ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-10-24 12:35:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðoàn Cải lương Hương Tràm - Nỗ lực “giũa ngọc giữ vàng”

Báo Cà Mau Tìm kiếm những tài năng nhí để đào tạo đã khó, việc giữ lại nhân tài tiếp nối và phát triển nghệ thuật cải lương của tỉnh càng là nỗi trăn trở của Ðoàn Cải lương Hương Tràm ở thời điểm hiện tại.

Trên cơ sở Kế hoạch số 78 của UBND tỉnh năm 2016 về thực hiện Ðề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2030; năm 2018, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định cho phép Ðoàn Cải lương Hương Tràm (Ðoàn) tuyển sinh đào tạo năng khiếu ở độ tuổi dưới 15. Theo đó, Ðoàn bắt đầu tuyển sinh 6 tháng 1 lần.

Trong quá trình đào tạo vào thời điểm năm 2018, Ðoàn tìm được 3 em, mỗi em được hỗ trợ chi phí 1 triệu đồng/tháng. Từ năm 2018-2023, các em đều ở trong khu tập thể của Ðoàn để vừa học phổ thông, vừa được đào tạo tại chỗ. Ðến năm 2022, có 2 em không thể tiếp tục, còn 1 em đã không còn đam mê nên xin dừng. Công sức đào tạo suốt nhiều năm coi như đổ sông đổ biển. Dù nản đó, buồn đó, nhưng những người làm nghề tâm huyết tại Ðoàn vẫn vực dậy tinh thần, tiếp tục những đợt sàng lọc "tìm kiếm ngọc để giũa".

Trong năm 2024, Ðoàn chiêu sinh được 3 em ở độ tuổi từ 11-12 để đào tạo đến năm 15 tuổi. Cả 3 có điểm chung chính là niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật cải lương khi còn rất bé, nhờ vào sự hun đúc, bồi dưỡng của phụ huynh.

Từ trái qua: Nguyễn An An, Nguyễn Lê Yến Nhi và Huỳnh Nhân Phú, là 3 tài năng nhí đang được Ðoàn Cải lương Hương Tràm đào tạo. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

Em Huỳnh Nhân Phú, 11 tuổi, có cha là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Hoàng, không giấu sự hào hứng khi được vào Ðoàn của cha mình: “Mẹ dạy con hát, vì cha bận đi diễn. Con thấy thích cải lương nên mẹ đăng ký cho đi thi. Chúng con được học ca, học cách bắt nhịp với đàn...”.

Cũng xuất thân con nhà nòi, em Nguyễn An An, 12 tuổi, con của Nghệ sĩ Kim Hiền, từ nhỏ đã được đi xem mẹ và các cô chú trong Ðoàn ca diễn nên tình cảm dành cho nghề hát của mẹ cũng dần hình thành và bám rễ vào tâm hồn non trẻ.

An An chia sẻ: “Mẹ tập cho con hát. Con thấy mẹ lên sân khấu rất đẹp. Mẹ hát thì khán giả vỗ tay. Con muốn được như mẹ. Con sẽ ráng cân bằng việc học văn hoá và học cải lương, để sau này theo nghề giống mẹ”.

Trong số 3 tài năng nhí, chỉ có 1 em không ở trong khu tập thể của Ðoàn và cha mẹ cũng không phải nghệ sĩ. Ðó là em Nguyễn Lê Yến Nhi, 12 tuổi. Vì bận việc học nên mỗi tuần cô bé được cha chở từ Rau Dừa (huyện Cái Nước) lên học chỉ 1 ngày, thay vì 2 ngày (thứ Bảy và Chủ nhật) như các bạn khác. Dù nhà xa, nhưng Yến Nhi vẫn cố gắng đến Ðoàn để học và theo kịp tiến độ với các bạn.

Yến Nhi kể: “Các bài ca của thầy cô dạy, con về nhà tập đi tập lại cho thuộc lòng và nhuần nhuyễn. Mẹ con cũng ngồi chỉnh thêm cho con. Con thấy thích cải lương, nhưng việc có theo nghề hay không thì con chưa biết. Cha con nói cứ học, khi lớn, nếu thích thì theo nghề, cha không cấm”.

