ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 22:13:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Độc đáo Cồn Sơn

Báo Cà Mau (CMO) Được bồi đắp phù sa trên dòng sông Hậu hiền hoà, Cồn Sơn có cây trái xanh mát, sum suê và những người dân chân phương, mộc mạc luôn niềm nở chào đón khách tới thăm.

Dù không xa đất liền, nhưng vừa đặt chân đến Cồn Sơn, du khách như đến một vùng đất mới, bình yên và trong lành đến lạ, bởi bao quanh là sông nước, tách biệt với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi thị thành. 

Thời gian gần đây, Cồn Sơn là cái tên được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch miền Tây với loại hình du lịch cộng đồng. Nằm giữa sông Hậu, cách đất liền khoảng 600 m và cách bến Ninh Kiều khoảng 6 km, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Từ bến đò Cô Bắc, chỉ mất từ 5-10 phút ngồi đò là du khách có thể đặt chân lên Cồn Sơn.

 
Trải nghiệm cảm giác đi qua cầu khỉ, bơi xuồng giữa không gian xanh mát.
Du khách thích thú khi được tự tay làm ra những chiếc bánh kẹp, bánh lá truyền thống.

Với diện tích nổi khoảng 70 ha, từ bao đời nay, cư dân Cồn Sơn sinh sống bằng lợi tức thu được từ những vườn cây ăn trái. Đất Cồn Sơn trù phú, người Cồn Sơn đôn hậu. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Mô hình du lịch cộng đồng trên Cồn Sơn chỉ mới phát triển từ năm 2015 do Đoàn thanh niên phường Bùi Hữu Nghĩa đứng ra phát động tổ chức. Đến nay, mô hình này đang được quận Bình Thuỷ hỗ trợ phát triển. Hiện tại, khoảng 20 hộ trong số 79 hộ dân trên cồn tham gia làm du lịch cộng đồng, kết hợp phát huy nét văn hoá và lối sống tình làng nghĩa xóm, theo kiểu mỗi nhà góp một sản phẩm. Các hộ gia đình đều được tạo điều kiện tối đa để hoạt động, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, được phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó nắm bắt, tuân thủ các quy định chung, cùng nhau làm du lịch cộng đồng khá bài bản và chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên là người bản địa, chủ yếu là các bạn đoàn viên, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa.

Đến Cồn Sơn, du khách được tận mắt xem "tuyệt chiêu" cá lóc bay.

Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông nhỏ, chỉ vừa cho người đi bộ và xe đạp, nên hầu như không có tiếng còi xe và khói bụi. Đường sá sạch đẹp, vườn cây rợp bóng, cảnh vật nhiều nơi vẫn giữ nét đẹp mộc mạc của nhà vườn xưa. Du khách đến Cồn Sơn không chỉ trải nghiệm cuộc sống với nông dân như tát mương bắt cá, bơi xuồng, hái trái cây, thưởng thức nhiều loại trái ngon, học làm nhiều món ăn và các loại bánh dân gian mà còn như được trở về không gian cộng đồng làng xóm Nam Bộ truyền thống.

Vườn vú sữa bơ hồng hơn 15 năm tuổi của cô Sáu mang hương vị ngọt ngào trên đất Cồn Sơn.

Tuỳ sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, vì thế người làm du lịch ở đây luôn chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số hộ tiêu biểu như nhà vườn Thành Tâm có cá lóc bay, vườn ổi, tát đìa bắt cá; Nhà vườn Công Minh có bà Bảy Muôn với nghề làm bánh dân gian; Nhà vườn chôm chôm Song Khánh; Vườn nhãn da bò của ông Năm Minh; Vườn vú sữa bơ hồng của bà Sáu; Bè cá với nhiều loài quý hiếm của ông Bảy Bon; Thưởng thức món gà xé bưởi của bà Sáu Cảnh… Mỗi nhà mỗi sản phẩm đặc trưng cùng hợp tác mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm riêng có ở nơi này.

Một Cồn Sơn dân dã ngay sát đất Tây Đô, khách đến đây được người dân tiếp đón tự nhiên mà nồng hậu. Ở đây, mỗi hộ gia đình sẽ đăng ký làm một hoặc hai món bánh dân gian, món ăn phục vụ du khách, tuỳ thời gian, số lượng và yêu cầu của từng đoàn khách, hướng dẫn viên du lịch sẽ bố trí khách đến sau khi thông báo trước cho từng nhà chuẩn bị. Như vậy, khách sẽ có cơ hội đến với nhiều nhà, tìm hiểu nhiều loại hình trong cùng một chuyến đi, không thấy đơn điệu và trùng lắp. Khách dùng bữa tại một nhà, các nhà khác sẽ mang món chuyên đến góp sau khi nhận được yêu cầu của người hướng dẫn.

