ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:44:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau: Rực rỡ biểu tượng “3 mũi giáp công”

Báo Cà Mau Ðoàn Văn công tỉnh Cà Mau phục vụ đồng bào xóm Cái Keo - gần sông chiến lược Bảy Háp - đêm 28 Tết Nguyên đán (1972).

Nhận thức sâu sắc rằng, trong cuộc chiến lâu dài, ác liệt với đế quốc Mỹ và tay sai, không chỉ bằng lực lượng vũ trang mà yếu tố tinh thần, giác ngộ tư tưởng, chính trị cho quần chúng tạo thành bạo lực cách mạng là nền tảng, là yếu tố quyết định. Vừa làm cuộc Ðồng khởi thắng lợi đầu năm 1960 thì ngày 19/8/1960, Tỉnh uỷ Cà Mau thành lập Ðoàn Văn công giải phóng với 20 cán bộ, diễn viên.

Nhiệm vụ ban đầu của đoàn được Tỉnh uỷ giao là: Tuyên truyền, cổ động và biểu diễn chập, ca khúc, múa; phát loa tin tức, phát động phong trào Nhân dân đóng góp sức của, sức người cho kháng chiến; phát động Nhân dân vùng kềm phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn; phát động binh sĩ trong hàng ngũ địch nổi dậy phản biến, phản chiến trở về với cách mạng.

15 năm (1960-1975), Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, dùng tiếng hát làm “át tiếng bom”, trở thành động lực mạnh mẽ cho kháng chiến. Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau với phương châm “chắc tay đàn - vững tay súng” vừa làm vai trò xung kích trên trận địa chính trị - tư tưởng - văn hoá, vừa sẵn sàng giáp mặt chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, vừa là một binh chủng làm công tác binh vận đạt hiệu quả cao.

Những đêm biểu diễn đầu tiên

Ðêm làm lễ ra mắt, đoàn biểu diễn 12 tiết mục: chập - múa - ca khúc (phần lớn các tiết mục này trong kháng chiến chống Pháp dàn dựng lại). Biểu diễn với phương tiện tự tạo, thô sơ: loa thiếc, đàn thùng, đèn măng-sông… nhưng đông đảo khán giả vùng giải phóng đến xem và hết lời khen ngợi, cổ vũ.

Ðoàn Văn công tỉnh Cà Mau phục vụ đồng bào xóm Cái Keo - gần sông chiến lược Bảy Háp - đêm 28 Tết Nguyên đán (1972).      Ảnh tư liệu của VÕ AN KHÁNH

Ðêm 19/10/1960, tại cuộc mít-tinh mừng Ðồng khởi thắng lợi, giải phóng nông thôn, đoàn tổ chức biểu diễn một chương trình khá quy mô - bổ sung nhiều tiết mục tự biên, tự diễn và kịp thời tiếp nhận dàn dựng “hoả tốc” 2 vở cải lương lớn: “Máu thắm đồng Nọc Nạng” và “Người con gái Ðất Ðỏ”.

Ngày 1/1/1961, 30 cán bộ, diễn viên nam, nữ của đoàn khuân vác dụng cụ, máy nổ… vượt hơn 10 cây số trong cánh rừng tràm U Minh Hạ, đến khu căn cứ phục vụ lễ ra mắt Uỷ ban Mặt trận giải phóng miền Tây Nam Bộ. Tại đêm biểu diễn này, đoàn phục vụ nhiều tiết mục được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Ðặc biệt, trong đó có tiết mục múa mở màn chương trình chào mừng Mặt trận ra đời, do biên đạo sáng tác trên đường hành quân đến cuộc biểu diễn và các diễn viên vừa đi vừa tập dượt, được các đồng chí lãnh đạo của khu và khán giả khen ngợi…

Giữa năm 1961, tại lễ chào mừng Uỷ ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau ra mắt ở Giáp Nước, xã Phú Mỹ, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau biểu diễn phục vụ hơn 2 vạn khán giả, với một chương trình hoành tráng 2 đêm liền.

Từ sự kiện Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau thiết kế chương trình biểu diễn dài hơn, với hơn 10 đêm liên tục, cổ vũ sự kiện chính trị trọng đại này; tuyên truyền, quảng bá chính sách, cương lĩnh của Mặt trận. Trong các đêm biểu diễn, nhiều bà con vượt rào ấp chiến lược, nhiều chị em phụ nữ bồng bế con nhỏ vượt hàng chục cây số đến xem. Có những đêm, đoàn biểu diễn đến trời hừng sáng mà dưới khán đài còn đông nghịch người xem.

