ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 12:38:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Doanh nghiệp đồng lòng lo khuyến học

Báo Cà Mau (CMO) Bước vào năm học mới này, 46 học sinh hoàn cảnh nghèo khó trên địa bàn Phường 8, TP Cà Mau, đều được Hội Khuyến học phường hỗ trợ; mỗi em tiểu học 1 triệu đồng, THCS và THPT 1,5 triệu đồng. Ðây là khoản tiền hết sức ý nghĩa, chia sẻ được gánh nặng đối với các gia đình thu nhập thấp, bấp bênh, khi đầu năm học phải tốn kém nhiều khoản chi phí để con em đến trường.

Trong phần phát biểu tại buổi lễ trao trợ cấp, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND Phường 8, đã biểu dương sự đóng góp cho quỹ khuyến học phường của 21 cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Và khẳng định rằng, Phường 8 duy trì được tốt công tác khuyến học cũng nhờ những tấm lòng chung lo cho sự nghiệp giáo dục này.

Không chỉ riêng năm nay, rất nhiều năm dự trao trợ cấp cho học sinh nghèo Phường 8, tôi đều thấy danh sách dài liệt kê sự đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn phường. Mức đóng góp tuỳ doanh nghiệp lớn nhỏ, tuỳ sự cân đối hoạt động, cao nhất là 6 triệu đồng, thấp nhất 1,5 triệu đồng. Có đến mấy chục đơn vị nên không thể liệt kê ra được, nhưng nhìn qua danh sách thì hầu như các đơn vị sản xuất kinh doanh lâu năm, uy tín, được biết tiếng trên địa bàn đều có đóng góp để chăm lo chuyện học hành cho con em trong phường.

Nhà tài trợ Mã Mỹ Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Mỹ Anh, có nhiều gắn bó và hỗ trợ cho Hội Khuyến học Phường 8. (Trong ảnh: Bà Mã Mỹ Anh trao trợ cấp hàng tháng cho em Võ Lil Ða, lớp 11A2, Trường THPT Cà Mau).

Là doanh nghiệp gắn bó với công tác khuyến học từ những năm đầu mới thành lập hội, hỗ trợ ở mức cao nhất danh sách, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Anh, tâm tình: “Công ty hỗ trợ công tác khuyến học Phường 8 từ hồi mới có 1 cửa hàng xe gắn máy ở Phường 5. Thấy việc này có ý nghĩa thì làm. Thực sự trong lòng còn muốn hỗ trợ nhiều hơn, nhưng bởi mình còn cân đối giúp đỡ nhiều chỗ, nhiều việc khác nữa... Phường 8 rất chú trọng công tác khuyến học, năm nào cũng tổ chức trao trợ cấp đàng hoàng, mình tín nhiệm nên duy trì suốt thời gian qua, chưa gián đoạn năm nào”.

Một điều đáng ghi nhận là ở Phường 8, công tác khuyến học đặc biệt còn được Ðảng uỷ, UBND, các ban, ngành, đoàn thể phường, lãnh đạo các khóm quan tâm, nhất là trong việc vận động hỗ trợ.

Bà Huỳnh Mỹ Phương, Cửa hàng trưởng MobiFone Cà Mau, cho biết, đơn vị tham gia hỗ trợ công tác khuyến học qua cầu nối là Ðoàn Thanh niên Phường 8. Khi đó anh Lê Hoài Bảo là Bí thư Ðoàn, thấy đơn vị có nhiều bạn trẻ, đã vận động thành lập chi đoàn doanh nghiệp và kêu gọi hỗ trợ. Giờ anh Bảo đã chuyển sang công tác địa chính, xây dựng phường, MobiFone cũng không còn chi đoàn, nhưng sự hỗ trợ thì vẫn tiếp diễn.

“Năm nào đơn vị cũng hỗ trợ Hội Khuyến học phường 2.000 quyển tập. Riêng năm nay, do vừa rồi dịch bệnh chưa chủ động được nguồn tập nên quy ra tiền bằng 5 triệu đồng. Ðịa bàn Phường 8 học sinh nghèo nhiều, sự hỗ trợ của mình cũng không lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp cùng hỗ trợ cộng lại thì sẽ lo được tốt hơn cho các em”, bà Phương bộc bạch.

Còn nhớ, năm vừa rồi do dịch bệnh không tập trung đông người được, sau khi đến tận từng nhà trao trợ cấp cho 43 học sinh, mấy hôm sau ông Trang Văn Bé, Phó chủ tịch Hội Khuyến học phường, kể: Sau khi em Trần Phương Nghi (lớp 4, Khóm 4) nhận hỗ trợ 1 triệu đồng, gia đình không kiếm được thêm đủ tiền để mua điện thoại cho em học Online, mẹ em đến UBND Phường 8 “cầu cứu”. Ông Huỳnh Thanh Dũng đã vận động người quen được thêm 1 triệu đồng phụ vào mua điện thoại để tạo thuận lợi cho em học tập.

