Theo quy định hiện hành, tất cả các loại bao bì cũng như các loại sản phẩm, thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
Trong cuộc sống ngày nay, bao bì thực phẩm được sử dụng rộng rải hàng ngày. Ngoài công dụng chứa đựng lương thực, thực phẩm và các vật phẩm thì bao bì còn được xem là một “vũ khí” bí ẩn truyền đạt thông tin về sản phẩm. Nhằm tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, thu hút người tiêu dùng.
Trước đây, bao bì chỉ cần mẫu mã đẹp, đa dạng về hình thức thì nay bao bì phải đáp ứng thêm tiêu chí xanh, sạch và thân thiện với môi trường, đây là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Bao bì giấy là sản phẩm hữu dụng, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, bao bì thực phẩm được làm từ nhiều chất liệu như: giấy, nhựa, cao su, gốm, thuỷ tinh… Theo quy định, tất cả bao bì thực phẩm được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng phải đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh để đảm bảo sức khoẻ cho người dùng trước khi được đưa vào sử dụng”.
Không chỉ đầu tư vào chất lượng, bao bì thực phẩm cũng được các doanh nghiệp thiết kế với nhiều hình dáng, mẫu mã bắt mắt để truyền tải thông tin, tạo độ nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại nhiều loại loại bao bì thực phẩm như: bọc ni lông, hộp xốp, chai nhựa… tái chế, không đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, thôi nhiễm nhiều chất độc hại cho sức khoẻ con người và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hộp xốp, chứa các chất toluene, styrene, ethylbenzene độc hại có thể thôi nhiễm khi sử dụng trực tiếp với thức ăn, tích tụ lâu dài trong cơ thể gây ung thư cho con người, xếp vào loại 2B. Ngoài ra, nhựa tái sinh, nhựa rẻ tiền, nhựa chất lượng kém, thường dùng làm vỏ đựng đồ ăn nhanh, cốc nước, hộp đựng trứng, dao, muỗng, nĩa… có thể giải phóng chất độc hại, vì vậy không thể đựng đồ ăn, thức uống lâu dài.
“Lâu nay, nhiều người vẫn hay sử dụng giấy báo, giấy in, giấy tập học sinh, hay những tờ bướm quảng cáo để gói thực phẩm, bởi vừa nhanh, gọn, ít tốn chi phí. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những tác hại khôn lường đối với sức khoẻ con người. Đặc biệt, với thói quen, nhiều người bán hàng sử dụng các loại giấy đã có mực in gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như: bánh mì, gói xôi và nhiều loại thực phẩm khác. Khi ăn những thực phẩm được gói bằng giấy có in chữ, giấy báo, người tiêu dùng có nguy cơ nhiễm độc chì gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó, nhiều người không thấy được tác hại nên vẫn thờ ơ với những loại giấy này”, ông Hưng cảnh báo.
Hộp xốp đựng thực phẩm rất tiện dụng, nhưng ẩn chứa nhiều chất độc hại đối với sức khoẻ con người.
Để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, ông Hưng khuyến cáo, các chủ cơ sở buôn bán thực phẩm cần sử dụng những loại giấy chuyên dùng đã được công bố tiêu chuẩn để gói thực phẩm. Đồng thời, sử dụng các loại lá trong tự nhiên để gói thực phẩm như lá chuối, lá sen, lá dong. Tuy nhiên, những loại lá này cần phải được rửa sạch, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiên quyết nói không khi người bán sử dụng các loại giấy báo, giấy có chữ in,… gói thực phẩm.
Đối với sản phẩm như thau nhựa, xô nhựa có thể đựng được nước, đựng được sản phẩm khô là rất tốt. Nhưng ngược lại không chịu được ảnh hưởng bởi môi trường axit. Ví dụ như làm dưa chua trong thau nhựa, xô nhựa, một thời gian môi trường axit sẽ thôi nhiễm một số chất trong đó ra không có lợi cho cơ thể. Nên sử dụng các loại dụng cụ bằng thuỷ tinh, bằng sành sứ để làm dưa thì mức độ ô nhiễm của nó thấp hơn.
Cũng theo ông Hưng: “Các chất độc hại có trong bao bì thôi nhiễm vào thực phẩm thường không nhiều để có thể gây ngộ độc tức thì. Nhưng điều đáng quan tâm là khả năng tích luý thời gian lâu dài của các hoá chất này, có thể gây ngộ độc mãn tính, nguy hiểm, khó lường. Tất nhiên ngộ độc mãn tính còn tuỳ thuộc cơ địa của người bị nhiễm, mức độ thôi nhiễm của bao bì phụ thuộc vào bản chất của từng loại bao bì, bản chất của thực phẩm, hàm lượng chất thôi nhiễm trong nền bao bì, điều kiện lưu trữ, cách thức chuẩn bị, chế biến thực phẩm và sử dụng”.
Với nhiều năm kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm, chị Huỳnh Thị Kim Tuyến, chủ một cửa hàng bách hoá tự chọn tại Phường 8, TP Cà Mau, cho biết: “Với sự phát triển của xã hội, hiện nay nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn những sản phẩm có bao bì bằng giấy chuyên dụng, không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, phân huỷ nhanh, thân thiện với môi trường tự nhiên”.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report, tính an toàn của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm quan tâm. Cụ thể, có trên 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường; 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn bao bì giấy chuyên dụng dù giá cao hơn các loại bao bì khác.
Theo ông Phùng Mạnh Trường, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, hiện nay, ngành bao bì giấy ngày càng được quan tâm và đầu tư, phát triển với những mẫu thiết kế đẹp mắt, mới lạ và thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tháng 11/2023, Bộ Khoa học và Công Nghệ lần đầu tiên công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 về những yêu cầu chung với mực in bao bì thực phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia này đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng của nguyên liệu bao bì đóng gói thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng”.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Theo quy định hiện hành, các loại bao bì đựng thực phẩm trước khi chính thức đưa vào sử dụng phải được các doanh nghiệp công bố chất lượng đạt chuẩn quy định của Bộ Y tế. Với mục đích cốt yếu là để đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng.
Căn cứ Điều 18 Luật ATTP số 55/2010/QH1, để được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thị trường, bao bì đựng thực phẩm cần đạt những tiêu chuẩn sau đây: Bao bì thực phẩm bắt buộc phải được sản xuất từ nguyên liệu an toàn, đảm bảo không thôi nhiễm những chất độc hại và gây ra mùi vị lạ cho cho thực phẩm. Đồng thời, bao bì phải duy trì được chất lượng của thực phẩm trong thời gian sử dụng.
Đối với các bao bì thực phẩm có in ấn hình ảnh và chữ lên trên thì cần tuân thủ thêm 2 điều sau: phẩm màu, mực in trên bao bì phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo không gây thôi nhiễm vào thực phẩm. Không in ấn vào mặt trong của bao bì (ngoại trừ trường hợp cơ quan chức năng đã kiểm tra và cho phép sử dụng loại mực in này).
Căn cứ theo Điều 8, Nghị định 115/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh bao bì thực phẩm. Cụ thể:Đối với hành vi sử dụng bao bì thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y Tế: phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Đối với hành vi sử dụng bao bì thực phẩm chứa chất độc, vật liệu có nguy cơ thôi nhiễm vào thực phẩm: phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng, các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu bắt buộc tiêu huỷ, tái chế.
Trung Đinh- Hoàng Vũ