Kiên trì giữ vững phương châm “tiếng hát át tiếng bom”

Trong những thời kỳ Mỹ - nguỵ tăng cường đánh phá ác liệt, nhất là thời kỳ các chiến dịch bình định, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau càng tăng cường hoạt động và hoạt động với phương thức mới, đầy sáng tạo: Khi địch đưa quân đánh mạnh vào vùng căn cứ, vào vùng giải phóng thì đoàn chuyển ra biểu diễn vùng phụ cận, vùng ven. Những vùng căn cứ, vùng nông thôn giải phóng vừa bị giặc càn quét đánh phá, khi chúng vừa rút đi thì có mặt đoàn đến biểu diễn.

Những lúc trời mưa dông, sân bãi lầy lội, đoàn cùng chính quyền địa phương huy động lực lượng dân công dựng sân khấu nổi cho đoàn biểu diễn. Bà con ken xuồng ngồi xem. Không ít lần đoàn biểu diễn, giặc phát hiện điểm, chúng bắn pháo vào, đoàn cho tắt đèn măng-sông và tổ chức cho khán giả giải tán. Dù trong mưa bom, bão đạn, đoàn vẫn kiên trì phục vụ đồng bào, tuyên truyền giữ vững tinh thần đấu tranh của quân, dân. Dù gặp phải gian khó đến đâu, đoàn vẫn kiên trì giữ vững phương châm “Tiếng hát át tiếng bom” để giữ vững niềm tin chiến thắng!

Luôn bám sát nhiệm vụ chính trị

Sau chiến công của quân, dân tỉnh nhà tiêu diệt Chi khu Cái Nước, Chi khu Ðầm Dơi và cứ điểm Chà Là, Biên đạo múa Năm Châu sáng tác và dàn dựng tiết mục “Tiếng trống mừng công”, điệu múa hoà quyện tiếng nhạc lời ca rộn ràng, vui nhộn. Chống quốc sách ấp chiến lược của Mỹ - nguỵ, anh chị em trong đoàn sáng tác tập thể vở cải lương “Kiếp sống trong vòng rào”, nói lên tâm trạng hoang mang của giặc có chập hài “Tâm sự lô cốt trưởng”. Nguyễn Việt Khái bắn 8 phát súng cạc-bin hạ 4 chiếc trực thăng Mỹ, đoàn sáng tác và dàn dựng tiết mục múa “Chào mừng chiến công anh”.

Khi đế quốc Mỹ đưa chiến lược “Chiến tranh cục bộ” vào miền Nam, 2 cán bộ lãnh đạo của đoàn là Bảo Nam và Lâm Tường Vân sáng tác 2 vở cải lương “Ngọn lửa hờn” và “Dưới cờ bảo quốc”. Ði vào Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Biên đạo Huỳnh Hảnh sáng tác và dàn dựng hoạt tượng “Nổi dậy”. Tiếng nhạc, tiếng trống, lời ca như những lời hịch thúc giục quân, dân xuống đường tiêu diệt giặc “... Lửa thiêng cháy rực! Sóng hờn bủa tung! Ầm ầm bão tố! Sấm chớp bủa giăng! Trận cuối cùng này đây!...”.

Trong phong trào đóng góp sức của, sức người cho kháng chiến, trong phong trào thi đua giết giặc lập công, trong phong trào hậu phương quân đội, những hình tượng người nông dân, hình tượng các mẹ chiến sĩ, các thanh niên, thiếu niên, hình tượng anh giải phóng quân… được thể hiện đậm nét trên sân khấu bằng những vở kịch, chập, ca cảnh, bằng lời ca tiếng hát, điệu múa đã trở thành sức động viên lớn cho yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phục vụ đồng bào ven đô và chiến trường

Những năm quân, dân ta mở chiến trường đánh lớn, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau biên chế thành nhiều “tiểu đội” nhỏ, gọn đưa ra hoả tuyến phục vụ văn nghệ cho đồng bào ở vùng tranh chấp giữa ta và địch - phục vụ các đơn vị bộ đội, phục vụ dân công hoả tuyến. Khi nào có yêu cầu phục vụ lớn thì đoàn tập trung lại. Với phương thức linh hoạt này, đoàn văn công phục vụ đa dạng và đứng chân trên các địa bàn trọng yếu trong tỉnh, phục vụ thiết thực và mang lại hiệu quả to lớn trong cuộc chiến đấu.