Tìm được các mầm non kế thừa nghệ thuật cải lương khá khó, sau đó, Ðoàn phải mất thêm 4-5 năm đào tạo với tất cả tình thương và tâm huyết. Một cái khó nữa là, sau khi hết độ tuổi đào tạo (15 tuổi), các bạn nhỏ lại có những suy nghĩ riêng ở tuổi dậy thì, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, nên việc tiếp tục theo học và giữ lửa với cải lương là hiếm hoi. Khi các em quyết định không theo nghề nữa, Ðoàn cũng phải tôn trọng quyết định, lại tiếp tục hành trình "đãi cát tìm vàng".

NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, không giấu nỗi buồn: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm kiếm và đào tạo được nhiều thế hệ trẻ có giọng hát tốt, nhạy bén với sân khấu... Thế nhưng, việc giữ các bạn lại là không thể, vì không có ràng buộc nào với các bạn về pháp lý. Các bạn không thích nữa thì không thể ép. Bởi vậy, ngay trong khoá mới này, tôi cũng như anh em trong Ðoàn phải truyền tải những gì tinh tuý nhất về cải lương, về nghệ thuật để các em hiểu, yêu và “ghiền” cái nghề này như thế hệ cha ông. Có thể trong những buổi biểu diễn, chúng tôi sẽ dành ít phút mở màn để giới thiệu về những nghệ sĩ nhí của Ðoàn để khán giả biết đến các em và biết thêm Ðoàn Cải lương Hương Tràm cũng có chức năng đào tạo, để thu hút nhân tài”.

NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, không giấu trăn trở về thế hệ kế thừa. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

Một trăn trở khác là khi giữ được nhân tài để đào tạo từ độ tuổi 18 trở lên là phải đưa các bạn trẻ theo học ở các trường cao đẳng, đại học... để từ đó thi vào ngạch biên chế Nhà nước, mới có chế độ ưu đãi và điều kiện để gắn kết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại chỉ thích ca hát, thay vì chấp nhận vừa học kiến thức vừa học hát.

NSƯT Lịch Sử chia sẻ: “Ðoàn cố gắng hết sức để tìm kiếm tài năng. Thực tế là có nhiều em giỏi, gia đình ủng hộ, Ðoàn tạo điều kiện hết sức. Ðào tạo cực khổ như thế thì phải có hướng đầu ra cho các em, mà đầu ra lại vướng phải cơ chế không mở. Chính các em cũng không muốn là viên chức Nhà nước, mà chỉ muốn hát, có bắt họ đi học cũng không được. Thành phần này lại là cốt lõi. Mục đích hiện tại chúng tôi hướng tới là khi phát hiện năng khiếu, phải cố gắng tạo điều kiện cho các bạn học văn hoá thật tốt”.

Ðào tạo lực lượng kế thừa cho cải lương phải có sự kiên trì, nhẫn nại, luôn gieo những điều tinh tuý nhất cho các em để nhân đôi niềm đam mê. Ðể khi 18 tuổi, các em sẽ có được suy nghĩ: Không tình yêu nào bằng tình yêu sân khấu.

Song song đó, NSƯT Lịch Sử cũng đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình để có thêm nhiều hướng mở, thu hút nhân lực cho nghệ thuật cải lương: "Tôi rất tâm huyết với vấn đề nhân lực. Bởi sau tôi, Hoa Phượng... thì các em mới chính là thế hệ kế thừa và phát triển Ðoàn Cải lương Hương Tràm. Tôi đang làm từng bước, hy vọng đến khi mình nghỉ hưu sẽ có được lớp nhân tài mới gắn bó và yêu thương cải lương, dốc sức cống hiến cho Ðoàn Cải lương Hương Tràm như thế hệ trước"./.

