(CMO) Tại hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vào chiều 16/6, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, ông Lê Hoàng Dự ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đơn vị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc kiên định các mục tiêu giáo dục: phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả; hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học khi thực hiện song hành chương trình GDPT 2018 và chương trình hiện hành; đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chương trình GDPT 2018 triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; năm học 2022-2023 sắp tới sẽ là lớp 3, 7 và 10.
Theo báo cáo sơ kết, toàn tỉnh hiện có tổng số 220 trường tiểu học công lập; 10 trường có 2 cấp học; 1 trường ngoài công lập; 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập. Trong đó, khối lớp 1 có tổng số 802 lớp, với hơn 22.500 học sinh; khối lớp 2 có 725 lớp, tổng số hơn 20.400 học sinh.
Có 228 trường với 16 lớp thực hiện học 2 buổi/ngày. Có 24 trường dạy bán trú, với 67 lớp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm học 2021-2022 không tổ chức học 2 buổi/ngày và bán trú.
Về chất lượng, ở khối lớp 1, hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ hơn 95%, so với cùng kỳ giảm 2%; học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ 0,31%. Đối với lớp 2, hoàn thành các môn học học kỳ I là 85%, so với cùng kỳ giảm 2%.
Về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK), Hội đồng lựa chọn SGK đề xuất lựa chọn và được UBND phê duyệt 1 bộ SGK sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh, riêng môn Tiếng Anh lớp 1, lớp 2 là môn học tự chọn nên Hội đồng đã đề xuất và được UBND phê duyệt 3 bộ.
Bộ sách giáo khoa mới với cách tổ chức các môn học tạo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt giúp các em vui vẻ, thích thú học tập. |
Về chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT đã tham mưu, xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị, xây dựng và sửa chữa phòng học theo lộ trình với tổng kinh phí 2.223,9 tỷ đồng (trong năm 2020 là 530,6 tỷ đồng; năm 2021 là 893,4 tỷ đồng; năm 2022 là 799,9 tỷ đồng); phòng học chuẩn bị cho dạy học lớp 1, lớp 2 khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong năm học 2020-2021, còn một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được 100% cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày, như các trường: Tiểu học Tân Xuân, Tiểu học thị trấn A, Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình); Tiểu học 1 Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); Tiểu học Đỗ Thừa Luông (huyện U Minh). Việc chỉ học 1 buổi/ngày chương trình sẽ rất nặng (5 tiết/buổi), chưa tính các buổi ngoại khóa...
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, 4 yếu tố quyết định thành công thực hiện chương trình GDPT 2018 là đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực chuyên môn. Song, hiện nay, giáo viên vẫn thiếu, phần lớn thiết bị dạy học lớp 1 (chương trình hiện hành) không đáp ứng được với Chương trình GDPT 2018, hoặc qua nhiều năm sử dụng đến nay bị hư hỏng nặng. Kinh phí cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học hằng năm có hạn chế nên việc mua sắm bổ sung gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn, vướng mắc, trở ngại, nhiệm vụ thời gian tới được ngành GD&ĐT đề ra là tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng chọn SGK lớp 4 và các lớp còn lại theo lộ trình thực hiện; tiếp tục mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư phòng học theo lộ trình nhằm đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tuyển giáo viên còn thiếu, trong đó đặc biệt là giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học.
Ngành GD&ĐT Cà Mau đang trình phê duyệt Dự án mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2022, thuộc Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025, với kinh phí thực hiện 246 tỷ đồng. (ảnh minh hoạ) |
Ngành cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú đối với các lớp học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện cho các em học tập tốt và thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Viettel Cà Mau tập huấn Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ quản lý và giáo viên các mô đun theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Kết luận hội nghị, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hoàng Dự đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, nỗ lực xoá điểm lẻ để dồn lực đầu tư thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đảm bảo dạy học chương trình GDPT mới hiệu quả. Đặc biệt quan tâm rà soát số lượng, chất lượng giáo viên để đào tạo, bồi dưỡng nâng chất giáo viên, đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo lộ trình, nhất là đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học.
“Đối với việc kiểm tra đánh giá học sinh, các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc "học thật, thi thật, bằng thật". Phương pháp mềm dẻo, linh hoạt nhưng phải đảm bảo đúng quy định, không vì chất lượng nhà trường mà dẫn đến tình trạng học sinh “đọc chưa thông, viết chưa thạo”, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất”, ông Lê Hoàng Dự nhấn mạnh./.
Băng Thanh