Cũng từ sự nhiệt tâm, cùng chung lo của chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp mà 23 năm qua, từ khi thành lập Hội Khuyến học phường, con số đóng góp quỹ hội ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, hội nhận được con số hỗ trợ hơn 1,578 tỷ đồng, trợ cấp cho 332 lượt sinh viên và 1.912 lượt học sinh nghèo, cận nghèo, con thương binh, con người dân tộc khó khăn trên địa bàn. Việc trợ cấp cũng tăng, từ 50.000 đồng/học sinh, đến nay học sinh tiểu học nhận 1 triệu đồng/em, THCS và THPT 1,5 triệu đồng, sinh viên 2-3 triệu đồng.

Có em được hỗ trợ xuyên suốt từ tiểu học đến xong đại học ra trường. Rất nhiều gia đình mỗi năm có đến 2, 3 đứa con được hỗ trợ. Chẳng hạn như năm nay, hộ ông Nguyễn Thanh Dũng (Khóm 5) có 3 đứa con (lớp 2, lớp 6, lớp 9) được hỗ trợ; 9 hộ khác có 2 đứa con được hỗ trợ.

Chị Trần Thị Bích Chi (hẻm Vĩnh Hương, Khóm 4) xúc động: “Vào học, 2 đứa con (lớp 1, lớp 5), mua sách vở, quần áo, dụng cụ học tập, rồi đóng các khoản ở trường, tính ra cũng mấy triệu đồng. Chồng đi theo ghe biển lâu lâu mới về, mà tiền cũng ứng trước hết rồi nên chưa biết xoay xở sao. May mà nhận được 2 triệu đồng từ Hội Khuyến học phường, mừng dữ lắm…”.

Ngoài hỗ trợ đầu năm học, hàng năm hội còn tiếp sức mùa thi tốt nghiệp THPT cho các em có hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng/em. Vào cuối mỗi năm học, hội vận động từ 5.000-7.000 quyển tập để cấp phát cho các em. Khi phát hiện các trường hợp học sinh, sinh viên khó khăn đột xuất, hội đều vận động hỗ trợ để giúp các em không phải bỏ học giữa chừng.

Mới đây, khi đã phát trợ cấp xong, nghe Ðoàn Thanh niên Phường 8 cho biết, em Trần Quốc Dương, lớp 11 B4, Trường THPT Cà Mau, đang ở trọ tại Khóm 1, gặp khó khăn, thường trực hội đã trực tiếp đến tìm hiểu và trao trợ cấp cho em 1,5 triệu đồng.

“Tới nơi biết được thêm chú của em này bị tai biến nằm một chỗ, cả nhà chỉ sống nhờ vào tiền công rửa chén thuê và làm mướn lặt vặt của bà nội em. Chúng tôi đang tìm cách giúp đỡ định kỳ để em duy trì việc học”, ông Bé nặng lòng.


Ông Lý Văn Sua, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội Khuyến học TP Cà Mau (có 16 năm chuyên trách công tác khuyến học thành phố), nhận xét: Hội Khuyến học Phường 8 luôn là đơn vị dẫn đầu thành phố về công tác vận động quỹ khuyến học. Một trong những yếu tố giúp công tác khuyến học Phường 8 thành công là được rất nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn ủng hộ xuyên suốt. Có được điều này là nhờ những người làm công tác khuyến học của phường rất tâm huyết, hoạt động bền bỉ, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh nghèo, hoàn toàn không vụ lợi… Từ đó tạo được uy tín, lòng tin và sự hỗ trợ của các đơn vị.


 

Trang Thăm

 

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.

214 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025

Sau gần một tháng diễn ra, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2

Sáng 11/4, tại Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” nhằm trao tặng học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (11/4), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã triệu tập hội nghị triển khai các văn bản liên quan và tập huấn phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. 

416 học sinh đạt giải học sinh giỏi THCS cấp tỉnh

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau, Kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024-2025 có 416 em đạt giải ở 7 môn thi.

Giúp học sinh nhận thức đúng về giới tính

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em còn hạn chế hiểu biết, kiến thức về giới tính cũng như chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ðể giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khoẻ sinh sản và cung cấp thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính cho học sinh là điều hết sức cần thiết trong môi trường học đường.

Ðể con em đồng bào tiếp cận giáo dục

Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động đưa con em đến với nền giáo dục chính quy, hiện đại, đúng độ tuổi.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường THCS - THPT Tân Bằng

Sáng 2/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân có chuyến khảo sát thực tế tại 2 trường THCS - THPT trên địa bàn huyện Thới Bình để đầu tư nâng cấp hướng đến đạt chuẩn quốc gia.

Thiết thực chính sách nội trú, miễn giảm học phí

Ðối với sinh viên vùng sâu, vùng xa như tỉnh Cà Mau, các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp các em giảm bớt khó khăn về chi phí học hành, thêm điều kiện thực hiện ước mơ tri thức.

Giáo dục Cà Mau khẳng định vị thế

Kết quả đạt được trong phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh thời gian qua khẳng định hướng đi đúng trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) - “hạt nhân” tương lai của tỉnh, đất nước. Ðó là cơ sở, nền móng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. “Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trong sự nghiệp “trồng người””, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), khẳng định.