(CMO) Chủ động ứng phó với thiên tai là giải pháp được tỉnh đặt lên hàng đầu trước diễn biến ngày một phức tạp của thời tiết như hiện nay.
Cà Mau tỉnh được xác định là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Thời gian qua, thiên tai xảy ra ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. “Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”, là chỉ đạo được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong những năm gần đây.
Chủ động phòng là chính
Cơn bão số 1 diễn ra vào những ngày cuối năm 2018 đầu 2019, càng cho thấy sự chủ động của tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai. Mặc dù theo dự báo đường đi của bão số 1 là không vào đất liền của tỉnh mà đi chệch về phía Nam Mũi Cà Mau khoảng 200 km. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải về công tác phòng tránh, theo dõi chặt chẽ hướng đi của bão, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống. Đặc biệt, các cơ quan chức năng bằng nhiều giải pháp, thiết bị phải liên lạc bằng được với các tàu đang hoạt động trên biển để cung cấp thông tin về hướng đi của bão, hướng dẫn tàu cá nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú ở khu vực an toàn.
Sự chủ động đó đã giúp hầu hết các tàu khai thác của tỉnh vào được nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho ngư dân. Hay như cơn bão số 16 diễn ra vào những ngày cuối tháng 12/2017. Được dự báo sẽ là cơn bão lịch sử nếu đổ bộ vào đất liền, các cấp chính quyền trong tỉnh đã dồn toàn lực để giúp người dân có thể giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 ngày đã có 4.652 tàu khai thác với hơn 29 ngàn thuyền viên đã được hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn tại các bến. Hơn 15.195 căn nhà và 38 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản tại Hòn Chuối và khu vực ven biển của người dân được cán bộ, chiến sĩ giúp chằng chống. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, vận động, cưỡng chế, di dời được 20.531 người dân khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiểm tra đoạn kè thí điểm chống sạt lở bằng đê trụ rỗng ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh. |
Trong cơn bão số 16, hầu hết các tàu thuyền đều tuân thủ việc kêu gọi vào nơi neo đậu an toàn của ban chỉ huy. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp chủ quan, cố tình neo đậu ngoài các cửa biển. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo lực lượng biên phòng áp dụng biện pháp cưỡng chế tàu vào khu neo đậu an toàn. “Áp dụng các biện pháp cưỡng chế vào nơi an toàn còn việc đúng sai, xử lý như thế nào thì để giải quyết sau”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh. Đồng thời, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải sử dụng thuyền ra kiểm tra tại các cửa biển, nhằm đảm bảo không còn phương tiện bên ngoài, không an toàn.
Sự chủ động không chỉ khi có những cơn bão, áp thấp nhiệt đới mà được duy trì thường xuyên, liên tục. Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Long Hoai cho biết, hoạt động kiểm tra, kiểm kê, đánh giá chất lượng các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, diễn ra thường xuyên để kịp thời đề xuất bổ sung. Đặc biệt, tỉnh chú trọng, dồn toàn lực cho đầu tư các công trình khắc phục hạn hán, áp dụng nhiều biện pháp từ công trình cho đến phi công trình, nhiều nguồn vốn khác nhau để phòng chống, xử lý xói lở.
Đến nay, toàn tỉnh đã xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 17.793 m, tổng mức đầu tư hơn 700,3 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo được bãi bồi phía bên trong và một phần phía bên ngoài kè, khôi phục được hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.
Nhu cầu lớn về nguồn lực
Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường là điều gần như chắc chắn. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã xảy ra 9 cơn bão và 6 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông; 61 ngày có xảy ra lốc xoáy; 18 đợt xảy ra sóng to, gió lớn trên biển. Phần lớn các cơn mưa đều kèm theo dông. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển cũng gia tăng đáng kể với 118 vụ, 9 đợt triều cường gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Cụ thể, thiên tai đã làm chết 5 người, 6 người bị thương, 35 thuyền viên mất tích, 16 phương tiện bị hư hỏng, 39 phương tiện bị chìm, sập 4 đáy hàng khơi. Sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 3.962 m, thiệt hại 140 căn nhà. Xói lở 105 km ven biển. 61 ngày xảy ra lốc xoáy làm sập 240 căn nhà, tốc mái 923 căn nhà. Triều cường làm vỡ 74 m bờ bao, ngập 47.515 m đường, ảnh hưởng 1,4 ha đất nuôi thuỷ sản. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 34,776 tỷ đồng. Đến những ngày đầu năm 2019, trên biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp, sau đó mạnh lên thành bão số 1 (bão Pabuk), gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển tỉnh Cà Mau. Qua thống kê sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 1,631 tỷ đồng.
Trước những diễn biến của thời tiết và mức độ thiệt hại ngày càng tăng thời gian qua, ông Hoai nhấn mạnh, các ngành, các cấp cũng như địa phương quán triệt tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục nhanh, hiệu quả, lấy phòng tránh là chính. Cần triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch đã được phê duyệt.
Để thực hiện tốt tinh thần phòng là chính, hiện tỉnh tiếp tục rà soát, bố trí cơ cấu tổ chức và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên trách, tinh gọn. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm bổ sung, hỗ trợ 126,588 tỷ đồng giai đoạn 2019-2020 cho các dự án chuyển tiếp và 32 tỷ đồng cho dự án bố trí dân cư vùng thiên tai Khóm 1 và 2, thị trấn Năm Căn. Ngoài ra, kiến nghị Trung ương xem xét cho tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xậy dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu mà không phải áp dụng cơ chế ngân sách tỉnh vay lại vốn ODA. Đặc biệt, có cơ chế huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Hiện nay, tỉnh còn 48.320 m cần tiếp tục đầu tư, trong đó có 11.180 m đã bố trí vốn 252,376 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu của tỉnh hiện vẫn còn cần Trung ương tiếp tục xem xét, bố trí thêm 331,1 tỷ đồng giai đoạn 2019-2020 cho các dự án đầu tư xây dựng kè cấp bách bờ biển đông khu vực Rạch Gốc, Vàm Xoáy; Dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, bãi trồng rừng phòng hộ cửa sông, ven biển; Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư khu vực thị trấn Năm Căn. Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ 234 tỷ đồng cho các dự án kè cấp bách bảo vệ biển Đông đoạn Hố Gùi, Vàm Xoáy./.
Nguyễn Phú