Có lần đoàn đột kích ra vùng phụ cận biểu diễn, bọn giặc Tiểu khu An Xuyên phát hiện, cho trực thăng mang quân đến bao vây từ vòng ngoài. Khi số chiếc trực thăng vừa tiếp đất, số quân địch vừa ra khỏi trực thăng thì 10 tay súng của đoàn kết hợp 1 trung đội của đơn vị địa phương quân cảnh giới từ xa nổ súng đẩy lùi quân địch, bảo vệ an toàn cho đoàn và đông đảo khán giả.

Ði vào Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đoàn biên chế thành 2 đội hình bám sát các đơn vị bộ đội ra vùng ven Cà Mau Bắc và Cà Mau Nam, vừa làm công tác tuyên truyền vũ trang phát động quần chúng nổi dậy, kêu gọi binh sĩ phản biến, phản chiến, vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng ven, bộ đội và dân công hoả tuyến. Sau đó, từ 2 đội hình, biên chế thành nhiều “tổ xung kích” đột nhập sâu vào các xã, phường ven thị xã Cà Mau tuyên truyền, kêu gọi quần chúng nổi dậy, xuống đường, kêu gọi binh sĩ ủng hộ quần chúng đấu tranh, quay súng chống kẻ thù, góp phần giải phóng thị xã Cà Mau và biểu diễn những tiết mục văn nghệ nhỏ gọn, góp phần cho không khí cuộc tổng tấn công nổi dậy sôi nổi và tin tưởng.

Các tổ xung kích của đoàn cùng các đơn vị bộ đội đứng chân trên các vùng ven: Tân Lộc, Tân Phú, An Xuyên, Rạch Rập, Phường 8, xã Tân Thành, Hoà Thành… Trên những địa bàn này, anh chị em cán bộ, diễn viên của đoàn hứng chịu nhiều trận ô-buýt từ Tiểu khu An Xuyên bắn vào từng “bầy”. Ðoàn chịu đựng và phối hợp với các đơn vị vũ trang đứng vững và tiếp tục lập phương án chiến đấu. Và trên những vùng ven này, anh chị em cán bộ, diễn viên cùng các đơn vị bộ đội chiến đấu đẩy lùi các cuộc phản kích cấp đại đội, tiểu đoàn của địch và kiên cường bám trụ hoả tuyến chiến đấu nhiều ngày…

Rực rỡ biểu tượng “3 mũi giáp công”

Từ sau Ðồng khởi 1960, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau thường xuyên phối hợp với các đơn vị vũ trang xã, huyện, tỉnh, vũ trang tuyên truyền: chính sách hoà hợp dân tộc, chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, vạch trần và lên án âm mưu cướp nước, bán nước của Mỹ - nguỵ; lên án hành động tội ác của bọn chỉ huy ác ôn và kêu gọi binh sĩ phản biến, phản chiến quay về với Nhân dân, với cách mạng. Không ít đồn bót khi ta phát loa vào đồn, những tên chỉ huy gian ác, ngoan cố đều ra lệnh cho binh sĩ bắn trả. Những khi chúng bắn trả, ta dùng loa lên án bọn chỉ huy ác ôn và kêu gọi binh sĩ không làm theo lệnh của chúng, mà phải im lặng lắng nghe tiếng nói chính nghĩa của cách mạng, của Nhân dân. Lời cảnh cáo và lời kêu gọi có lý, có tình của ta khiến nhiều đồn bót ngưng bắn, lắng nghe. Có nhiều đồn bót khi nghe nữ Nghệ sĩ Kim Chi cất lên bài hát “Gởi anh lính bờ Nam” cả đồn im phăng phắt. Những lần ta phát loa vào đồn mà không có tiếng hát của nữ Nghệ sĩ Kim Chi thì có tiếng binh sĩ từ trong đồn vọng ra hỏi và tiếc rẻ. Có một tên trung uý vừa bỏ đồn vác súng chạy vào vùng giải phóng xin với cán bộ ta cho y gặp mặt “cô gái” hát bài “Gởi anh lính bờ Nam”.

Ðêm phóng thanh vào Ðồn Rau Dừa, trời còn chập choạng bóng đêm, có một tiểu đội lính bỏ đồn vác súng về vùng giải phóng tìm cán bộ cách mạng giao súng, số tên chỉ huy và số binh sĩ ác ôn vì hoang mang sợ hãi cũng bỏ đồn tẩu thoát về Tiểu khu An Xuyên. Quân dân ta xông lên san bằng Ðồn Rau Dừa. Ðêm phóng thanh Ðồn Bào Chấu, cả đêm không nghe tiếng súng của chúng bắn trả, khi ta trinh sát vào thì thấy đồ trống không, mới vỡ lẽ ra, cả trưởng đồn và binh sĩ im lặng bỏ đồn tìm đường về vùng giải phóng tìm lực lượng cách mạng giao nộp vũ khí.

