Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân trong buổi làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau vào chiều 26/4.
Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trường có 07 nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt để đầu tư ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (5 nghề) và cấp độ quốc gia (2 nghề). Công tác tuyển sinh từ năm 2020 đến nay luôn đạt và vượt chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Đa số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập ổn định, được các doanh nghiệp đánh giá cao về kỹ năng nghề nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chia sẻ khó khăn của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay quy mô đào tạo, ngành, nghề đào tạo của trường còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm vượt quá chỉ tiêu cho phép của giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Việc mở rộng quy mô đào tạo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các nguồn lực về đội ngũ nhà giáo và đặc biệt là trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa đảm bảo để tăng quy mô đào tạo và mở thêm ngành, nghề mới.
Nhiều hạng mục công trình cơ bản phục vụ công tác dạy học của nhà trường còn thiếu, chưa được thực hiện do dự án đã kết thúc. Trường hiện thiếu giảng đường, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, nhà đa năng, ký túc xá, các phòng học lý thuyết, xưởng thực hành thường xuyên hư hỏng, xuống cấp, chưa đạt các tiêu chí kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nhiều hạng mục công trình sử dụng nhiều năm, nay không đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau trong giờ thực hành nghề công nghệ ô tô.
Trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện đào tạo chủ yếu được đầu tư mua sắm từ năm 2015, giai đoạn 2018-2020 thực hiện mua sắm bổ sung với số lượng nhỏ. Máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu, số lượng trên mỗi loại thiết bị còn thiếu so với quy định; tần suất khai thác, sử dụng cao; theo khuyến cáo của nhà sản xuất hầu hết thiết bị sắp hết hạn sử dụng nên hiện bị xuống cấp, hỏng hóc rất nhiều… không đáp ứng đủ yêu cầu học tập và sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
Chất lượng đầu vào của người học còn thấp, công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh vào học nghề tỷ lệ chưa cao.
Nguồn thu từ học phí của trường thấp, trong khi vật tư tiêu hao, nguyên nhiên liệu phục vụ dạy nghề tốn nhiều kinh phí, vì vậy ảnh hưởng đến việc rèn kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên; việc cải thiện đời sống cho viên chức nhà trường gặp khó khăn, mức tăng không đáng kể.
Các trang thiết bị được chuyển từ Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (mua trước năm 2017), các trung tâm giáo dục nghề nghiệp các huyện, thành phố số lượng nhỏ đến nay đã hỏng hóc không sử dụng được.
Nhằm đổi mới phương thức quản lý, phát triển và đa dạng hoá nguồn tài chính, khai thác các nguồn thu từ đào tạo và các hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết… để từng bước tăng khả năng tự chủ tài chính theo lộ trình quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đề xuất UBND tỉnh cho phép nhà trường thực hiện các giải pháp tăng nguồn thu thông qua các hoạt động đào tạo lái xe mô tô và mở Trung tâm Sát hạch lái xe mô tô (hình thức xã hội hoá trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật sẵn có tại cơ sở đào tạo tại huyện Cái Nước) và xây dựng Nhà giữ xe ô tô, sân bóng đá mini theo phương thức xã hội hoá.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân chia sẻ những khó khăn của trường hiện nay. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên nhà trường đã nỗ lực thực hiện tốt công tác đào tạo nghề thời gian qua, số lượng đào tạo tăng qua từng năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho biết: “Đầu tư mua sắm hiện nay đều phải thực hiện theo quy trình, quy định, trước mắt lãnh đạo nhà trường phải xem xét từng vấn đề cụ thể, vấn đề nào cần kiến nghị trước, vấn đề nào sau. Vấn đề nâng chuẩn đội ngũ nguồn nhân lực có thể phối hợp tổ chức tại trường, có thể đưa đi đào tạo ngắn hạn, ưu tiên thế mạnh của trường, mũi nhọn của địa phương đang cần, phải đi tắt, đón đầu trong nâng chuẩn…
Về vấn đề tài chính, đề nghị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở các phòng chuyên môn thực hiện đúng theo quy định, đúng nguyên tắc, từng bước tăng tính tự chủ để cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên…
Môi trường đào tạo cần đổi mới, sáng tạo để tạo không khí, môi trường học tập năng động. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, cần tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo chất lượng trong và ngoài tỉnh.
Về xây dựng cơ bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo nhà trường phải có phương án quy hoạch, chủ động đề xuất các phương án đầu tư. Huy động nguồn lực ngoài nguồn ngân sách, cùng với quy hoạch để đầu tư, phối hợp, liên kết với các trường chất lượng ngoài tỉnh./.
Hồng Phượng