 

Lam Khánh

 

Rạng ngời sức trẻ

Từ chỗ chụp ảnh để phục vụ công việc, tình yêu dành cho nhiếp ảnh được anh vun bồi cứ lớn dần, trở thành động lực trong cuộc sống. Tham gia hoạt động Ðoàn vào năm 2011, Lê Tấn Phát thường ghi lại nhiều hình ảnh bằng điện thoại, nhằm kịp thời đăng tải, tuyên truyền về các phong trào của Ðoàn.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng: Cung đờn nâng giấc mơ đời

Mảnh đất Cà Mau có không ít thầy đờn cổ nhạc giỏi với ngón đờn trác tuyệt, nhưng nếu nói tới tiếng đờn Vi-ô-lông thì khách mộ điệu sẽ nhớ ngay đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thanh Hồng - nghệ nhân hiếm hoi “chuyên” về nhạc cụ này và vang danh ở cả hai lĩnh vực: quần chúng lẫn chuyên nghiệp.

Thêm góc nhìn về đồng bằng sông Cửu Long

Liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lần thứ 39 năm 2024 vừa được tổ chức khai mạc triển lãm vào ngày 30/9 tại tỉnh Vĩnh Long, đây là hoạt động do Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực luân phiên đảm nhiệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bảo trợ về mặt chuyên môn. Ban Tổ chức đã nhận được 1.851 tác phẩm, trong đó có 971 ảnh màu và 880 ảnh đen trắng, của 252 tác giả trong khu vực gửi tham gia.

Phù sa thao thức, gửi lại thương nhớ dòng sông

Tình cờ đọc được tập thơ Ðánh thức Sông Hồng, của tác giả Huỳnh Thuý Kiều, do Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt. Trong cái chiều Cà Mau mưa nặng hạt, nghe trong gió còn vọng tiếng buồn hậu cơn bão số 3, những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều như đưa người đọc vào hành trình cảm xúc tinh tế, đầy trăn trở về tình yêu quê hương, con người và cả những suy tư sâu lắng về dòng chảy thời gian.

Đoàn Nghệ thuật Khmer: Nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ lễ Sene Dolta

Nhằm phục vụ tốt lễ Sene Dolta, những ngày qua, Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau không ngừng tập luyện, xây dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các tiết mục phục vụ lễ Sene Dolta năm nay được đoàn dàn dựng theo hướng hiện đại, kết hợp với yếu tố truyền thống. Qua đó, không chỉ phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc mà còn chứa đựng nhiều sự mới lạ, độc đáo với người xem.

Ðộc đáo múa bóng rỗi

Múa bóng, hát rỗi (hay còn gọi là múa bóng rỗi) là bộ môn nghệ thuật diễn xướng, ra đời cách nay hàng trăm năm ở vùng đất Nam Bộ. Bộ môn này thường được tổ chức vào các dịp lễ hội cúng đình, miếu, cúng Bà Chúa Xứ, Bà Thuỷ Long, Bà Thiên Hậu...

Khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29

Sáng 27/9, tại tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29. Đây là sự kiện được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống của người Việt rất phong phú, phát triển và truyền lại qua nhiều thế hệ, được các đời con, cháu giữ gìn, đúc kết kinh nghiệm, tạo nên các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, mang đậm nét đặc trưng vùng miền. Nghề thủ công không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán, nét văn hoá truyền thống làng quê Việt Nam. Các sản phẩm thủ công truyền thống gắn bó với đời sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của con người.

Một lần đến Cà Mau

Chương trình Cà Mau Art Tour 2024 với chủ đề “Cà Mau - Hành trình xanh sống động” quy tụ 20 hoạ sĩ và 6 nhạc sĩ đến từ 3 miền đất nước. Các văn nghệ sĩ đã lưu lại trong lòng những xúc cảm và tình yêu đối với những điểm du lịch, phong cảnh, văn hoá và con người Cà Mau.

Yêu màu áo lính

Từ nhỏ đã mê hình ảnh đẹp về quê hương, Nguyễn Lê Tiến hay cắt những tấm ảnh chụp phong cảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh từ lịch treo tường để dành ngắm nghía. Năm học lớp 10, khi được ba mẹ tặng chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3, hành trình chụp ảnh của anh bắt đầu. Cứ tan học, anh lại lang thang loanh quanh trong huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An kiên trì chụp nhiều ảnh sông nước, làng quê... lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống, thư giãn.