Trong 2 năm 1972, 1973, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị địa phương quân huyện Cái Nước, huyện Châu Thành, huyện Giá Rai bao vây bức rút Ðồn Thứ Vải, bao vây tiêu diệt Ðồn Xáng Cống, bức rút Ðồn Vàm Chấu, Ðồn Xẻo Xu, Ðồn Nách Rau Muống, Ðồn Bà Cáo và trận chống càn tại xã Long Ðiền tiêu diệt 1 trung đội địch.

Ðặc biệt, đầu năm 1965, đoàn có trận đánh “giáp lá cà”. Ðó là chuyến đoàn về Xẻo Xu (thị xã Cà Mau) biểu diễn phục vụ đồng bào vùng ven đô. Khi đoàn vừa đến nơi, một toán biệt kích từ Tiểu khu An Xuyên kéo đến địa bàn đóng quân của đoàn. Bất ngờ bọn biệt kích nổ súng. Số diễn viên nam dùng súng đánh trả quyết liệt. Có những diễn viên nữ dùng cây roi, dao mát ấu đả với chúng. Trận này 2 diễn viên nam bị trọng thương.

Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau từ lâu đã trở thành mục tiêu dưới tầm ngắm tìm diệt của địch. Lần thứ nhất, đoàn nắm được tin giặc sẽ ném bom, đổ quân vào Giáp Nước “thánh địa của đoàn”. Nhưng lãnh đạo đoàn quyết định không lẩn tránh mà trụ lại chiến đấu. Một mặt, đoàn cho cất giấu phương tiện, dụng cụ biểu diễn của đoàn và củng cố công sự, chiến hào cho chắc chắn; mặt khác, Ban Chỉ huy đoàn liên hệ phối hợp chiến đấu với một bộ phận của Trung đoàn 10 (D10)… Trận đánh diễn ra từ sáng đến trưa, chúng đưa đến nhiều lượt máy bay ném bom, bắn phá vào “thánh địa Giáp Nước” và trực thăng mang tới cả tiểu đoàn… nhưng chúng bị đẩy lui, ta bắn rơi 1 chiếc trực thăng và tiêu diệt 30 tên địch.

Lần thứ hai, đoàn hành quân theo Trung đoàn 10 biểu diễn phục vụ trung đoàn và phục vụ Nhân dân. Hành quân trong đêm về tới ấp Ðất Cháy (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) thì tờ mờ sáng. Các loại máy bay xuất hiện trinh sát, ném bom, rải đạn. Tiếp theo, từng đàn 5 chiếc trực thăng nối đuôi kéo đến trận địa. Dàn súng trọng liên 12,8 ly của D10 bắn hạ gọn 5 chiếc trực thăng vừa sắp sửa hạ xuống… Cuộc chiến đấu bắt đầu từ sáng đến chiều tối. Ðêm đến, các cánh quân của địch cụm lại thành nhiều nhóm trên các cánh đồng. Ban lãnh đạo đoàn cử 1 nhân viên kỹ thuật và 2 diễn viên mang theo máy phóng thanh kết hợp với Ban Tuyên huấn D10 phát loa kêu gọi binh sĩ. Khi tiếng phóng thanh của ta cất lên, các cụm quân của địch nổ súng dữ dội. Sau phát loa vài giờ… 21 binh sĩ kéo ra đầu hàng tập thể và trận đánh này ta tiêu diệt 1 đại đội, bắn rơi 5 chiếc trực thăng. Sự phối hợp với D10 lập chiến công này Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau được Ban Chỉ huy Trung đoàn 10 và Tỉnh uỷ Cà Mau khen ngợi, biểu dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ, ác liệt, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau trở thành biểu tượng rực rỡ trong cuộc chiến đấu ba mũi giáp công: chính trị - vũ trang - binh vận. Có 7 liệt sĩ của đoàn: biên đạo múa Năm Châu; 2 nữ diễn viên: Minh Thuyết, Tám Vui; 2 nam diễn viên: Bảy Ðảo, Bảy An; 2 nhạc công: Ba Lượng, Út Trà. Ngoài ra, có 1 nhạc công bị thương nặng và 1 nhạc sĩ bị giặc bắt làm tù binh.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của đoàn, Nhà nước đã tặng thưởng các Huân chương Giải phóng: hạng Ba, hạng Hai, hạng Nhất và 10 bằng khen của Khu Tây Nam Bộ, 25 bằng khen của tỉnh Cà Mau. Ðặc biệt, ngày 30/1/2011, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân./.

Phạm Văn Tri

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.