng của người con gái Ðầm Dơi được ghi vào trang sử vàng của quê hương. (Ảnh chụp một cảnh trong trích đoạn Âm vang một dòng sông)

Cả 3 trích đoạn đều do NSƯT Lịch Sử làm đạo diễn. Chị chia sẻ, mỗi trích đoạn mang một màu sắc khác nhau: sử Việt, đương đại và chiến tranh; thời lượng dự thi không quá 25 phút/tiết mục, chị và cả ê kíp phải điều chỉnh nhiều lần, quên cả nghỉ ngơi, mong làm sao có được tiết mục trọn vẹn nhất. “Nói là 3 nghệ sĩ thi nhưng thực chất là cả đoàn, vì vừa phụ diễn vừa lo hậu kỳ, phục trang... và quan trọng là tinh thần đoàn kết, cổ vũ nhau cùng tiến bộ”, NSƯT Lịch Sử bộc bạch.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2023 mang tính chất rất mở, các thí sinh và đơn vị nghệ thuật tự lựa chọn trích đoạn và mở rộng độ tuổi từ 18-45, đây sẽ là một cuộc chơi rất “sòng phẳng” giữa nghệ sĩ thâm niên và cả nghệ sĩ trẻ. Cuộc thi năm nay được diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 23-30/9, vào dịp Giỗ tổ sân khấu, để các nghệ sĩ nỗ lực dâng thành tích lên Tổ nghiệp, bằng tài năng và tình yêu nghệ thuật chân chính.

 Ðoàn Cải lương Hương Tràm đã có buổi diễn phúc khảo 3 trích đoạn dự thi, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các nghệ sĩ gạo cội như: NSƯT Minh Ðương, NSƯT Minh Hoàng, Nhạc sĩ - NSƯT Lê Hoàng Bửu, Ðạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Nghệ sĩ Quốc Tín... Theo đó, đoàn tiếp tục điều chỉnh một số tình tiết, cảnh trí, lối diễn xuất, để kịp ngày thi 29/9 tới. Sự đột phá qua bàn tay đạo diễn và sự máu lửa bứt phá của các nghệ sĩ, hy vọng sẽ làm nên kỳ tích trên sân khấu./.

 

Mộng Thường

 

Ghé Thanh Tùng nghe tài tử đờn ca

Ba giờ chiều, quán nước nhỏ ở ấp Cái Ngay của tài tử Hồng Nhanh đã bắt đầu rộn ràng đón những bước chân tìm đến. Nam sơ mi, nữ áo dài, ai cũng tươi rói cho cuộc tạn mặt thanh nhã. Ðằng sau không gian chốc lát nữa là sân khấu, những câu chuyện ríu ran bên khói bếp, chuẩn bị bữa tiệc để thêm thắt chặt thâm tình.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống để cống hiến, sáng tạo

Chiều 13/6, trong không khí ấm áp, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (15/6/1964 - 15/6/2024). Đến dự và phát biểu có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn học nghệ thuật Cà Mau - Hành trình 60 năm không ngừng sáng tạo

Năm 1960, sau Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng, xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam, Tỉnh uỷ Cà Mau ra lời Hiệu triệu kêu gọi Ðồng khởi. Trong khí thế cách mạng dâng trào, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ chủ trương thành lập Tiểu ban Văn nghệ để trực tiếp lãnh đạo và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Tiểu ban Văn nghệ thành lập Ðoàn Văn công Giải phóng Cà Mau và Tạp chí Lúa Vàng. Ðây chính là mảnh đất ươm mầm và phát hiện, bồi dưỡng cho đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng ở Cà Mau.

Non Khăn Rằn & “Áo Cà Mau có đợi”

Dù công việc chính là phát thanh viên, biên tập viên của Ðài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Nguyễn Hữu Nhân lại trót đem lòng say mê âm nhạc. Không chỉ sở hữu chất giọng mộc mạc, truyền cảm, anh còn có khả năng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình. “Áo Cà Mau có đợi” là một trong những sản phẩm gây chú ý của anh, với biệt danh khá thú vị “Non Khăn Rằn”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Khi lời ca, tiếng hát kết nối trái tim

Ðời sống tinh thần của người khiếm thị khá buồn tẻ, nhiều người chỉ quẩn quanh nhà, tuy nhiên, từ khi tham gia vào câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của Hội Người mù tỉnh thì nội tâm họ trở nên phong phú hơn khi được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, cùng hoà chung lời ca tiếng hát, đặc biệt là san sẻ những tâm tư, tình cảm với nhau qua sinh hoạt đờn ca tài tử.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

NSND Minh Vương: Cống hiến cho nghệ thuật là lẽ sống

- Chào NSND Minh Vương, nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật, cảm xúc của ông như thế nào? NSND Minh Vương: Tôi có chút bồi hồi. Ðã 6 thập kỷ tôi ăn cơm của Tổ và được khán giả yêu thương, là một cái phúc. Sân khấu cải lương của chúng tôi đi từ hoàng kim đến những cung bậc thăng trầm. Tôi và nhiều anh chị em chứng kiến khi rực rỡ cũng như lúc bão hoà. Có lúc, chúng tôi và cải lương rất bi quan, bị ảnh hưởng và thua thiệt rất nhiều so với các loại hình giải trí khác. May mắn là mỗi năm, chúng tôi được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Một điều trân quý nữa là, khán giả ở mọi lứa tuổi chưa bao giờ quên lãng cải lương, không rời bỏ tuồng cổ. Khán giả vẫn ở đây, vẫn ủng hộ những vở hay và người nghệ sĩ miệt mài làm nghề. Tôi hy vọng thời gian tới, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn, để sân khấu cải lương có thêm điều kiện tốt phát triển, sống cùng nhịp sống thời đại mới, phục vụ tốt hơn cho khán giả.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.