ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 26-5-25 12:08:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lợi ích kép từ mô hình giáo dục STEM

Báo Cà Mau Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện kỹ năng huy động tổng hợp kiến thức thuộc các lĩnh vực khoa học. Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau) tiếp tục áp dụng mô hình giáo dục STEM và gặt hái nhiều kết quả tích cực.

Mới đây, nhà trường tổ chức Ngày hội STEM với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, thu hút sự tham gia của học sinh từ khối 2 đến khối 5 với hơn 200 sản phẩm trưng bày. Nhiều mô hình độc đáo như: ngôi nhà tiện ích, xe điện chạy bằng pin, vòng đời côn trùng, bữa ăn dinh dưỡng... được học sinh tự tay thực hiện từ các vật liệu tái chế, thân thiện môi trường.

Hầu hết các sản phẩm do học sinh sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Nhiều mô hình giúp minh hoạ kiến thức đã học, thực hiện thí nghiệm vui, tạo phần mềm giải trí hữu ích, mô phỏng hiện tượng tự nhiên, thiết bị, máy móc và các ứng dụng có tính thực tiễn cao trong đời sống.

Ðiều đáng trân quý là tất cả sản phẩm trưng bày do chính các em sáng tạo, sử dụng nguyên liệu tái chế, giá rẻ, thân thiện môi trường. Không chỉ đảm bảo an toàn, tính thẩm mỹ, các mô hình này còn có khả năng ứng dụng thực tiễn, phản ánh tư duy sáng tạo gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm cộng đồng.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn hào hứng tham gia và tham quan sản phẩm tại Ngày hội STEM, năm học 2024-2025.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn hào hứng tham gia và tham quan sản phẩm tại Ngày hội STEM, năm học 2024-2025.

Thầy Lâm Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng, cho biết: "Từ năm học 2024-2025, trường triển khai đồng bộ hoạt động giáo dục STEM cho toàn bộ giáo viên theo đúng kế hoạch chuyển đổi số và phát triển năng lực học sinh trong thời đại công nghiệp 4.0. Ban đầu, giáo viên gặp nhiều khó khăn, do đây là môn tích hợp (Khoa học, Công nghệ, Toán, Tiếng Anh), nhưng sau các đợt tập huấn, việc triển khai đã hiệu quả hơn".

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo trường, tham gia hoạt động giáo dục STEM, học sinh rất hào hứng, sản phẩm STEM năm nay tăng cả về số lượng và chất lượng. Mỗi khối chọn trưng bày khoảng 40 sản phẩm tiêu biểu, nhiều mô hình có tính ứng dụng cao, gần gũi đời sống. Ðây là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực, đồng thời khơi gợi đam mê và tư duy sáng tạo cho học sinh. Nhà trường xác định STEM là hoạt động lâu dài, góp phần tạo nền tảng phát triển công dân số tương lai. Việc đầu tư từ bậc tiểu học được xem là chiến lược quan trọng để sánh vai với các tỉnh, thành và quốc tế trong tương lai.

Ðây là năm thứ hai em Cao Thiên Kim, học sinh Lớp 4B, tham gia Ngày hội trưng bày sản phẩm STEM của trường. Em chia sẻ: "Ðây là sân chơi bổ ích, thú vị và an toàn dành cho học sinh tiểu học”. Em cũng như nhiều bạn khác cảm thấy hào hứng khi được chiêm ngưỡng các mô hình sáng tạo do anh chị lớp lớn thực hiện và mong muốn ngày hội sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm học tới".

Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên trường, cho biết: "Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng các chủ đề STEM phù hợp với trình độ học sinh và điều kiện thực tế tại trường. Giáo viên ở tất cả các bộ môn tham gia xây dựng nội dung, đảm nhiệm vai trò người tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các tiết học trải nghiệm. Qua đó, các em có cơ hội khám phá, sáng tạo, phát huy sở thích cá nhân và hình thành đam mê học tập, phát triển năng lực toàn diện".

Thầy Lâm Quốc Bảo chia sẻ: "Việc triển khai mô hình giáo dục STEM mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và sẵn sàng học hỏi để mang đến những tiết học chất lượng, thiết thực cho học sinh".

Thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn liền với khoa học và công nghệ, học sinh không chỉ được khơi dậy đam mê khám phá mà còn được rèn luyện các kỹ năng sống thiết yếu như: làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề - nền tảng quan trọng giúp các em phát triển toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực.

Nhà trường xác định STEM là hướng đi lâu dài, không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn góp phần hình thành nền tảng vững chắc cho thế hệ học sinh trong tương lai. Với những kết quả đạt được, năm học 2025-2026, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình giáo dục STEM, tạo động lực học tập và sáng tạo cho học sinh./.

 

Mỹ Lệ

 

Ðiểm sáng giáo dục vùng ven biển

Trường Tiểu học xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn) là một trong những đơn vị giáo dục tiêu biểu, có nhiều chuyển biến tích cực về công tác dạy và học trong những năm qua. Dù còn không ít khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường vẫn không ngừng nỗ lực, vươn lên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm 2025 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành giáo dục Cà Mau chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, bảo đảm nâng cao chất lượng dạy, học và tổ chức tốt kỳ thi.

10.508 thí sinh tham gia Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (17/5), các trường THPT trong tỉnh tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cà Mau có trên 11.200 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Kỳ thi năm nay có những điểm mới, cho nên chúng ta không được phép chủ quan, lơ là, thực hiện chu đáo những quy định cũ, thực hiện đầy đủ những quy định mới. Đảm bảo an toàn bảo mật, sao in đề thi, bài thi.

Cơ hội nâng chất giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non không chỉ là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân mà còn là nền tảng hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Vai trò của người giáo viên mầm non vì thế luôn được ví như người nghệ sĩ tài ba, khéo léo chạm vào tâm hồn trẻ bằng trái tim đầy yêu thương và sự sáng tạo không ngừng.

Dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhưng do năm nay kỳ thi có nhiều quy định mới nên hiện tại giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện U Minh đang dồn sức ôn tập, cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi quan trọng này.

Gương sáng nữ sinh

Trong cộng đồng sinh viên Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (BDU Cà Mau), Phạm Lê Mi, sinh viên năm 4 ngành Quản trị kinh doanh, là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện và cống hiến.

"Bản hùng ca đất nước" lan toả tri thức, tự hào dân tộc

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc duy trì và phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ điều đó, Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu) nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy niềm đam mê sách và hình thành thói quen đọc sách trong sinh viên.

Nụ cười Hoàng Giáp

Trong vòng thi toàn quốc của cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt năm học 2024-2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, em Bùi Nguyễn Bảo Tiên, học sinh Lớp 4C, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Cà Mau) đã xuất sắc ghi tên vào bảng vàng với danh hiệu Hoàng Giáp, một trong những giải thưởng danh giá nhất của kỳ thi.

Nữ sinh viên học giỏi, gương mẫu trong công tác Ðoàn

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cả cha lẫn mẹ đều là viên chức ngành giáo dục ở Ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh, kinh tế không mấy dư dả, nhưng Nguyễn Yến Ngọc, sinh viên Khoa Thương mại, Trường Ðại học Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè. Trong 4 năm học đại học, năm nào Yến Ngọc cũng được học bổng, với thành tích xuất sắc trong học tập và trở thành sinh viên ưu tú của trường.