Điều du khách có thể dễ dàng cảm nhận được khi đến với Cồn Sơn là ở đây không có sự cạnh tranh. Hôm nào nhà này đông khách, không đủ người phục vụ thì các nhà khác qua phụ theo kiểu “vần công”. Sự thân tình, chân chất ấy chính là phần hồn riêng có, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá - văn minh miệt vườn sông nước./.

Mơ Trịnh

Liên kết hữu ích

Chiêm ngưỡng hòn đảo đẹp thứ 2 thế giới

Đảo Phú Quốc của Việt Nam vừa được vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, vượt qua cả "thiên đường" Bali của Indonesia. Thành tích này được công bố bởi tạp chí du lịch danh tiếng Travel + Leisure trong khuôn khổ giải thưởng World's Best Awards thường niên, dựa trên bình chọn của hơn 186 ngàn độc giả.

Chư Nâm - Nón xanh cao nguyên

Nằm lặng lẽ giữa vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, núi Chư Nâm (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một điểm đến còn hoang sơ, ẩn chứa vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Với độ cao khoảng 1.472 m, Chư Nâm không quá hiểm trở như đỉnh Fansipan hay hùng vĩ như Lang Biang, nhưng mang trong mình sự bình yên của một vùng đất chưa bị khai phá nhiều.

Chùa Giác Hoa - Dấu ấn kiến trúc tâm linh của Bạc Liêu

Chùa Giác Hoa toạ lạc tại Quốc lộ 1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu - công trình kiến trúc tâm linh với lịch sử hơn 100 năm tuổi. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu tập và hành hương của đông đảo phật tử gần xa, mà còn là biểu tượng giao thoa giữa 2 nền văn hoá Ðông - Tây.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Mỗi dịp Rằm tháng Giêng, khi vầng trăng sáng treo cao trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru - Vân Kiều), sinh sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, lại hân hoan tổ chức Lễ hội Ðập trống. Ðây không chỉ là một nghi lễ truyền thống có từ hơn 300 năm, mà còn là biểu tượng của niềm tin tâm linh, sức mạnh cộng đồng và nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ.

Viên ngọc xanh giữa miền Tây Quảng Trị

Nằm ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, rừng Phong Hương cách TP Ðông Hà khoảng 70 km, thuộc khu vực miền núi giáp biên giới Lào. Nơi đây nổi bật với rừng phong hương bạt ngàn, hồ Rào Quán thơ mộng và thác Tà Puồng hùng vĩ, là điểm đến mới cho những ai yêu thiên nhiên và thích khám phá.

Trải nghiệm tàu điện Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Tuyến tàu điện Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất TP Hồ Chí Minh với thiết kế tối tân, mang lại cảm giác mới lạ, hứng khởi khi lần đầu được bước chân vào hệ thống giao thông công cộng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngắm đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ về đêm

Tối nay 27/1 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của TP Hồ Chí Minh tại phường Bến Nghé, Quận 1, nằm trải dài hơn 700 m từ trước trụ sở UBND thành phố và tượng đài Hồ Chí Minh đến Bến Bạch Đằng, với nhiều toà nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất. Con đường này trở thành đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều du khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc những ngày du xuân.

Xuân về làng hoa

Là vùng chuyên canh hoa kiểng, làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết trong những ngày tiết trời vào xuân, bởi những luống hoa Tết đang vươn mình khoe sắc. Ðến "thủ phủ" hoa Tết lớn nhất nhì miền Tây này, du khách có thể cảm nhận không khí lao động tất bật, nhộn nhịp trên những cánh đồng hoa vào mùa vụ làm ăn lớn nhất trong năm tại đây.

Kỳ diệu Ngũ Chỉ Sơn

Nằm giữa lòng xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ngũ Chỉ Sơn với năm đỉnh nhọn tựa những ngón tay khổng lồ vươn lên bầu trời xanh thẳm. Với độ cao 2.858 m, đây được xem là một trong những dãy núi hùng vĩ nhất miền Tây Bắc Việt Nam, thu hút những tâm hồn yêu khám phá và say mê vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.

Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bạc Liêu

Toạ lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cách trung tâm TP Bạc Liêu 18 km, là địa chỉ đỏ giáo dục cách mạng cho các thế hệ và trở thành điểm du lịch của địa phương và tỉnh Bạc Liêu.