"Hồi phục" là một tập hợp gồm 10 truyện ngắn riêng biệt nhưng nhân vật và kết cấu trong mỗi câu chuyện ít nhiều đều có liên quan lẫn nhau của tác giả Phan Hồn Nhiên, một trong những cây bút đầy nội lực của giới viết văn Việt Nam.
"Hồi phục" là một tập hợp gồm 10 truyện ngắn riêng biệt nhưng nhân vật và kết cấu trong mỗi câu chuyện ít nhiều đều có liên quan lẫn nhau của tác giả Phan Hồn Nhiên, một trong những cây bút đầy nội lực của giới viết văn Việt Nam.
Với lối viết đậm chất hội hoạ khi tả về bối cảnh nơi câu chuyện diễn ra và chuyên sâu về miêu tả nhân vật, từng truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên thấm đẫm những nỗi buồn mênh mông, những hoài nghi, e dè của những người trẻ hoặc những cách nhìn tinh tường cuộc sống của những người trải đời... nhưng tựu lại vẫn là vẻ đẹp trong câu chữ đến mức gây ám ảnh.
![]() |
Ðó có thể là nỗi cô đơn, không hẳn là do bên cạnh không có ai hoặc không có ai hiểu mình, mà là góc nhìn của một người già với sự thấu suốt, tinh tường hiểu được tại sao nhiều "kẻ" khác, kể cả người thân lại xum xuê quanh mình.
Biết vậy, nhưng cũng đành "thoả hiệp" bởi "sau hai cơn đột quỵ liên tiếp và ở trong bệnh viện nửa năm, linh cảm về sự kết thúc đã lởn vởn đâu đó, không buồn gây hấn với thế giới xung quanh nữa, bà chỉ muốn về nhà và có vài người họ hàng bên cạnh" hoặc đó chính là sự tận cùng của những cảm xúc đấu tranh với nhau, những tranh đấu ấy chỉ diễn ra thinh lặng bởi những con người ấy hẳn đã biết rõ mình không thể hoà nhập được với thế giới bên ngoài.
Thực ra, họ có thể hoà nhập - tốt nữa là đằng khác, "các mục tiêu lặt vặt vẫn bẻ ngoặt đời sống anh theo một hướng khác hẳn, trong khi vẫn tạo cho anh chút vững tâm mình chính là người nắm phần quyết định. Anh làm việc không ngưng nghỉ, dốc hết tinh thần vào các dự án nối tiếp, phải chăng để lãng tránh khoảnh khắc nhìn vào thời gian sống chính mình, nhận ra quá trình tự huỷ hoại đang diễn ra mà không cách gì cưỡng chống. Như lúc này đây" (Xuyên đêm).
Nhưng sâu trong tâm khảm, họ biết rõ mình sẽ không còn là bản thân mình, dẫu bản thân đó là những va đập, xung động, đớn đau, hoang mang và bất định. "Tôi cảm nhận cơn lạnh thoáng qua, bắt đầu ở khoang ngực. Rồi nó trở nên rõ rệt, lan rộng, khiến tôi run lên. Người đối diện đã tựa hẳn vào lưng ghế, thở khó nhọc. Dưới lớp áo phập phồng, tôi có thể mường tượng một cơ thể to lớn, được nuôi dưỡng bởi suy nghĩ bất tận về sách vở, bởi những chuyến đi vô định, bởi các giấc ngủ cô độc và cả những bữa ăn nguội lạnh thất thường" (Ðứa trẻ).
Kể cả khi được nuôi dưỡng, được lựa chọn cuộc sống theo ý của mình thì không hẳn con người chúng ta, những tạo vật của Thượng đế sẽ có được một cuộc sống an yên, phẳng lặng trong tâm hồn, chẳng hạn như cô gái trẻ được cha dưỡng nuôi theo đúng cái cách mà cô muốn được trở thành, quả đúng là cô gái trẻ ấy có những tháng ngày phẳng lặng, nhưng sự phẳng lặng ấy tựa như mặt đại dương thẳm sâu, chẳng biết bên dưới những lớp sóng gợn lăn tăn kia chứa đựng những gì. "Cuộc sống của bố và cô những năm tháng ấy, dưới cùng mái nhà hay giai đoạn cô đi học xa, luôn giống như chiếc thuyền buồm đặt trên mặt biển phẳng lặng. Họ vẫn nhớ trong một vùng nước xa xôi khác, có một sinh vật khác đang bơi. Nhưng thuyền của cha con họ cũng bơi và ngày nối ngày, những kẻ trên con thuyền ấy càng rời xa khỏi cái sinh vật phù du xanh thẳm" (Cảnh biển).
Có thể, những độc giả yêu quý Phan Hồn Nhiên ít nhiều hiểu được hoặc đã quen với những bất an, chông chênh của các nhân vật (dù đôi khi, chính những nhân vật ấy cũng không thể lý giải được những bất an, chông chênh ấy của mình), nhất là qua giọng văn đẹp, trau chuốt từng con chữ, biểu cảm trong từng chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhất của nữ nhà văn này, nhưng đối với những độc giả mới, nhất là những độc giả đã quen đọc thể loại tiểu thuyết ngôn tình hẳn sẽ ít nhiều lạ lẫm với lối viết trên. Ðó không hẳn là bởi văn của tác giả Phan Hồn Nhiên "kén" người đọc, mà đơn giản chỉ là, có những cung bậc cảm xúc chỉ được nhận ra, thấu hiểu từ những người đồng cảnh ngộ. "Năm tháng tuổi trẻ, tôi luôn cảnh giác nguy cơ làm mình suy yếu từ bên trong. Nếu tôi không nhìn nhận chúng, chúng không thể tấn công tôi. Tôi quay lưng với các loại xúc cảm, cho đến khi tôi nhận ra mình không có gì cả" (Xâm lấn).
Phải chăng khi nhận ra không gì có thể tấn công mình được nữa, trở thành kẻ bất chấp chiến bại cũng đồng nghĩa với việc "mình không có gì cả"; hay như chính chúng ta không nhận ra những điều đó, hoặc nhận ra nhưng đã không thể làm gì để thay đổi được nữa. "Ðám đông ồn ào di chuyển trong phòng chờ như hàng triệu phần tử mất định hướng. Hồ như ai nấy đều phát điên bởi nỗi lo sợ sẽ vuột mất một thứ gì đó mà chính họ còn chưa biết rõ. Tại sao tất cả đều có một vẻ thảng thốt giống hệt nhau trong những đôi mắt kia? Người ta cần phải làm gì, khi không biết chắc về điều mình cần? Nhưng, không nên nghĩ nhiều về những tình huống không thể tránh khỏi, nhất là khi anh cũng thuộc về đám đông rối loạn" (Xuyên đêm).
Con người là những tạo vật đẹp... và buồn!
Ngọc Lợi